(HNM) - Hệ tri thức Việt số hóa vừa được khởi động (địa chỉ https://itrithuc.vn) là trang dữ liệu mở của người Việt, tạo điều kiện để mọi người dân học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển đất nước.
Sau một tuần triển khai, Hệ tri thức Việt số hóa đã nhận gần 2,5 triệu câu hỏi từ học sinh, sinh viên. Ảnh: Bùi Tuấn
Hệ thống sinh thái số do người Việt làm chủ
Theo ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học - công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học - Công nghệ), Đề án Hệ tri thức Việt số hóa ra đời trong bối cảnh không gian mạng là kho tài liệu khổng lồ, nhưng không phải văn bản nào cũng đáng tin cậy. Do đó, cần thiết phải xây dựng được hệ thống tri thức số hóa có phân loại, sắp xếp và được kiểm chuẩn độ chính xác, có định hướng nội dung thông tin phù hợp và hữu dụng cho người dân.
Các tri thức sẽ được thẩm định, hiệu chỉnh bởi các nhà khoa học, các chuyên gia để hình thành hệ tri thức toàn diện cho người Việt, vừa đáp ứng nhu cầu hiểu biết cơ bản cho người dân, vừa đem những kiến thức chuyên sâu nhất, hiện đại nhất của khoa học, kỹ thuật thế giới đến cộng đồng. Được ví với Wikipedia (Bách khoa toàn thư lớn của cả thế giới), song Hệ tri thức của itrithuc.vn có thể cung cấp các thông tin tin cậy, đã được các cơ quan, đơn vị bảo đảm sự đúng đắn.
Nhằm khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học - công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, nhất là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, Hệ tri thức Việt số hóa được xây dựng thông qua nhiều kênh khác nhau, mang tính chất xã hội hóa cao để huy động các nguồn lực xã hội. Chỉ sau một tuần Trung ương Đoàn phát động các sinh viên tham gia đề án, đã có gần 2,5 triệu câu hỏi được gửi lên hệ thống. Trong thời gian tới, dựa trên những nền tảng được xây dựng ban đầu, nhiều tài liệu, dữ liệu từ các cơ quan, bộ, ngành sẽ được cập nhật trên kho dữ liệu mở của đề án.
Chung tay lan tỏa tri thức
Hệ tri thức Việt số hóa được triển khai tại địa chỉ https://itrithuc.vn.
Tại lễ khởi động vừa được tổ chức, TP Hà Nội cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, mạng xã hội, các cá nhân… đã ký cam kết đóng góp xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa. Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố về các nội dung tham gia, trong đó có việc số hóa bộ Bách khoa thư Hà Nội để đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa. Bộ sách là kho tư liệu quý báu, là sản phẩm khoa học có giá trị lớn về văn hóa, truyền thống, lịch sử và giáo dục đối với Thủ đô và cả nước. Sở Khoa học - Công nghệ cũng xin ý kiến UBND thành phố về việc số hóa toàn bộ hệ thống dữ liệu đề tài, dự án của thành phố, nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý, khai thác tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Còn Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức cho biết, nhà trường đã triển khai xây dựng 'Dịch vụ hỏi đáp về văn hóa Việt Nam và tri thức khoa học - công nghệ'. Dự kiến, nội dung tri thức của 2 lĩnh vực này có khoảng 1.000 đề mục, tương ứng với ít nhất 4.000 đơn vị thông tin. Dịch vụ hỏi đáp sẽ huy động khoảng 1.200-1.500 sinh viên tham gia. Nhóm thường trực có từ 30 đến 50 sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên trẻ sẽ giải đáp trực tuyến và chuẩn chỉnh tri thức đã tích lũy.
Để Hệ tri thức Việt số hóa vượt qua được những hạn chế ban đầu, đội ngũ nòng cốt xây dựng Hệ tri thức Việt mong muốn có được sự đóng góp, chia sẻ nhiệt huyết của cộng đồng. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT, một trong những thành viên nòng cốt tham gia dự án, chia sẻ: Chính chúng tôi, những người đều dùng Google, Facebook… phải trả lời câu hỏi 'Liệu việc xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa có thực sự cần thiết hay không?' và câu trả lời cần được thực hiện bằng hành động. Không phải Google hay Facebook đã có thể giải quyết tất cả mọi việc. Khi một học sinh mới đi học tìm được 1 triệu kết quả với công cụ Google, liệu có tìm ra câu trả lời? Trong khi những mảng hỏi đáp, một thành phần của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa sẽ giúp làm những việc đó. Tất nhiên, việc này chỉ đạt được khi bộ dữ liệu được liên tục cập nhật từ cộng đồng.
Từ một góc nhìn khác, ông Lê Ngọc Anh cho rằng, để nguồn dữ liệu quý giá này có thể lan tỏa và phát huy hiệu quả trong cộng đồng, trước tiên cần tạo cho người dân nhu cầu tìm hiểu tri thức thông qua việc tạo nên một nền tảng môi trường hướng tới kinh tế tri thức, một tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp mạnh mẽ. Điều đó đặt ra cho thành phố yêu cầu cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh…
Đó cũng là những điều hướng tới của Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về sự quan trọng của tri thức và thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nâng cao ý thức cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, kiến thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ năm 2019, Hệ tri thức Việt số hóa tiếp tục phát triển và thúc đẩy khai thác sâu để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.