Tuy vậy, sự xuất hiện của xe buýt và những chiếc xe quá khổ chắc chắn chính là mối hiểm nguy mà bạn cần né nó ra càng xa càng tốt. Mình bắt đầu chuyển lên Sài Gòn sống đến nay cũng được 4 năm thôi và bài viết này chỉ muốn chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân chứ mình không phải chuyên gia gì cả. Mình nghĩ không chỉ riêng Sài Gòn mà những anh em sống ở các thành phố lớn khác cũng có thể đọc và chia sẻ kinh nghiệm cùng với mình. Mời anh em theo dõi.
Những yếu tố cần thiết
Chắc chắn bạn cần phải có phương tiện thì mới tham gia giao thông được, dù có đi bộ hay gì nữa. Trong bài viết này thì mình đề cập đến xe máy vì đó là phương tiện phổ biến nhất và cái nữa là mình cũng chưa có cơ hội được lái xe hơi nên chưa thể chia sẻ gì. Lưu thông ở Sài Gòn hay ở đâu đi nữa đầu tiên bạn cần có một cái xe tốt. Tốt nghĩa là bạn phải đảm bảo nó không bị chết máy hay tuột sên giữa đường, và những trang thiết bị cần thiết cũng nên hoạt động tốt. Những yếu tố cần thiết đối với một chiếc xe mang lại khả năng lái an toàn chính là đèn trước sau, xi nhan và đặc biệt, gương chiếu hậu.
Rất nhiều người lái xe hoàn toàn không xem kính chiếu hậu theo quan sát của mình. Kính chiếu hậu theo mình là yếu tố siêu quan trọng trong lái xe máy. Dựa trên điều kiện ở Việt Nam, kính trái là bắt buộc nhưng kính phải cũng không kém phần quan trọng. Vai trò của kính phải là giúp bạn có thể rẽ vào bên phải được an toàn hơn, không bị xe sau húc tới.
Sau khi nói về những điều thiết yếu, bây giờ chúng ta vào vấn đề chính. Mình sẽ liệt kê ra những điều cần nói và giải thích cụ thể ra.
Tốc độ
Hãy bỏ ý nghĩ cho rằng chạy chậm là an toàn. Nếu bạn nhất định phải chạy chậm, như là chở gia đình, bà bầu hay đang bị thương ở đâu đó,...tốt nhất là chạy sát vào lề phải. Việc chạy chậm giữa đường không những khiến bạn trở thành trở ngại của luồng giao thông mà còn đe doạ đến an toàn của bạn. Hãy thử tưởng tượng trong dòng xe đông đúc, bạn bị khuất tầm nhìn và một chiếc mô tô ở phía sau đang vượt lên, lúc bấy giờ nếu người phía sau không xử lý kịp chắc chắn sẽ tông vào đít xe bạn và hậu quả sau đó sẽ khó lương trước được.
Hãy chạy nhanh nhưng cũng nên đảm bảo rằng bạn không vượt quá tốc độ cho phép trong nội thành. Ngoài ra, hãy chạy ở một tốc độ mà bạn nghĩ rằng mình hoàn toàn còn quyền kiểm soát chiếc xe và xử lý tình huống khi cần thiết. Những bạn chạy xe số hoặc côn tay chắc chắn đa phần biết đến kỹ năng phanh bằng cách dồn số và đó là cách hữu hiệu để bạn kiểm soát chiếc xe ở tốc độ vừa phải (50-60 km/h). Nếu đang sử dụng xe tay ga mà không có phanh ABS, bạn nên cẩn thận hơn vì phanh đĩa tuy hiệu quả hơn phanh tang trống nhưng có thể xem đó là con dao hai lưỡi vì rất nhiều trường hợp đã bị té vì bó bánh khi phanh gấp. Tóm lại, hãy chạy nhanh nhất theo khả năng của bạn (không phải khả năng của xe) và đừng bao giờ “bò” giữa đường.
Vượt xe khác
Trước khi vào Sài Gòn, trong thâm tâm mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải vượt xe khác bên phải. Nhưng với điều kiện đông đúc của Sài Gòn, đôi khi đó là lựa chọn duy nhất. Hãy vượt xe khác chỉ khi bạn cảm thấy an toàn, đặc biệt là vượt xe lớn. Xe buýt có lẽ là phương tiện mà người đi xe máy phải “đối đầu” nhiều nhất trong tình huống này. Với đặc quyền của mình, xe buýt hoàn toàn có thể chạy ra vào làn xe máy và điều đó chắc chắn gây không ít trở ngại cho phương tiện khác, đặc biệt là đối với người đi xe máy. Thời điểm tốt nhất để vượt xe buýt chính là lúc nó vừa vào bến, đó là khi bạn vẫn còn ở xa và nhận thấy điều đó.
Tuy nhiên, sẽ không ít lần bạn đang muốn vượt phải khi xe buýt đang lưu thông ở làn bên kia thì đột nhiên nó bật xi nhan để tạt vào bến. Tình huống này khá nguy hiểm và cách tốt nhất là bạn nên từ từ rà thắng để dừng hẳn lại, chờ đến khi xe buýt đi thì đi tiếp. Đôi khi bạn cũng có thể vượt trái trong tình huống này nhưng trước khi chuyển hướng cần bật xi nhan trái và nhìn gương, nếu thấy không có chiếc xe nào đang lao với tốc độ cao lên thì mới vượt, không thì nên yên phận chờ đợi.
Xi nhan
Hãy sử dụng xi nhan nhiều hơn sử dụng còi và chú ý đến xi nhan của xe khác. Bất cứ khi nào bạn muốn chuyển hướng, cho dù là muốn rẽ vào đường khác hay chuyển làn, tất cả đều nên bật xi nhan. Điều này rất ít được chú trọng ở Việt Nam nhưng lại là kỹ năng quan trọng trong lái xe. Bật xi nhan sẽ giúp cho xe phía sau lẫn xe trước biết mình đang muốn đi hướng nào, từ đó đưa ra hướng xử lý tốt nhất, cho cả họ và cho bạn.
Đừng bao giờ nhầm lẫn giữa trái và phải. Ví dụ một tình huống mà xi nhan khá quan trọng. Bạn đang lên 1 cây cầu khá hẹp và chiều của bạn chỉ đủ cho 1 chiếc xe hơi và 3 xe máy chạy song song. Đang lên cầu thì bạn chạy song song với một chiếc xe hơi trong khi phía trước có một nhóm trẻ đang dàn hàng và bạn không thể vượt lên. Lúc này, bạn hẳn là muốn chạy sang làn bên kia và tạt đầu ô tô là cách mà bạn sẽ chọn. Tuy nhiên, hãy tạt đầu một cách lịch sự và an toàn, bằng cách chạy lên một chút, bật xi nhan trái. Nếu người lái ô tô nhận thấy chắc chắn họ sẽ rà phanh chậm lại để mình lách qua và vượt lên. Khi rơi vào những tình huống bắt buộc phải tạt đầu, nên nhớ là không tạt quá gấp vì tài xế xe hơi họ sẽ không xử lý kịp, phải đảm bảo phía trước bạn có một khoảng trống nhất định trước khi lách qua bên kia. Bản thân mình ngoài xi nhan thường sẽ xoay đầu qua một tí và gật đầu để xin lỗi người lái ô tô cũng như cảm ơn vì họ đã nhường đường cho mình.
Một tình huống khác mà bạn cũng nên xi nhan chính là vào vòng xoay. Vào trái - ra phải, làm ơn hãy nhớ đúng điều này. Vào vòng xoay bạn bật xi nhan trái để xin vào vòng xoay, quan sát phía bên trái và nhường cho dòng lưu thông đó qua trước, khi chạy lên tới giữa vòng xoay, muốn rẽ hướng nào thì bật xi nhan phải để xin rẽ vào đó. Quan sát xi nhan của xe khác, đặc biệt là xe hơi sẽ giúp bạn ra vào vòng xoay dễ dàng hơn vì bạn biết đó, ở Sài Gòn nếu bạn chạy xe máy chắc chắn sẽ có lúc bạn nương nhờ vào lá chắn là những chiếc ô tô để qua đường dễ hơn. Tuy nhiên, cũng đừng quá tin tưởng vào xi nhan của họ vì theo mình quan sát rất nhiều người không biết cách bật xi nhan khi vào vòng xuyến. Họ thường làm ngược lại, hoặc không bật hoặc bật đèn khẩn cấp (ở xe hơi) và vì vậy, nên quan sát hướng di chuyển của họ để có cách xử lý phù hợp. Đừng vội vàng khi đến giao lộ, cứ từ từ mà đi thôi.
Đèn xanh - đèn đỏ
Nếu chạy qua giao lộ mà đèn xanh còn nhiều giây thì cũng đừng nên vội, hãy chậm lại một chút và đảo mắt 2 bên xem có ai có ý định vượt đèn đỏ không. Tham gia giao thông ở Việt Nam, đừng quá tin tưởng vào những luật lệ vì không phải ai cũng sẽ tuân theo. Trong trường hợp bạn đến giao lộ khi đèn sắp chuyển vàng, vẫn quan sát 2 bên nếu không có gì thì chạy qua vì có rất nhiều người đèn đỏ còn 5 thậm chí 10 giây đã chạy.
Tình huống khác là bạn đến ngã 4 khi đèn đã chuyển vàng, lúc bấy giờ cần bình tĩnh xử lý chứ đừng vội, nên nhìn kính hậu và xem xem có ai có ý định vượt qua không, nếu có thì nên nhích thêm tí ga rồi lách qua cho họ vượt rồi mới dừng. Đây là bài học đầu tiên về lái xe mà mình học được ngay từ ngày đầu chạy xe ở Sài Gòn khi bị một bà chị húc đít và chửi mình chạy ngu. (Thật ra kể từ đó mình ít khi nào dừng lại khi đèn vàng)
Ảnh: Behance
Ngoài ra, một mẹo khác nhằm đảm bảo rủi ro ở mức thấp nhất là bạn cố theo dõi đèn giao thông từ xa, thấy còn ít giây để chạy thì giảm ga từ từ và tấp dần vào lề phải rồi dừng lại. Cũng lưu ý tí là ở Sài Gòn, mọi người có thói quen rẽ phải khi đèn đỏ tuy không phải lúc nào cũng được rẽ (nơi không có biển báo cho phép rẽ), do đó bạn nên dừng làm sao để chừa ra đường để người muốn rẽ chạy được nhằm tránh những xích mích không đáng có.
Mình không hề ủng hộ việc rẽ phải khi đèn đỏ bất chấp nơi đó có được rẽ hay không, nhưng hiện luật thì vậy nhưng dường như việc xử phạt hành vi này rất ít. Điều cuối cùng cần quan tâm chính là lúc dừng đèn đỏ rồi thì cũng đừng nên lơ đãng. Mình quan sát thấy có nhiều người sẽ tắt máy xe khi dừng đèn đỏ, điều này tốt chứ không xấu nhưng chỉ nên tắt máy khỉ bạn đảm bảo mình đang trong thế an toàn bởi từng có khá nhiều vụ dừng đèn đỏ nhưng vẫn bị xe điên tông phải. Tốt nhất khi dừng đèn đỏ thì nên chuẩn bị tư thế vào số, quan sát gương hậu, quan sát phía trước và sẵn sàng chạy cho bất kỳ tình huống nào.
Sang đường
Sẽ có những địa điểm mà bạn phải băng qua đường thì mới tới được và đây cũng là một trong những tình huống đối mặt với nhiều rủi ro nhất khi tham gia giao thông ở Sài Gòn. Theo kinh nghiệm của bản thân mình thì việc sang đường nên diễn ra như sau. Đầu tiên, hãy xác định vị trí địa điểm mà bạn muốn vào, một cửa hàng nào đó đại loại vậy. Khi chạy gần đến đó vài trăm mét, hãy bật xi nhan trái, nhìn gương hậu và chuyển hướng từ từ sang trái đến sát vạch phân chia chiều ngược lại. Bạn vẫn tiếp tục chạy nhưng ở tốc độ chậm và quan sát xem chiều ngược lại có xe không. Khi đã thấy hơi vắng một chút và dòng lưu thông khác vẫn còn một khoảng tương đối xa thì bạn hãy mạnh dạn quay đầu 90 độ và đâm thẳng vào cửa hàng đó. Nếu chạy lố qua cũng đừng lo lắng vì sau khi quay đầu lại được thì việc vào địa điểm mong muốn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mật độ giao thông cũng có lúc thưa, đôi lúc sẽ dày đặc và bạn cần mạo hiểm 1 chút để qua đường. Hãy bình tĩnh và qua từ từ thôi. Ngày đầu khi vào Sài Gòn, cách mình qua đường là xác định vị trí địa điểm, tấp vào lề phải và dừng lại ở phía đối diện, quay đầu ra sau và băng qua vuông góc. Lần đầu tiên mình bị 1 chị chửi ngu, lần 2 thì bị một ông chú chở nước đá tông bể đèn hậu. Theo quan sát của mình, cũng khá nhiều người qua đường theo cách này và mong rằng mọi người không nên đi theo cách đó.
Chú ý đến biển báo
Nếu không muốn bị mất tiền oan, luôn chú ý đến biển báo khi bạn đi qua những con đường mới. Từ khi vô Sài Gòn đến giờ mình bị 'dính' 2 lần. 1 lần chạy lấn làn ô tô ngoài Nguyễn Văn Linh, lần 2 là rẽ trái từ Nguyễn Thị Minh Khai vô Cách Mạng Tháng 8. Bị phạt rồi lúc đó mình mới biết là có cái biển cấm quẹo trái từ 6h-23h thế nên từ đó khi có việc phải đi những đường lạ thì mình luôn chú ý đến các biển báo.
Những điều không nên
Đèn pha và còi, làm ơn hãy sử dụng đúng cách. Xin các bạn đấy, đừng bật đèn pha khi đi trong nội thành. Đèn pha không chỉ khiến người khác chói mắt, gây khó chịu mà còn nguy hiểm. Khi bị đèn pha chiếu vào mắt, bạn sẽ bị giảm tầm nhìn bởi chói, ngoài ra, nếu xuất hiện người đi bộ hay đi xe đạp trong phạm vi rọi của đèn pha ngược chiều, bạn hoàn toàn có khả năng tông trúng họ. Một số người thậm chí không biết đèn pha là gì, cứ sáng là mở thôi. Sai lầm cũng thường thấy là khi đi vào đoạn không có đèn đường, một số người thường bật đèn pha và đó lại càng là sai lầm gây nguy hiểm cho bản thân họ cũng như người xung quanh.
Nếu đi vào những con đường vắng và không có đèn, khi đó hãy bật đèn pha và hãy tắt ngay nếu bạn thấy có người đi ở chiều ngược lại. Đó vừa là phép lịch sự, vừa là thói quen giúp đảm bảo an toàn. Bản thân mình mỗi khi quên tắt đèn pha do trước đó rảnh rỗi ngồi nghịch mấy cái công tắt, khi phát hiện được mình tắt ngay và cảm thấy vô cùng áy náy vì khiến không biết bao nhiêu người khó chịu và còn bị chửi ngu nữa chứ.
Mặt khác, sử dụng còi vô tội vạ cũng là vấn nạn. Thử hỏi đang kẹt xe, bạn bóp còi làm gì? Cũng có chạy lên được đâu? Tình trạng này mình gặp rất nhiều ở xe buýt và xe máy thì cũng từng chứng kiến không ít trường hợp. Bản thân mình chạy xe 1 năm chắc đụng tới nút còi 2-3 lần để hù mấy chú chó chạy vào nhà chúng. Một vài lưu ý nhỏ xíu khác chính là khi bạn gặp tình huống đối đầu với xe khác và 2 bên phải thắng gấp, đừng nhìn vào mắt nhau, cứ nhìn vào bánh xe trước và lách ra rồi đi theo hướng của mình. Nếu tình huống căng thẳng hơn, nên gật đầu xin lỗi họ một cái vì đừng bao giờ hơn thua xem ai đúng ai sai, điều đó chỉ mang lại cho bạn hiểm hoạ nếu đụng phải dân chơi hoặc “sửu nhi”.
Đấy là bấy nhiêu kinh nghiệm của bản thân theo những gì mà mình có thể nhớ được bởi trên đường thì rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Quan trọng là bạn phải xử lý bình tĩnh và khôn khéo nhường nhịn khi xảy ra những va chạm không mong muốn. Anh em nếu có kinh nghiệm nào hoặc thấy điểm nào chưa hợp lý thì tích cực bình luận phía dưới để bàn thêm nhé. Chúc mọi người lái xe an toàn và vui vẻ!