Với hạ tầng công nghệ cùng những thay đổi sẵn sàng cho một thế giới của tương lai.
Năm 2017 rồi, và để trở thành một 'thành phố thông minh' không đơn thuần chỉ là có kết nối internet tốc độ cao. Mọi dữ liệu về giao thông, mức độ ô nhiễm, sử dụng năng lượng đều được các thành phố thu thập giúp mang đến cuộc sống an toàn, lành mạnh hơn cho người dân. Định nghĩa về thành phố thông minh đã được mở rộng bao gồm tính bền vững về môi trường, giao thông vận tải, tiếp cận giáo dục và kinh tế địa phương với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới.
Theo Business Insider, dù có rất nhiều hứa hẹn về một thành phố thông minh, nhưng một số người còn lo ngại rằng khi công nghệ phát triển, việc đảm bảo sự riêng tư của người dân là câu hỏi cần được giải đáp.
Từ mối lo ngại trên, một startup mang tên EasyPark Group đã thu thập, phân tích dữ liệu và công bố Chỉ số Thành phố Thông minh 2017 (2017 Smart Cities Index), trong đó bao gồm 10 thành phố thông minh và sẵn sàng đón đầu tương lai của khoa học công nghệ.
'Chúng tôi nhận thấy rằng một thành phố thông minh trước hết cần được phủ sóng 4G, điểm truy cập Wi-Fi phong phú cùng mật độ sử dụng smartphone cao. Giao thông vận tải và tính di động cần dựa vào kiến thức cùng bãi đỗ xe thông minh, cảm biến giao thông và ứng dụng chia sẻ xe hơi. Một thành phố thông minh cần sự bền vững, với việc tập trung vào năng lượng sạch cùng các kế hoạch môi trường. Ngoài ra, các dịch vụ chính phủ trực tuyến cũng cần có chất lượng tốt và được nhiều người dân sử dụng'.
EasyPark đã phân tích 500 thành phố trên toàn thế giới và xếp hạng chúng trong 18 lĩnh vực bao gồm vận tải công cộng, năng lượng sạch, xử lý chất thải, giáo dục, hệ sinh thái startup, số lượng điểm truy cập Wi-Fi, truy cập dịch vụ chính phủ trực tuyến và bảo vệ môi trường.
Sau đây là 10 thành phố có thứ hạng cao nhất.
10. Melbourne (Australia) đạt điểm tuyệt đối về kết nối mạng 4G với tốc độ tải xuống khoảng 47,49 Mbps, được tính toán dựa trên hàng triệu bài thử nghiệm vào tháng 10/2017.
9. Geneva (Thụy Sĩ) ưu tiên cho cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà và vận tải công cộng. Đến năm 2020, thành phố dự tính giảm lượng khí thải CO2 xuống 21% so với năm 2005.
8. Amsterdam (Hà Lan) là nơi tập hợp rất nhiều cộng đồng startup với các chương trình ươm mầm như StartupDelta hay StartupAmsterdam.
7. Không ngạc nhiên khi San Francisco (California, Mỹ) có rất nhiều startup về công nghệ và các lĩnh vực khác.
6. Hệ thống đường sắt ở Tokyo (Nhật Bản) quản lý hơn 100 tuyến đường sắt và 14 tỷ hành khách mỗi năm.
5. Khu vực đô thị bao quanh Boston (Massachusetts, Mỹ) tập hợp nhiều trường đại học nổi tiếng như MIT hay Harvard, dẫn đầu bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2018.
4. Zurich (Thụy Sĩ) có một kế hoạch đô thị bài bản giúp tăng tỷ lệ không gian xanh xung quanh thành phố.
3. Tại Stockholm (Thụy Điển) phần lớn xe buýt và tàu hỏa chạy bằng nguồn nhiên liệu sạch. Năng lượng tái tạo chiếm 52% sản lượng năng lượng sản xuất tại quốc gia này.
2. Singapore tự hào có được một trong những mạng lưới vận tải công cộng hiệu quả nhất trên thế giới, theo nghiên cứu năm 2014 của Siemens.
1. Copenhagen (Đan Mạch) có một hệ sinh thái startup lành mạnh, số lượng lớn điểm truy cập Wi-Fi và tỷ lệ kẹt xe tương đối thấp. Thành phố cũng đang đầu tư vào năng lượng sạch với mục tiêu đạt 100% carbon trung tính (carbon-neutral) vào năm 2025.
Phúc Thịnh