Chuyến đi Hà giang hồi Tết đúng là một cú hích xô em ngã xuống dòng Nho Quế dưới chân đèo Mã Pí Lèng. Đó là chuyến đi bụi đầu tiên khiến em bẻ ngoặt con đường, bước chân ra khỏi cái đáy giếng làng của mình .
Em ngủ khò khò trên xe, cho đến tận Việt Quang thì tỉnh dậy, ghếch mắt qua ô cửa ngắm những sạp cam đầy ắp vàng ruộm hai bên đường. Trời âm u xám xịt, dòng sông Lô lững lờ trôi bên phải con đường.
Chẳng mấy chốc mà dừng chân trên đất Hà Giang. Lúc đó là 12h30', em có mặt tại chợ, đúng chỗ một chiếc xe chạy Quản Bạ đang đỗ để bốc hàng, hành khách đông nghèn nghẹt...
...Trời âm u và mưa bay lất phất. Không kịp ăn trưa, em nhảy vội lên chiếc xe 24 chỗ nhồi đầy ắp hàng hóa ở đuôi xe, hành khách chen chúc chia nhau từng chỗ chỉ đủ ghé mông.
Khoảng 1h chiều, chiếc xe rời thị xã để tiến vào quốc lộ 4c - một trong những cung đường thử thách các tay lái nhất ở miền núi phía bắc. 25.000đ / 1 khách cho chặng đường khoảng 50km từ Hà giang tới thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Sông Miệm - phụ lưu cấp I của sông Lô tại Hà giang, nước cuộn lên đục ngầu nằm phía bên phải con đường. Qua khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang thì con đường tách khỏi sông Miệm để men theo nhánh phụ Nậm Điêng. Mặt đường ướt đẫm, rừng cây loang loáng nước, những đám mây sũng nước lơ lửng ở trên cao như muốn đổ ụp xuống đầu.
Đường thoai thoải cho đến tận Minh Tân thì bắt đầu dốc lên vắt vẻo. Bắt đầu những cua đường ngoằn nghèo trên cao độ hơn 1000 mét, mỗi lần chiếc xe dừng lại đón trả khách, gió lạnh buốt ùa vào qua cánh cửa mở kêu rin rít. Lòng đường hẹp lại khiến hai chiếc xe ngược chiều phải tránh nhau một cách thận trọng. Em ngồi bó gối trong chiếc xe cứ dềnh lên dập xuống bởi con đường gập ghềnh, không tài nào rút nổi chiếc máy ảnh ra khỏi túi đeo để chụp hình.
Vượt qua một con đèo không tên thì gặp chợ phiên Quyết Tiến nằm ngay bên phải lề đường. Thứ 6, không phải ngày phiên, chợ vắng tanh không một bóng người. Chợ Quyết Tiến họp vào thứ 7 hàng tuần, là một trong những phiên chợ náo nhiệt nhất của huyện Quản Bạ. Người dân tộc Tày, Nùng, H'Mông từ khắp các vùng của Quản Bạ về đây tụ họp khiến chợ rộn rã sắc mầu. Người mang gà, kẻ dắt lợn, phụ nữ thì gùi quẩy tấu đầy ắp rau cải mèo Đến cuối phiên chợ là thế nào cũng thấy đàn ông ngất ngưởng say, có khi ngủ gục dọc đường về.
Quyết Tiến cách Cổng trời Quản Bạ khoảng 7km. Từ đây tới trung tâm huyện chỉ còn 3km đường. Cổng trời Quản bạ là nơi có hai hẻm núi nhô ra trên đỉnh của con đường, hầu như quanh năm mù mịt trong mây. Từ cổng trời nhìn xuống lòng thung lũng, sẽ quan sát được cả thị trấn Tam Sơn yên bình trong màn mưa xuân. Những mái nhà lô nhô giữa lùm cây, con đường vắt vẻo bên kia dãy núi. Núi Đôi , một trong những điều kỳ diệu nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quản Bạ, nằm giữa một cánh đồng đầy màu sắc, ví như đôi gò bồng đảo của sơn nữ ở chốn núi rừng.
Mưa vẫn rơi rả rích, bầu trời xám xịt và lạnh lẽo. Em cố thuyết phục một người lái xe ôm đưa mình quay lại cổng trời. Anh khá e ngại vì nhiệt độ ngoài trời vào buổi chiều rất lạnh, chỉ khoảng 2 - 4 độ C. Chiếc xe Win ì ạch leo đèo, gió hú lên ràn rạt sau vành mũ bảo hiểm. Dân địa phương đã không sai khi gọi đỉnh đèo là cổng trời, từ nơi này, quả thật Tam Sơn nhìn như một thị tứ của thiên đường, xinh đẹp vô cùng.
Sau khi chụp ảnh, em quay lại thị trấn, mượn một chiếc ô và đi bộ vào bản Nà Khoang - nơi người Tày tập trung sinh sống ở Tam sơn. Đường vào bản phần lớn đã được đổ bê tông khá hiện đại. Nhà ở đây chủ yếu được dựng bằng tường đất hoặc phên tre, cũng có một số nhà được xây bằng gạch xỉ, mái lợp ngói đất nung hoặc lợp bằng fibro ciment. Ngoài ruộng thì đúng là 'Cỏ cây chen đá, lá chen hoa'
Em ngạc nhiên hỏi chủ nhà nghỉ, rằng tại sao em không nhìn thấy hoa đào nở. Người phụ nữ Tày ngồi co ro bên bếp sưởi bằng than củi lẩm bẩm, dường như không phải đang nói cho em nghe. Rằng đã cả tháng trời nay, Quản Bạ không nhìn thấy mặt trời. Gió táp, mưa rét đã khiến cho nụ đào trốn cả vào trong thân cây, khiến mùa xuân trốn ở bên kia sườn núi, khiến cái Tết cũng ngủ quên trong lòng người. Người Tày ở Nà khoang cầm cuộn lá dong từ 25 Tết, nhưng nói với em đến tận 30 Tết mới gói bánh cúng tổ tiên. Người Mèo vẫn địu củi đi hàng chục km đường núi trơn rẫy, nhầy nhụa đất ra huyện để đổi lấy lưng gạo về nấu cháo cho con, chưa thấy mua giấy bản mới cho bàn thờ.
Rét quá, cái chân như chùn lại, cái tay như khô đi. Ai cũng mong cho cái rét mau qua, mưa thôi rơi trên cổng trời Quản Bạ, để đón Tết về, để được chơi hội ném còn, múa khèn, để rượu ngô trong chén cứ vơi lại đầy, hoa đào hé cánh mừng xuân...
Từ Quản Bạ lên Yên Minh là 50km, con đường thực sự làm em choáng ngợp bởi sự hùng vĩ và tráng lệ của những mỏm đá lô nhô như thạch trận trên khắp sườn núi. Đá nhọn hoắt như tai mèo, xám xịt, tầng tầng lớp lớp nối nhau chạy lên trời. Con đường cheo leo, mỏng tang bám vào vách đá, bên dưới là vực sâu hun hút, ném một hòn đá xuống, chờ mãi cũng không nghe thấy tiếng chạm đáy.
Vào địa phận huyện Yên Minh, mây mù dâng lên che kín núi, từ xã Na Khê đến xã Lao và chải, chiếc xe lầm lũi bò đi trong màn sương mù. Dọc hai bên đường là những rừng thông nến lãng mạn trong sương không kém gì ở Đà lạt. Thỉnh thoảng lại có cơn gió thổi đám mây trôi về cuối trời để lộ ra trên sườn núi đá hay dưới đáy vực khô khốc những ngôi nhà bé xíu cuộn trong những bờ rào đá. Cảnh vật hùng vĩ, đẹp một cách dữ dội, ngỡ như tranh vẽ chứ không phải là sự thực nữa.
Xe dừng lại ở Yên Minh để trả hàng. Trời ráo không mưa, nhưng nhiệt độ vẫn quá thấp, ngoài trời chỉ khoảng 4 độ C, còn trong phòng là 8 độ.
Người dân tộc gánh củi, ôm gà, dắt ngựa nhộn nhịp xuống chợ. Ai cũng cúi đầu đi cắm cúi và vội vã, đàn ông thì đút hai tay trong túi quần, còn đàn bà giấu tay vào trong thắt lưng quấn bụng.