Đèn Hazard và câu chuyện về loại đèn bị nhầm lẫn nhiều nhất Việt Nam!
Tại sao đèn Hazard bị gọi là đèn ưu tiên?
Đèn Hazard (đèn cảnh báo nguy hiểm) trên xe 2 bánh và ô tô được các nhà sản xuất tích hợp nhằm mục đích chính là sử dụng trong những trường hợp bạn cần phải dừng xe khẩn cấp ở trong làn đường giao thông do gặp phải sự cố. Khi bật chế độ Hazard thì hệ thống xi nhan trước sau của xe sẽ đồng loạt hoạt động, thu hút sự chú ý từ những phương tiện đang di chuyển phía sau để tránh va chạm phải bạn và chiếc xe.
Vì độ nhận diện cao, dễ dàng thu hút sự chú ý nên khi về tới Việt Nam đèn Hazard đã bị người tiêu dùng ở mảng ô tô và xe máy sử dụng sai cách. Khi sử dụng chế độ Hazard để thực hiện hành vi... Vượt xe và cướp đường, do ảnh hưởng từ cách sử dụng nên đèn Hazard hiện nay đã có tên gọi 'Việt hóa' là đèn ưu tiên.
Nhưng 'Đèn ưu tiên' thực chất là gì?
'Đèn ưu tiên' là tên gọi chung của những loại đèn chớp nháy trên những dòng xe đặc chủng, chuyên sử dụng để thi hành những nhiệm vụ tối quan trọng như: Xe cảnh sát, xe Cảnh sát Giao thông, Xe cấp cứu, Xe cứu hỏa, Xe kiểm soát quân sự....
Không giống như đèn Hazard hay thường được các nhà sản xuất trang bị sẵn hoặc có thể bổ sung thêm một cách dễ dàng. Đèn ưu tiên lại là dòng đèn cần phải được cấp phép để sử dụng và phải là những dòng xe đặc chủng mới được phép trang bị. Người dân chúng ta tuyệt đối không được phép tự ý lắp đặt đèn ưu tiên.
Nếu tự ý lắp đặt những dòng đèn này lên xe máy, bạn sẽ bị xử phạt số tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 quy định tại Điểm g Khoản 2 điều 6 Nghị định 100.
Đèn Hazard tuyệt đối không được lạm dụng quá mức!
Như mình đã từng trình bày ở trên, ở nước ta không ít người lái xe máy và ô tô sử dụng đèn Hazard với mục đích vượt mặt phương tiện khác. Hoặc tệ hơn là lấn làn nghiêm trọng khi đường xá đông đúc, đây đều là những hành vi có thể gây ra tai nạn giao thông và vốn dĩ đèn Hazard không được sinh ra để phục vụ những hành vi này.
Thậm chí chính mình đây còn nhiều lần dở khóc dở cười trước những tay lái 'nghèo nàn' ý thức, sử dụng đèn Hazard khi di chuyển tới giao lộ để báo hiệu rằng bản thân họ đang đi thẳng. Nhưng thực tế hành động của họ đã làm cho rất nhiều phương tiện cảm thấy lúng túng vì không biết họ sắp rẽ ở đâu.
Do Việt Nam hiện tại vẫn chưa xuất hiện điều lệ nào quy định về đèn Hazard nên loại đèn báo này rất dễ bị lạm dụng vô tội vạ. Gây nên một số hỗn loạn cho giao thông và rất dễ bắt gặp hằng ngày.
Những tình huống nào nên sử dụng đèn Hazard?
Một trong những tình huống đèn Hazard có thể phát huy tác dụng một cách hữu hiệu nhất chính là vào khi trời mưa bão, dày đặc sương mù và tầm quan sát giữa các xe bị hạn chế.
Lúc này bạn có thể sử dụng chế độ Hazard kết hợp cùng đèn chiếu gần (cos) để những phương tiện phía sau có thể dễ dàng nhận diện và chủ động giữ khoảng cách. Hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm khi giảm tốc lúc mặt đường đang trơn trượt.
Bên cạnh đó thì cũng có vài tình huống bạn nên sử dụng đèn Hazard như:
- Xe gặp phải sự cố và cần phải neo đậu ở lề đường
- Khi đang đẩy hoặc kéo theo một chiếc xe chết máy
- Khi gặp sự cố về hệ thống thắng cần phải chạy rất chậm
- Khi di chuyển trên một con đường quá tối
- Khi đi theo đoàn cần độ nhận diện cao