Đại diện nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới lo lắng trước dự thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ
Phải chi thêm hàng trăm triệu đồng
Lo lắng nêu trên của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bắt nguồn từ việc dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN của Bộ KH-CN về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Dự thảo này quy định 10 thiết bị phục vụ đăng kiểm xe cơ giới phải kiểm định hàng năm bởi các đơn vị kiểm định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thay cho cơ quan kiểm định hiện nay là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Một số trung tâm đăng kiểm cho biết, những bộ phận thiết bị trong dây chuyền kiểm định đồng bộ không tách rời khi hoạt động và hiện đang được Chính phủ giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam định kỳ hàng năm, kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra. Công việc này được quy định tại Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ.
Các trung tâm này cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ giao Bộ GTVT quy hoạch và quản lý hệ thống các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đã và đang hoạt động rất ổn định, việc Bộ KH-CN tham gia vào quy trình như nêu trên sẽ gây ra sự chồng chéo trong quản lý, khó khăn cho doanh nghiệp và lãng phí nguồn lực.
Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2903S (Hà Nội) cho biết, việc tháo tách từng bộ phận thiết bị trong dây chuyền của các đơn vị đăng kiểm để chuyển đến Viện đo lường Việt Nam kiểm định là không thể thực hiện. Nếu tháo rời các bộ phận thiết bị trên dây chuyền để mang đi kiểm định thì khi đưa lại hoạt động phải được kiểm tra, đánh giá lại của cơ quan quản lý chuyên ngành.
“Đặc thù các bộ phận thiết bị kiểm định cồng kềnh nên việc vận chuyển thiết bị đi lại nhiều dễ gây ra hư hỏng không đảm bảo điều kiện kiểm tra. Với các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, quá trình trên dễ dàng hơn nhưng với các trung tâm đăng kiểm ở xa như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai… vấn đề sẽ rất phức tạp. Ngoài ra, đem thiết bị đi kiểm định cũng đồng nghĩa với việc ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định”, ông Nguyễn Minh Hải phân tích.
Ngoài ra, các trung tâm đăng kiểm còn lo ngại về giá kiểm định phương tiện đo nhóm 2 quá cao. Theo thông báo của Viện Đo lường Việt Nam, chi phí này khoảng 55 triệu đồng/dây chuyền kiểm định, tăng gần 20 lần so với chi phí hiện nay (3,1 triệu đồng/dây chuyền). Điều này sẽ khiến mỗi đơn vị đăng kiểm phải chi thêm khoảng 180-200 triệu đồng mỗi năm.
Chồng chéo quản lý
Ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V (Hà Nội) cho biết, giá kiểm định được Bộ GTVT và Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở giá hiện hành. Ngành đăng kiểm hoạt động cung cấp dịch vụ công với mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường chứ không phải lợi nhuận. Do đó, đơn vị đăng kiểm không được quyền tăng giá kiểm định. Trong khi đó, cả nước có hơn 150 trung tâm đăng kiểm, nếu áp dụng quy định của Bộ KH-CN sẽ rất tốn kém.
Với các quy định tại dự thảo của Bộ KH-CN đưa ra lấy ý kiến, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc có thêm tổ chức kiểm định là không cần thiết và làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Dây chuyền thiết bị kiểm định xe cơ giới có các yêu cầu kỹ thuật riêng của nhà sản xuất về sử dụng mẫu, tiêu chuẩn đánh giá cũng như đào tạo người sử dụng, kiểm tra, đánh giá thiết bị và Cục Đăng kiểm thực hiện với đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo cấp chứng nhận.
Về phía Bộ KH-CN, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ KH-CN cho biết, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2013/TTBKHCN đang trong quá trình đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức hội thảo mời Bộ GT-VT cũng như các doanh nghiệp tới trao đổi. Nhiều ý kiến đã được đưa ra và ban soạn thảo sẽ tiếp thu để tiếp tục sửa vào dự thảo.
Hùng Anh (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/trung-tam-dang-kiem-nhap-nhom-lo-chi-phi-kiem-dinh-co-the-tang-vot.html