F-Pace là mẫu crossover đầu tiên trong lịch sử 95 năm của Jaguar, và cũng là mẫu xe quan trọng nhất của hãng xe có logo báo đốm. Quan trọng bởi vì ngay trong tháng đầu tiên F-Pace được bán ra tại Mỹ, có tới 1609 chiếc tìm được chủ nhân trong khi doanh số tháng đó của bộ ba XJ, XF, XE cộng lại chỉ là 1246 đơn vị. Điều ấy cho thấy nhiều người đã chờ quá lâu để sở hữu một chiếc crossover cộp mác Jaguar.
Thật may mắn là họ đã đợi, và lòng kiên nhẫn của họ đã được đền đáp xứng đáng, đơn giản vì ý tưởng về một chiếc xe gầm cao mang thương hiệu Jaguar đã xuất hiện từ … gần ¼ thế kỷ trước! Khoảng đầu những năm 90, khi Jaguar còn thuộc tập đoàn Ford, ban lãnh đạo Jaguar thực sự quyết tâm sản xuất một mẫu SUV để cứu vãn doanh số èo uột của hãng xe Anh. Tuy nhiên, Ford đã lắc đầu.
Đó lại là một điều tốt cho người hâm mộ Jaguar vì nguyên mẫu SUV đầu tiên của Jaguar sử dụng chung khung gầm với Ford Explorer! Không khó để nhận thấy rằng một chiếc SUV với khung gầm thép kết cấu thân trên khung (body-on-frame) không thể sở hữu hiệu năng thể thao truyền thống của Jaguar, và một mẫu xe như thế có thể hủy hoại hình ảnh thương hiệu của hãng xe Anh.
Được tạo hình bởi một huyền thoại thiết kế
Jaguar F-Pace sở hữu ngoại hình vô cùng gợi cảm và khỏe khoắn, đi kèm với hiệu năng hấp dẫn đến từ khối động cơ V6 3.0L siêu nạp được “nhấc” thẳng từ siêu mẫu F-Type. F-Pace được lắp ráp trên nền tảng D7a với kết cấu đa phần là nhôm, nền tảng quen thuộc vốn đã xuất hiện trên 2 mẫu XF và XE mới. Khoảng 80% kết cấu khung xe là bằng nhôm, 20% là thép có độ cứng cao, trong đó phần sàn xe phía sau bằng thép để cân bằng tỷ lệ phân bố trọng lượng, cửa sau được tạo nên bằng vật liệu composite và tất cả cửa xe bằng thép.
Nhờ bố trí vật liệu một cách khoa học như vậy, Jaguar F-Pace có tỷ lệ phân bố trọng lượng trước/sau gần đạt “tỷ lệ hoàn hảo” 50:50. Đáng ngạc nhiên hơn, một phần ba lượng nhôm cấu thành nên chiếc F-Pace là nhôm tái chế - đây là nỗ lực đáng ghi nhận của hãng xe Anh trong việc bảo vệ môi trường ngay từ khâu sản xuất.
Người tạo nên dáng hình vô cùng uyển chuyển nhưng cũng không kém phần nam tính của F-Pace, không ai khác, chính là Ian Callum – một trong những huyền thoại thiết kế đương đại trong ngành thiết kế xe hơi. Ông là nhà thiết kế xe hơi thứ hai nhận được huy chương Minerva cao quý từ Hiệp hội Chartered Society of Designers, sau “người vẽ siêu xe” Giorgetto Giugiaro.
Đây là danh dự cao quý nhất mà một nhà thiết kế có thể nhận được, và huy chương này chỉ dành cho những cá nhân kiệt xuất đã cống hiến phần lớn cuộc đời vào những thiết kế có tầm ảnh hưởng lớn. Ian Callum là người chắp bút cho hàng loạt siêu phẩm như Aston Martin DB7. DB9, Vanquish, Vantage, Jaguar XJ, F-Type, mẫu xe ý tưởng Jaguar C-X75 và tất nhiên là cả chiếc F-Pace mà chúng ta đang chiêm ngưỡng.
Không tròn lẳn như Porsche Macan, cũng không “ẩn dật” như Mercedes-Benz GLC43, Jaguar F-Pace khéo léo chen chân vào phân khúc crossover thể thao và gây ấn tượng bằng ngoại hình đầy bắt mắt và tinh tế. Xe có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) lần lượt là 4,731 mm x 2,175 mm (tính cả gương) x 1,652 mm, chiều dài cơ sở 2,874 mm.
Chi cần nhìn lướt qua, ta cũng có thể thấy những đường nét đậm chất Jaguar: kiểu dáng tổng thể hình giọt nước, những đường gân đầy khỏe khoắn chạy dọc nắp capô và bên sườn xe, đèn pha sống động như cặp mắt một chú báo với dải đèn LED hình chữ J đặc trưng, lưới tản nhiệt trước hình ovan mạ crôm quen thuộc. F-Pace dường như “đẹp không góc chết” – chiếc xe đẹp đẽ và hùng dũng như một chú báo đầy cơ bắp dù nhìn từ góc độ nào. Ngay cả khi xe đứng yên, bạn vẫn có cảm giác chú báo trắng này luôn sẵn sàng nhảy vọt lên phía trước để vồ mồi.
Nhìn từ bên hông, những chi tiết thuôn mượt đậm chất điêu khắc ở phần thân dưới, kết hợp với cột A và cửa sau dốc tạo nên kiểu dáng thể thao cho Jaguar F-Pace. Hãng xe Anh cũng bố trí các tấm ốp thân dưới bằng nhựa đen thay vì sơn trùng màu xe, chi tiết này tạo ấn tượng thị giác rằng xe nhỏ gọn, thanh thoát và nhanh lẹ hơn. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra một điều: F-Pace không được sơn đen toàn bộ các trụ A B C D giống như các mẫu xe Land Rover – một mẹo thiết kế nhằm tạo ra hiệu ứng nóc xe “lơ lửng” trên thân xe. Ian Callum chia sẻ: “thiết kế đó chỉ phù hợp với xe của Land Rover, với Jaguar, chúng tôi muốn kết nối nóc xe và thân xe thành một khối nhằm làm nổi bật kiểu dáng thể thao của F-Pace”.
Phần đuôi xe cũng sở hữu vẻ đẹp đầy cá tính và không trộn lẫn với cụm đèn phanh sắc sảo được lấy cảm hứng từ mẫu xe thể thao F-Type và 2 ống xả dạng tròn. Cả phần đuôi xe được tạo hình tròn trịa, sống động và không có chi tiết thừa. Thực sự, Ian Callum và các đồng nghiệp đã tạo nên một chiếc crossover vô cùng thẩm mỹ và đầy sức sống, điều không phải hãng xe nào cũng làm được. Ngay ở giai đoạn đầu phát triển, hãng xe Anh đã tuyên bố sẽ tạo ra một chiếc Jaguar trong hình hài SUV, chứ không phải một chiếc SUV nhìn giống như xe Jaguar. Họ đã làm được điều đó.
Nội thất rộng rãi nhưng chưa thực sự sang trọng
Với tôi, điều đáng tiếc nhất trên Jaguar F-Pace là khoang nội thất của nó chưa đủ sang trọng, nhất là với giá bán gần 4 tỷ đồng của phiên bản Prestige mà chúng tôi trải nghiệm. Bảng điều khiển trung tâm và một phần táp pi được ốp nhựa đen, dù các tùy chọn ốp gỗ vẫn được cung cấp cho F-Pace nhưng đáng nhẽ ra một loại gỗ ốp nào đó phải là trang bị tiêu chuẩn. Có rất nhiều chi tiết cũng được ốp nhựa thay vì được bọc da như chiếc XF mà chúng tôi trải nghiệm cách đây không lâu. Các nút bấm trên vô lăng và bảng táp lô cũng như cụm điều khiển trung tâm hay đến cả hai lẫy chuyển số cũng là nhựa cứng, một điều khó chấp nhận trên một chiếc xe sang.
Màn hinh trung tâm tiêu chuẩn 8 inch (có tùy chọn 12.3 inch) có giao diện khá dễ nhìn và trực quan, độ sáng khá cao và có độ phân giải cao hơn màn hình được trang bị cho các mẫu Land Rover. Nguyên nhân là màn hình trên F-Pace không sở hữu công nghệ hiển thị 2 nội dung cùng một lúc giống như trên xe Land Rover.
Với tôi, đó là 1 điểm cộng vì thực sự, màn hình trên xe Land Rover, kể cả trên phiên bản Range Rover SVAutobiography, có độ phân giải rất thấp. Bảng đồng hồ của F-Pace vẫn giữ nguyên đồng hồ tốc độ và vòng tua máy kiểu cơ học, ở giữa là một màn hình LCD màu 5 inch hiển thị nhiều thông số hữu ích. Nhìn chung, Jaguar F-Pace có khoang cabin chưa thực sự tương xứng, nhất là về vật liệu cấu thành. Dù vậy, khi so sánh trực tiếp với đối thủ chính Porsche Macan, F-Pace lại vượt trội về tính thực dụng.
Hàng ghế trước của F-Pace vô cùng thoải mái, êm ái. Hai hộc để cốc ở cụm điều khiển trung tâm có đường kính rất lớn và sâu, có thể đựng thoải mái những chai đồ uống lớn nhất. Bệ tì tay ở giữa cũng rất êm và rộng, bên dưới là hộc để đồ cũng khá lớn, đi kèm 1 cổng USB, 1 cổng AUX, khe cắm sim định vị và cổng 12V. Bên cạnh đó, ngăn chứa đồ ở cửa xe cũng đủ lớn để trở nên thực sự hữu dụng. Xét về khoảng trống trên đầu dành cho người ngồi trước, F-Pace chỉ kém Lexus RX một chút nhưng lại tốt hơn Macan và GLC43 AMG.
Hàng ghế sau của Jaguar F-Pace mới thực sự ghi điểm mạnh với tôi. Những chiếc crossover 5 chỗ, nhất là những đại diện mang thiên hướng thể thao thường sở hữu hàng ghế thứ 2 không thực sự thoải mái cho lắm. Tuy nhiên, hàng ghế sau của F-Pace rất rộng rãi và có phần lưng ghế ngả khá nhiều, thậm chí 3 người lớn vẫn có thể ngồi khá thoải mái, trái ngược hẳn với hàng ghế thứ hai khá chật chội của Porsche Macan. Trên thực tế, Jaguar F-Pace không lớn hơn Porsche Macan S là bao: dài hơn chỉ 40 mm, cao hơn 35 mm và chiều dài cơ sở hơn 66 mm nhưng chỉ cần bước vào hàng ghế sau, F-Pace ngay lập tức cho cảm giác rộng rãi hơn nhiều.
Hai cửa gió điều hòa dành cho hàng ghế này có luồng gió khá mạnh, có thể khiến người ngồi sau nhanh chóng cảm thấy thoải mái. F-Pace cũng sở hữu 2 cổng sạc 5V, 1 cổng 12V cho hàng ghế sau. Jaguar F-Pace cũng có khoang chứa đồ 650 lít rộng rãi hơn 2 đối thủ chính (Macan 500 lít, GLC43 550 lít). Hàng ghế sau có thể gập 40:20:40 để tạo ra khoang chứa đồ cực rộng, lên tới 1740 lít. Nhìn chung, dù hơi thiếu một chút sang trọng nhưng F-Pace sở hữu khoang nội thất rộng rãi và thực dụng hàng đầu phân khúc crossover thể thao.
Trải nghiệm đậm chất Jaguar
Jaguar F-Pace chia sẻ động cơ và hộp số với hàng loạt cái tên khác trong đại gia đình JLR, và chiếc F-Pace 35t Prestige mà tôi trải nghiệm mang trong mình động cơ V6 siêu nạp, dung tích 3.0L sản sinh công suất tối đa 340 mã lực tại 6.500 vòng/phút, 450 Nm tại 4.500 vòng/phút. Hiện tại, Jaguar Việt Nam chỉ phân phối các phiên bản F-Pace sở hữu động cơ xăng 3.0 siêu nạp kể trên. Theo thông số hãng sản xuất, mẫu F-Pace 35t Prestige này tăng tốc lên 100 km/h trong 5,8 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 250 km/h. Với tôi, những thông số này chẳng quan trọng bằng cách khối động cơ này phô diễn sức mạnh.
Hầu hết mọi đối thủ cạnh tranh với F-Pace đều sở hữu động cơ tăng áp, điều này khiến động cơ siêu nạp (supercharged) của F-Pace trở nên đặc biệt. Động cơ V6 3.0L của F-Pace được sở hữu lốc máy, nắp quy lát bằng nhôm và có cụm tăng áp dạng Roots-type đặt ngay trên đỉnh máy, giữa “chữ V”. Mặc dù thiết kế cụm tăng áp kiểu Roots-Type khiến việc làm mát khí nạp sau khi qua tăng áp khá khó khăn nhưng các kỹ sư Jaguar vẫn có thể bố trí một hệ thống làm mát khí nạp (intercooler) dạng air-to-water “kẹp” giữa bộ tăng áp và động cơ giúp giảm nhiệt độ luồng khí nạp, tăng công suất động cơ và giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Động cơ V6 3.0 siêu nạp của F-Pace cho cảm giác chân ga tuyệt vời, bạn dễ dàng căn chỉnh bàn đạp chân ga để đạt được tốc độ mong muốn – đó là cảm giác mà rất ít động cơ tăng áp có thể cung cấp. Động cơ cho lực kéo mãnh liệt và tăng dần theo tua vòng máy, những đăc tính giống như động cơ hút khí tự nhiên và cho âm thanh ống xả cực hấp dẫn. Âm thanh ống xả thực sự kích thích và đã tai, nó khiến người lái chỉ muốn đạp ga mạnh hơn và mạnh hơn. Động cơ trên F-Pace hoàn toàn giống với động cơ F-Type, nhưng hệ thống xả của F-Pace được tinh chỉnh để cho âm thanh dịu hơn, bớt gầm gừ hơn một chút so với mẫu coupe 2 cửa nhà Jaguar. Đây là một lựa chọn đúng đắn, vì suy cho cùng, F-Pace vẫn là một mẫu xe crossover được sử dụng hàng ngày, không hẳn là một chiếc xe thể thao thuần túy như F-Type.
Đèn nền ở bảng đồ hồ chuyển sang một màu đỏ rực khi bạn kích hoạt chế độ lái Dynamic Mode
Hộp số ZF 8 cấp có tỷ số truyền ngắn, mang đến khả năng sang số mượt mà và giữ khối động cơ V6 luôn làm việc ở dải tua vòng lý tưởng. Tuy nhiên, hộp số ZF của F-Pace vẫn thua kém một chút so với hộp số PDK 7 cấp của Macan S, nhất khi bạn muốn lên số bằng lẫy trên vô lăng: hộp số ZF đôi khi hơi lưỡng lự một chút rồi mới chuyển số, trong khi hộp số PDK phản ứng tức thì.
Chiếc F-Pace tôi trải nghiệm được trang bị la-zăng 19 inch nên độ êm ái là rất ấn tượng đối với một chiếc xe thể thao. Có lẽ la-zăng 22 inch sẽ khiến xe kém êm hơn một chút. Hệ thống dẫn động 4 bánh của F-Pace cũng có thiên hướng ưu ái cầu sau hơn nhiều so với các mẫu xe Land Rover, và đây là một điểm mấu chốt để tạo ra một chiếc crossover thực sự đem lại cảm giác lái thể thao. Ở điều kiện hoạt động bình thường, 90% lực kéo động cơ được truyền xuống hai bánh sau, chỉ 10% lên bánh trước. Điều này mang lại cảm giác 2 bánh trước vô cùng linh hoạt vì chúng gần như không phải chịu nhiệm vụ dẫn động, qua đó phản ứng với thao tác vô lăng của người lái nhanh hơn. Tất nhiên, hệ dẫn động 4 bánh của F-Pace vẫn có thể phân bổ lực kéo theo tỉ lệ trước/sau 50:50 hay thậm chí đẩy 90% lực kéo lên cầu trước nếu cần thiết.
Đã từng trải nghiệm Macan S nên tôi có thể nhận thấy F-Pace có thể vào cua với tốc độ nhanh hơn một chút. Tuy nhiên, xe có xu hướng thiếu lái (understeer) khi hai bánh trước được đẩy tới giới hạn lực bám. Vô lăng nhẹ và chính xác nhưng rất thiếu cảm giác mặt đường. Chính sự thiếu cảm giác mặt đường cũng góp phần khiến xe bị thiếu lái - bạn không thể cảm nhận khi nào hai bánh trước mất lực bám cho đến khi chúng thực sự bị trượt. Có thể thấy, Jaguar F-Pace là một chiếc xe thể thao tuyệt vời nếu bạn chỉ sử dụng 8 phần khả năng của nó, còn khi được đẩy tới cực hạn, F-Pace vẫn kém Macan một bậc về độ nghe lời chủ nhân.
Với chiếc Macan, khi vào cua với tốc độ cao, hệ thống điều hướng mô-men xoắn (Torque Vectoring Plus) của nó can thiệp rất nhanh và hiệu quả, áp dụng một lực phanh nhất định vào bánh xe bên trong cua để giúp chiếc Macan vào cua nhanh hơn, trong khi hệ thống tương tự của F-Pace gần như không có tác động nào đủ nhanh và kịp thời.
Dù vậy, khi chạy trên đường cao tốc và nhất là khi bạn không đòi hỏi 100% khả năng của chiếc xe, Jaguar F-Pace cho trải nghiệm thoải mái hơn Porsche Macan vì khoang nội thất rộng rãi, vị trí ngồi cao ráo và nhất là hàng ghế thứ hai và cốp xe thực sự hữu ích. Trong thành phố, vô lăng nhẹ nhàng và chính xác của F-Pace khiến việc bon chen giữa phố đông hay đỗ xe trở nên rất dễ dàng.
Nếu bạn đang tìm kiếm chiếc crossover cho cảm giác lái tuyệt vời nhất – đó phải là Porsche Macan. Nếu bạn muốn sống cùng với chiếc crossover thể thao của mình hằng ngày, F-Pace là sự lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm sự độc đáo, thiết kế nội, ngoại thất vô cùng sang trọng và một chút thể thao, có lẽ Range Rover Velar mới là lựa chọn hợp lý hơn cả.
Một số hình ảnh khác về Jaguar F-Pace:
Chiếc vòng đeo tay này là một tiện ích khá thú vị của Jaguar F-Pace. Với nó, bạn có thể để chìa khóa trong xe và đóng/mở cửa xe và yên tâm tham gia các hoạt động ngoài trời như leo núi, lướt sóng ... Chiếc chìa khóa truyền thống vẫn nằm an toàn trong xe.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)