“Có một vướng mắc chính là Luật Giao thông đường bộ không cho phép xe phân khối lớn đi vào đường cao tốc. Với thẩm quyền của Bộ GTVT, chưa thể thay đổi. Chúng tôi đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến, từ đó đề xuất trình Chính phủ xem xét việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.
Đối với những người chơi mô tô phân khối lớn như ông Trần Quang Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hà Nội Free Chapter, lại rất mong được cho phép điều khiển xe phân khối lớn đi vào cao tốc.
“Nếu đi ở đường cao tốc, chúng tôi thường đi xe phân khối lớn thành đoàn, ít đi cá nhân. Nếu đi vào đường gom thì chỉ một xe đã gần bằng ô tô, chật kín cả đường rồi. Còn nếu đi hàng chục xe mà đi vào làn đường xe gắn máy thì không phù hợp”, ông Trần Quang Vinh bày tỏ quan điểm.
Cơ quan chức năng đã cho phép nhập xe mô tô phân khối lớn và đào tạo cấp bằng lái cho những người điều khiển loại xe này, nhưng không được chạy phù hợp với cung đường sẽ gây lãng phí lớn. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không đồng tình cho xe phân khối lớn đi vào đường cao tốc, vì cho rằng đây chỉ là thú vui của một số cá nhân, không đem lại lợi ích cho cộng đồng, gây mất ATGT. Nếu xe này sẽ tham gia giao thông trên đường cao tốc và không được phép luồn lách gây mất an toàn.
Bên cạnh đó, đại diện Phòng CSGT CATP Hà Nội cũng cho biết, việc những chiếc xe phân khối lớn đi vào cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT và cực kỳ nguy hiểm bởi đường cao tốc tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thiết kế dành cho ô tô.
Đường cao tốc tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế nên ô tô xe máy có thể lưu hành với tốc độ cao đúng quy định. Do vậy, lực lượng CSGT cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, lái xe mô tô cần phải trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức về an toàn cũng như đồ bảo hộ cho cả bản thân và người ngồi sau (nếu có).
Trên thực tế, việc lưu thông đều ở tốc độ cao trên đường cao tốc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn liên hoàn rất lớn nếu 1 lái xe xao nhãng hoặc có sự cố bất ngờ. Hiện nay, đường cao tốc Việt Nam vẫn chưa có làn riêng dành cho loại xe khác ngoài ô tô. Chính vì vậy, nếu lưu thông trên đường cao tốc, mô tô sẽ chạy chung làn với ô tô.
Với lợi thế nhỏ gọn, tốc độ cao, nếu mô tô luồn lách vượt qua ô tô có thể khiến các tài xế “4 bánh” bị rối cả trong quan sát và xử lý. Nếu không may có va chạm xảy ra rất dễ dẫn đến va chạm liên hoàn do hầu hết các phương tiện đều lưu thông ở tốc độ cao và không phải lúc nào cũng duy trì khoảng cách an toàn. Hơn nữa, việc những chiếc ô tô, xe tải, xe khách cỡ lớn lưu thông ở tốc độ cao sẽ tạo lên lực hút gió rất lớn khiến mô tô có thể mất thăng bằng khi đi quá gần.
Thực tế có nhiều ý kiến không đồng tình cho xe phân khối lớn đi vào đường cao tốc vì họ cho rằng đây chỉ là thú vui của một số cá nhân, không đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Minh Khánh (ANTĐ)