Cùng soi Mulsanne Speed 2016 - Thuần khiết Bentley

 

Cùng soi Mulsanne Speed 2016 - Thuần khiết Bentley

 

“Tạo ra chiếc xe nhanh, bền bỉ và tốt nhất trong phân khúc”. Câu nói bất hủ của Walter Owen Bentley cứ văng vẳng trong đầu khi tôi lặng ngắm chiếc Bentley Mulsanne Speed 2016 màu trắng Glacier White tuyệt đẹp. Chiếc xe này có nhiều kỷ niệm đặc biệt đối với tôi. Chính tay tôi lên cấu hình chiếc Mulsanne này để đặt hàng với hãng mẹ ở Crewe, chính tay tôi đi đón nó ở cảng Hải Phòng, cũng chính tay tôi ngày ngày lau nó, quyết không để một hạt bụi làm bẩn nước sơn trắng thuần khiết của nó (dù đó là nhiệm vụ của đội ngũ nhân viên bán hàng, không phải của tôi). Cũng chính tôi là người đầu tiên chụp một bộ hình tử tế cho chiếc Bentley Mulsanne này. Bộ hình này là lời chia tay tôi dành cho Bentley Việt Nam trước khi quyết định quay trở lại nghề báo. Đọc đến đây, có lẽ bạn cũng hiểu ngày tái ngộ với chiếc xe này là một ngày đặc biệt như thế nào đối với tôi.

 

 

Có lẽ nhiều bạn mới biết đến Bentley Mulsanne khi ngày càng nhiều đại gia Việt Nam sở hữu cỗ máy siêu sang này, nhưng cái tên Mulsanne đã có tuổi đời 37 năm rồi. Bentley Mulsanne thế hệ đầu tiên ra đời năm 1980, đến năm 2010, cái tên Mulsanne được tái sinh và lại một lần nữa trở thành một trong những chiếc siêu sedan sang trọng và nhanh nhất thế giới. Khi Bentley Mulsanne lần đầu tiên ra đời năm 1980, nó là phát súng mở màn cho sự phục hưng của Bentley. Đó là sự trở lại với hình ảnh những cỗ máy siêu sang trọng, mạnh mẽ và bền bỉ của thập niên 20, thay vì chỉ là cái bóng của Rolls-Royce.

 

Sự phục hưng của Bentley

 

 

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, hội chủ xe Bentley (Bentley Drivers Club) đã viết thư kiến nghị gửi cho David Plastow, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Rolls-Royce thời bấy giờ. Họ không muốn hãng xe mình yêu quý bị đồng hóa như vậy. Đáp lại nguyện vọng của hội chủ xe Bentley, David Plastow đã hứa sẽ thực hiện những biện pháp để tái sinh thương hiệu Bentley.

 

 

Năm 1980, Bentley Mulsanne ra đời và dù nó vẫn chỉ là một phiên bản hơi khác biệt một chút của Rolls-Royce Silver Spirit, ít nhất thì tên gọi Mulsanne cũng gợi nhớ lại lịch sử huy hoàng của Bentley tại đường đua Le Mans. Ngay từ lúc mới thành lập hãng, tốc độ và những chiến thắng trên đường đua mới là những yếu tố đưa tên tuổi Bentley lên đỉnh cao danh vọng chứ không chỉ riêng sự sang trọng. Từ năm 1924 đến 1930, Bentley là hãng xe thống trị tại đường đua Le Mans với 5 chiến thắng liên tiếp và Mulsanne là tên của đoạn đường thẳng dài nhất tại đường đua Le Mans. Đoạn Mulsanne này là nơi duy nhất tại tất cả các trường đua cho phép xe đua đạt tốc độ tối đa của mình, cá biệt đã có một chiếc xe đua GT đạt 407 km/h tại đoạn thẳng dài tới 6 km này.

 

 

Dù vậy, sự phục hưng của Bentley chỉ thực sự bắt đầu năm 1982 khi mẫu Mulsanne Turbo ra đời. Mẫu xe siêu sang với biệt danh “Quả tên lửa Crewe” có tốc độ tối đa lên tới 225 km/h có thể tăng tốc nhanh hơn một số chiếc Ferrari cùng thời nhưng vẫn giữ nguyên sự sang trọng tột đỉnh của Bentley. Những chiếc Bentley lại một lần nữa sở hữu thứ tưởng chừng như đã biến mất, đó là tốc độ. Năm 1984, Bentley Eight ra đời với lưới tản nhiệt crôm tương tự như xe đua Bentley những năm 20 và có hệ thống treo cứng, thể thao hơn hẳn so với xe Rolls-Royce. Năm 1985 là một mốc son đáng nhớ trong lịch sử Bentley với sự ra đời của dòng Mulsanne Turbo R. Nó không chỉ nhanh hơn, mạnh hơn, sang trọng hơn Mulsanne Turbo mà còn thực sự linh hoạt và có cảm giác lái phấn khích.

 

 

Bentley Mulsanne Turbo R là biểu hiện rõ nhất cho thấy lúc đó, Bentley mới là thương hiệu chủ đạo tại nhà máy đặt tại Pyms Lane, Crewe. Tính đến cuối năm 1989, Bentley đã san bằng doanh số với Rolls-Royce dù chỉ một thập kỷ trước đó, doanh số xe Bentley chỉ chiếm chưa đến 10% số xe xuất xưởng Crewe. Năm 1991, mẫu Continental R ra đời và đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, Bentley có một dòng xe riêng biệt mà Rolls-Royce không có dòng xe tương ứng. Năm 1994, tròn 10 năm kể từ khi mẫu Mulsanne ra đời, doanh số xe Bentley và Rolls-Royce là 2:1 – cứ 2 chiếc Bentley rời Crewe thì mới có 1 chiếc Rolls-Royce. Sự lấn át của Bentley đối với chính hãng mẹ Rolls-Royce vẫn được duy trì cho đến khi Volkswagen sở hữu Bentley, BMW mua Rolls-Royce năm 1998. Vậy là 2 hãng xe sang nổi tiếng nhất Anh Quốc đã chia xa sau gần 60 năm hòa nhập.

 

Bentley Mulsanne Speed – chiếc xe thuần khiết

 

 

Đối với nhiều người hâm mộ Bentley, Mulsanne mới là đỉnh cao của Bentley và là dòng xe thuần khiết cuối cùng của thương hiệu này. Khi dùng từ thuần khiết, ý tôi là nó vẫn sở hữu khung gầm không có dấu ấn của Volkswagen, được lắp ráp với tiêu chuẩn khắt khe nhất và nhất là vẫn mang trong mình động cơ V8 6.75 lít trứ danh, được lắp ráp thủ công tại Crewe. Khối động cơ V8 6.75 lít của Mulsanne (tên mã L410) cũng là động cơ xe hơi lâu đời nhất còn được sản xuất.

 

 

Dòng động cơ này được sản xuất từ năm 1968, được phát triển trực tiếp bởi các kỹ sư Bentley tại Crewe và đây là dòng động cơ có tuổi đời lâu nhất thế giới, hơn cả động cơ V12 của Lamborghini. Đây là động cơ được tối ưu hóa để tạo ra nhiều lực mô-men xoắn nhất ở tua vòng thấp nhất và mượt mà nhất để đẩy chiếc Mulsanne lướt đi một cách êm ái nhất. Với 537 mã lực và 1.100 Nm, đây là một trong những động cơ mạnh nhất thế giới, chỉ kém Bugatti Chiron và một vài mẫu hypercar triệu đô khác. Chỉ riêng khối động cơ hạng nặng này cũng đủ để khiến Mulsanne khẳng định đẳng cấp đối với phần còn lại. Ở một góc độ nào đó, Bentley Mulsanne còn thuần khiết và nguyên bản hơn Rolls-Royce Phantom, mẫu xe siêu sang được lắp ráp trên khung gầm BMW sản xuất và sở hữu động cơ V12 của BMW.

 

 

Thực sự mà nói, tôi không cần phải miêu tả chiếc Bentley Mulsanne nó tròn méo ra sao. Bạn chỉ cần nhìn vào những bức ảnh trong bài và tự đưa ra những cảm nhận của mình. Từng đường nét thiết kế trên Mulsanne đều gợi nhớ lại lịch sử đầy thăng trầm của Bentley: những đường gân vừa mạnh mẽ lại vừa trang nhã bao quanh thân xe được lấy cảm hứng từ Bentley Arnage, cụm 4 bóng đèn pha là thiết kế đặc trưng của Bentley từ xưa đến nay và phân đuôi thuôn mượt là phiên bản hiện đại của phần đuôi chiếc Brooklands.

 

 

Nếu để ý, bạn sẽ thấy lưới tản nhiệt của Bentley Mulsanne Speed được chế tác từ thép không gỉ. Theo tôi được biết thì hiện nay chỉ còn đúng Bentley Mulsanne và các mẫu xe của Rolls-Royce có lưới tản nhiệt bằng kim loại, các mẫu xe khác đều có bộ phận này bằng nhựa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và dễ dàng đạt các tiêu chuẩn an toàn hơn. Bentley Mulsanne là mẫu xe đầu tiên có lưới tản nhiệt thép không gỉ được mạ đen bóng. Khi khách hàng đầu tiên đưa ra yêu cầu này, các nghệ nhân thuộc bộ phận cá nhân hóa Mulliner của Bentley phải tự tạo ra quy trình mạ đen thép để phục vụ khách hàng đó, đơn giản vì quy trình đặc biệt này chưa từng xuất hiện trước đây. Chưa hết, ngay cả lớp sơn có độ bóng và độ sâu tuyệt vời của Mulsanne cũng cần tới quy trình sơn gồm 120 công đoạn nhỏ, riêng công đoạn đánh bóng bằng tay đã tốn tới 12 giờ công.

 

 

 

 

 

 

Một số điểm nhấn về ngoại thất

 

So với phiên bản thường, Mulsanne Speed có những điểm nhấn ngoại thất đặc biệt như sau: lưới tản nhiệt mạ đen, chóa đèn pha sơn đen, vành 21 inch cắt vát kim cương, đánh bóng thủ công, đèn hậu sau phủ đen, logo Speed bên sườn và chụp ống xả có khía rãnh. Mulsanne là dòng xe duy nhất của Bentley mang trên nắp capô biểu tượng chữ B có cánh thẳng đứng bằng thép không gỉ. Điều đó nhằm khẳng định vị trí cao cấp nhất của Mulsanne. Logo này có thể tự thụt xuống nếu có ngoại lực tác động vào nó. Logo ở đuôi xe vẫn là dạng phẳng quen thuộc. Có một điều thú vị là logo Bentley dạng phẳng có số lông vũ 2 bên cánh không đều nhau: cánh trái 10 lông, cánh phải 11 lông. Bentley cố tình tạo ra sự không đối xứng này để ngăn chặn việc giả mạo logo. Riêng biểu tượng đứng của Mulsanne thì 2 bên cánh lại có đều 20 lông vũ.

 

 

 

Nội thất xa hoa như những căn biệt thự cổ tại Vương quốc Anh

 

 

Nội thất là nơi Bentley Mulsanne thể hiện sự sang trọng tột độ một cách rõ ràng nhất. Bước vào bên trong chiếc Mulsanne, bạn sẽ nhận thấy 1 vòng tròn gỗ bao quanh cabin: chạy từ táp lô đến cửa xe đến phần ghế sau. Mọi họa tiết trên từng tấm gỗ được thiết kế đối xứng từ trái sang phải giống như 2 trang của 1 cuốn sách, tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ vốn chỉ tồn tại trên những chiếc xe đắt tiền nhất. Nói đến Bentley là ta phải nhắc đến gỗ và da, chắc chắn là vậy.

 

 

 

Gỗ dùng để ốp nội thất xe Bentley Mulsanne được lấy ở phần gốc cây có đường kính lớn nhất (root ball), phần có chất lượng, độ hiếm và hoa văn tốt nhất của nhiều loại cây khác nhau, nổi tiếng nhất là gỗ óc chó. Bentley cho biết 75% khách hàng lựa chọn loại gỗ truyền thống này.

 

 

 

Tất cả các loại gỗ quý mà Bentley sử dụng đều được trồng và chăm sóc hoàn toàn tự nhiên. Vào mùa lá rụng, toàn bộ lá sẽ được bón ngay tại những gốc cây, mỗi cây gỗ khi đủ tuổi khai thác (trung bình khoảng 200 năm) người ta lại tiếp tục trồng tiếp những cây con mới cùng loại vào đúng vị trí đó. Gỗ ốp được cắt mỏng có độ dày 0,6mm do nhà cung cấp Italia tuyển chọn sơ bộ. Bằng quá trình lựa chọn nghiêm ngặt, các nghệ nhân chế tác gỗ của Bentley chỉ lựa chọn theo tỷ lệ từ 30-35 mét vuông cho mỗi lô hàng 72.000 mét vuông gỗ.

 

 

 

Một chiếc Bentley Mulsanne cần tới 24 bộ gỗ ốp với đủ kích thước khác nhau, các bộ gỗ ốp này phải có hoa văn tương đồng và được ốp đối xứng từ trái qua phải một cách hoàn mỹ. Sự đối xứng trái phải của các tấm gỗ là một trong những nét đặc biệt của nội thất Bentley Mulsanne, kiểu làm nội thất như vậy được gọi là “book-matching”. Sau khi lựa chọn gỗ ốp, các nghệ nhân sử dụng laser để cắt gỗ thành những tấm ốp sau đó phủ 5 lần sơn mài rồi đánh bóng và uốn theo các khu vực ốp gỗ trên xe, có tổng cộng 40 miếng gỗ ốp trên 1 chiếc Mulsanne, tính cả tùy chọn bàn làm việc bằng gỗ. Chỉ riêng việc đánh bóng để hoàn thiện tấm ốp cũng cần tới 72 giờ công của những nghệ nhân gỗ lão luyện nhất. Từng miếng gỗ được phủ sơn mài và đánh bóng kỹ tới mức các vân gỗ hiện lên vô cùng sống động và rất có chiều sâu. Hơi tiếc là cửa xe chiếc Mulsanne Speed được ốp các-bon thay vì gỗ với những họa tiết tuyệt đẹp.

 

 

 

Cần tới 499 giờ công để hoàn thiện một chiếc Bentley Mulsanne

 

Nội thất xe Bentley được bọc da hoàn toàn mà không sử dụng bất cứ một chất liệu nào khác. Trung bình mỗi chiếc xe dòng Continental người ta phải cần 12 bộ da bò hoàn chỉnh cùng 250 miếng da lẻ trong khi đó với Mulsanne số lượng cần thiết là 17 bộ da hoàn chỉnh và 400 miếng lẻ. Các nghệ nhân cần tới 200 giờ chỉ để bọc da khoang nội thất Mulsanne. Da bò được sử dụng để bọc nội thất xe Bentley chủ yếu là da bò thuần Âu và là da bò đực được chăn thả tự do tại các cao nguyên ở Tây Đức, nơi có không gian rộng và khí hậu lạnh để hạn chế vết côn trùng đốt, cũng như vết xước trên da do hàng rào thép.

 

 

 

 

 

Có 16 tùy chọn ốp gỗ tiêu chuẩn, 16 màu da cơ bản, 4 kiểu phối màu da, 120 màu sơn cơ bản và tất nhiên, bất kỳ màu sắc nào bạn yêu cầu cũng sẽ được đáp ứng. Khi lên cấu hình cho chiếc Bentley Mulsanne của bạn, thứ duy nhất có giới hạn chính là sự tưởng tượng của bạn. Bất kỳ màu sơn nào, bất kỳ màu da nào hay bất kỳ vật liệu, hoa văn nào cũng đều có thể được hiện thực hóa trên Mulsanne. Đã có rất nhiều lời đề nghị đặc biệt được dành cho Bentley, ví dụ như màu sơn xe phải trùng với màu sơn móng tay ưa thích, trùng với màu chiếc cà vạt ưa thích, gỗ ốp phải là gỗ trong vườn nhà chủ xe, bọc da đà điểu, bọc da cá sấu v.v.. Đối với một chiếc xe đẳng cấp như Bentley, chỉ cần bạn có yêu cầu, các nghệ nhận Mulliner sẽ thực hiện yêu cầu đó của bạn.

Trải nghiệm quý tộc

 

 

Mở cửa chiếc Bentley Mulsanne Speed, một mùi thơm thoang thoảng đầy dễ chịu khẽ lan tỏa ra không gian. Đó là mùi thơm tự nhiên của những miếng da hảo hạng nhất. Tôi đã từng ngồi lên 1 chiếc Bentley Arnage và mùi thơm da của 2 chiếc xe này hoàn toàn giống nhau. Điều ấy phần nào khẳng định da trên xe Bentley cực bền mùi, có thể lưu giữ hương thơm đến hàng chục năm.

 

 

 

Khoang nội thất của Bentley Mulsanne là nơi tôi chỉ muốn vào mà không muốn ra. Từng chi tiết đều toát lên vẻ sang trọng và xa xỉ tột độ, từ cần số bọc da, khía rãnh kim cương tỉ mỉ đến chiếc vô lăng cần tới 3 mét chỉ, 620 mũi kim khâu và 5 giờ làm việc chỉ để bọc da, đến từng nút bấm dày dặn và chắc nịch, từng chi tiết kim loại bóng loáng… Chiêm ngưỡng khoang nội thất của Mulsanne, bạn sẽ hiểu vì sao chiếc xe này nặng tới gần 3 tấn. Đơn giản vì mọi bộ phận đều được gia công từ những vật liệu hảo hạng nhất, chân thật nhất: gỗ ốp đều là gỗ tảng thay vì những thớ gỗ mỏng lét của nhiều chiếc xe khác, da hảo hạng cực mịn và đàn hồi, thảm sàn dày dặn và vô cùng êm ái, thậm chí cửa gió điều hòa với kiểu đóng mở thủ công cũng cho bạn cảm giác đang sờ vào một cục thép nguyên khối vậy – nó đầm, chắc và mát lạnh. Phiên bản Speed còn sở hữu những điểm nhấn khác biệt ở ngoại thất như cửa xe ốp sợi các bon, ghế và táp pi cửa có hoạt tiết thêu quả trám đặc biệt, cần số, núm điều chỉnh cửa gió và tay nắm cửa được khía rãnh kim cương, bàn đạp ga và phanh đục lỗ thể thao.

 

 

Ấn nhẹ nút đề, khối động cơ V8 khổng lồ tỉnh giấc rồi lại hiền hòa như một chú mèo ngoan, trả lại sự tĩnh lặng tuyệt đối cho khoang nội thất chiếc Mulsanne Speed. Dù vậy, sự tĩnh lặng ấy chỉ tồn tại trong xe, chỉ cần mở cửa ra thì bạn sẽ thấy quạt gió đang phải làm việc vất vả như thế nào để làm mát cho khối động cơ 6.75 lít giữa trời trưa nắng 37 độ trong tình trạng xe không di chuyển. Vào số, tôi ngay lập tức cảm thấy lực kéo không tưởng của khối động cơ vài chục năm tuổi này. Ở trạng thái nổ cầm chừng, động cơ chỉ quay ở tua vòng 500 vòng/phút nhưng ngay khi vừa nhả chân phanh, động cơ V8 này đã kéo chiếc xe lao đi vù vù dù tôi chưa hề chạm vào chân ga. Theo quan sát của tôi, lực kéo khủng khiếp này có thể kéo chiếc xe lên vận tốc gần 30 km/h mà tôi không cần phải đạp ga! Đây quả là một trải nghiệm đầy khác biệt mà tôi không thể tìm thấy cả trên chiếc Bentley Continental Flying Spur Speed mà mình trải nghiệm trước đây.

 

 

 

Rõ ràng thông số 1.100 Nm đến ngay từ tua máy 1.750 vòng/phút không phải là trò đùa. Bất kể khi nào tôi hơi nhấn vào chân ga một chút, tôi có cảm giác mình đang thả cương cho một cơn bão khổng lồ đang bị hốt bên dưới nắp capô chiếc Mulsanne. Đạp lút chân ga, chiếc xe phóng lên phía trước một cách thầm lặng và nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng. Không có tiếng động cơ gào rú thường thấy trên những chiếc xe tăng tốc lên 100 km/h trong 4.9 giây hoặc thấp hơn, không một chút cảnh báo nào về luồng sức mạnh to lớn đang kéo bạn và khối thép gần 3 tấn lên phía trước một các thầm lặng như lực hút nam châm. Thực sự, nếu không trực tiếp cầm lái Bentley Mulsanne Speed, bạn sẽ không tin có một chiếc xe nào lại tăng tốc nhanh và yên lặng như nó. Tất nhiên, “cơn bão” này cũng rất đói ăn, tôi chỉ hơi đạp ga mạnh một tí là con số 40 lít/100 km nhảy múa ngay trên đồng hồ. Không sao! Đạp ga một phát là đi một bát phở thôi mà!

 

 

Hệ thống treo của Mulsanne Speed cực êm ái, dập tắt mọi dao động một cách tức thì. Hệ thống treo này cộng với khả năng cách âm tuyệt vời sẽ khiến bạn có cảm giác mình đang đi với tốc độ ít hơn gấp đôi tốc độ thực tế. Vô lăng trợ lực dầu của mẫu xe siêu sang này cũng khá nhẹ nhàng ở tốc độ thấp, đầm chắc ở tốc độ cao và khá chính xác. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Bentley Mulsanne và Rolls-Royce Phantom là dù chiếc Bentley rất êm ái, nó luôn cho người ngồi bên trong cảm nhận mặt đường chứ không cho ấn tượng xe đang bay là là trên mặt đất giống như Rolls-Royce. Thêm nữa, bạn vẫn có thể vào cua ở tốc độ cao với chiếc Bentley, thậm chí là drift nếu bạn đủ dũng cảm (đừng thử điều ấy với xe Rolls-Royce!).

 

 

Có thể thấy xe Bentley, dù là một mẫu flagship vô cùng sang trọng như Mulsanne, đều mang trong mình một chút DNA thể thao, đều có khả năng khiến những người ưa cầm lái phải cảm thấy bất ngờ. Chuyển sang chế độ Sport, âm thanh ống xả trở nên rõ ràng hơn, chân ga nhạy hơn một chút và hộp số sang số ở tua vòng cao hơn. Dù vậy, tôi vẫn thích để xe ở chế độ Comfort hơn. Sau vô lăng có lẫy chuyển số nhưng tôi thấy nó thật thừa thãi, hộp số 8 cấp cũng phần nào là thừa thãi vì theo kỹ sư Bentley, Mulsanne Speed thậm chí có thể hoạt động tốt nếu hộp số chỉ có 3 cấp vì sức mạnh 1.100 Nm quá khủng khiếp của nó.

 

 

Thật đáng tiếc là tôi không được trải nghiệm chiếc Bentley Mulsanne Speed này ở tốc độ cao – điều nó làm tốt nhất – đơn giản vì chiếc xe này chưa có biển số và chúng tôi đang thử xe trong một khu vực được khu biệt trong khu đô thị Park City. Dù vậy, tôi cũng đã từng cầm lái chiếc Bentley Continental Flying Spur Speed ở tốc độ cao và tôi dám chắc Mulsanne êm ái hơn mẫu xe xếp dưới là Continental.

 

 

Dù trải nghiệm chiếc Bentley Mulsanne Speed chưa thực sự trọn vẹn nhưng nó cũng là đủ để tôi nhận thấy sự khác biệt giữa Mulsanne và Phantom. Rolls-Royce Phantom chỉ dành cho những ông chủ ngồi hàng ghế sau, còn Bentley Mulsanne, nhất là bản Speed, lại dành cho những ông chủ muốn có lái xe riêng nhưng đồng thời cũng muốn tự mình trải nghiệm chiếc xe mang đậm dấu ấn quý tộc Anh này.

 

Một số hình ảnh khác về Bentley Mulsanne Speed 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)

Nguồn : Xehay.vn

TIN LIÊN QUAN

Bentley Mulsanne EWB 2018 đầu tiên về Việt Nam với giá hơn 50 tỷ đồng

Xe có kích thước tổng thể dài x rộng x cao là 5.575 mm x 1.926 mm x 1.521 mm, chiều dài cơ sở 3.266 mm. Xe có trọng lượng lên đến 2.685 kg

"Phục kích" Bentley Mulsanne Speed 2017 đầu tiên về Việt Nam

Giới mê xe Việt lại tiếp tục được phen vui mừng khi mới đây, một chiếc Bentley Mulsanne Speed 2017 đã cập bến Việt Nam. Là chiếc Bentley Mulsanne 2017 thứ 3 về nước...

Chạm mặt chiếc Bentley Mulsanne EWB 2017 đầu tiên tại Việt Nam

Sau khi cập bến tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng - chiếc siêu xe sang Bentley Mulsanne EWB 2017 đã bất ngờ lăn bánh trên các tuyến phố tại Hưng Yên trước khi bị bắt gặp tại thủ đô Hà Nội. Chiếc xe siêu sang thuộc phiên bản trục cơ sở dài gây ấn tượng

Bentley Mulsanne W.O. Edition ra mắt để kỷ niệm 100 năm thành lập hãng

Vào năm 1919, ông Walter Owen (W.O.) Bentley đã thành lập nên thương hiệu xe sang đình đám của Anh quốc. Vào thời điểm đó, ông W.O. đã có một mục tiêu rõ ràng trong đầu, đó là chế tạo 'một chiếc xe nhanh, tốt và tuyệt nhất phân khúc'.

Sedan sang trọng Bentley Mulsanne mạnh mẽ tới 585 mã lực nhờ Mansory

Với giá bán khởi điểm hơn 300.000 USD và tỷ lệ sản xuất ở mức 1/6 của Continental, Bentley Mulsanne thực sự là một chiếc xe sang trọng hàng hiếm đáng mơ ước của bất kỳ ai.

Chiếc Bentley Mulsanne EWB 2017 đầu tiên về Việt Nam

Sau khi cập bến tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng - chiếc siêu xe sang Bentley Mulsanne EWB 2017 đã bất ngờ lăn bánh trên các tuyến phố tại Hưng Yên trước khi bị bắt gặp tại thủ đô Hà Nội. Chiếc xe siêu sang thuộc phiên bản trục cơ sở dài gây ấn tượng

Cận cảnh Bentley Mulsanne EWB 2017 vừa cập cảng Hải Phòng

Vào chiều qua, một chiếc siêu xe sang Bentley Mulsanne EWB 2017 đã được khui công tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Chiếc Mulsanne EWB 2017 lần này là chiếc đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Ngắm bộ đôi Bentley Mulsanne Speed với màu ngoại thất xanh "Sequin Blue" và cam "Orange Flame" khác biệt

Được biết, đây là chiếc Mulsanne Speed thứ 8 được nhập về. Trong đó có 6 chiếc nhập khẩu tư nhân và 2 chiếc nhập chính hãng. Hai chiếc Mulsanne Speed 2016 khiến người đối diện thích thú với màu ngoại thất xanh 'Sequin Blue' và cam 'Orange Flame'

THỦ THUẬT HAY

Tạo máy ảo trong Hyper-V trên Windows Server 2008

Sau khi Hyper-V được cài đặt, việc trước tiên cần làm tại đây là tạo máy ảo – Virtual Machine. Trong bài viết dưới đây, chung tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số bước cơ bản để thực hiện việc này, với quy trình thực

8 mẹo dùng Adobe Illustrator giúp bạn thiết kế nhanh hơn

Adobe Illustrator là phần mềm thiết kế đồ họa tốt nhất cho cả dân chuyên lẫn nghiệp dư. Thế nhưng, cách dùng Illustrator lại có chút phức tạp. Nó có quá nhiều thứ để làm và nhiều cách để thực hiện chúng. Vì thế, nếu là

Làm Website/Blog thật đơn giản với Blogger

Tại Việt Nam, có rất nhiều dạng blog đang được các blogger sử dụng, tuy nhiên một trong những trang web tạo blog miễn phí tốt nhất đang được người dùng ưa chuộng đó là Blogspot. Đây cũng là website cho phép chúng ta tạo

Cách tự động mở khoá điện thoại Android mỗi khi về nhà

Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc vừa về đến cửa nhà, chiếc smartphone của bạn sẽ không cần bảo mật vân tay hay mật khẩu gì cả? Thoải mái khi sử dụng...

3 cách để bạn có thể xem và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2020

Giải bóng đá AFF Suzuki Cup 2020 đã chính thức khai mạc vào ngày 5/12 vừa qua và đội tuyển Việt Nam sẽ tham gia với mục tiêu bảo vệ chức vô địch. Người hâm mộ hiện tại có thể xem giải đấu một cách nhanh nhất với nhiều

ĐÁNH GIÁ NHANH

Đánh giá chi tiết thiết kế vận hành của xe Ford Everest 2019

Điểm thay đổi đáng chú ý nhất trên Ford Everest 2019 đến từ trang bị động cơ 2.0L TDCi Bi-Turbo công suất 213 mã lực, mô men xoắn cực đại 500 Nm, đi kèm hộp số tự động 10 cấp tương tự như trên Ford Ranger Raptor mới.

Đánh giá pin Meizu U20: Thời lượng sử dụng tốt, xem phim liên tục hơn 9 giờ

Bài đánh giá này được chia thành hai phần, phần một sử dụng tổng hợp với các tác vụ xem phim, lướt Facebook,… Và phần hai là đánh giá khả năng xem phim offline liên tục của Meizu U20. Điều kiện để thực hiện bài đánh giá

Đánh giá LG X Power: Còn gì khác ngoài viên pin khủng?

LG có lẽ là hãng điện thoại mình thích nhất bởi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của họ cho nền công nghệ di động. Tuy nhiên không có đường lối marketing phù hợp, cũng như cấu hình không thực sự cạnh tranh trong phân khúc