Trên thị trường có nhiều loại mâm với kích cỡ và hình dáng khác nhau giúp chủ xe có nhiều sự lựa chọn khi muốn cải tiến chiếc xe trở nên“ngầu” hơn với những nét họa tiết hoa văn tinh tế. Trong một số trường hợp, chủ xe muốn độ lại mâm xe để tăng cảm giác lái. Bởi vì khi độ mâm lớn hơn đồng nghĩa rằng lốp bị mỏng theo, do đó bề mặt tiếp xúc mặc đường tăng lên đem đến cảm giác lái chân thực hơn. Đó là lý do tại sao ngày nay có nhiều chủ xe sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng để sở hữu một bộ lốp khác “bản gốc”.
Khi chạy trên đường, bạn sẽ bắt gặp nhiều xe hơi được trang bị mâm độ mâm nhái (fake) mang thương hiệu chính hãng hoặc các công ty mâm xe đến từ các thương hiệu có tiếng như HRE, Vossen, BBS... cho đến những bộ mâm mang phong cách Maybach với giá chỉ từ 15 - 30 triệu đồng được sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan. Điểm đặc biệt là chúng thường xuất hiện phổ biến những dòng xe hơi hạng sang.
So với mâm hàng hiệu chính hãng, mâm nhái không có điểm khác biệt về ngoại hình, thậm chí một người bình thường chỉ nhìn qua cũng khó phân biệt bằng mắt thường nên đó cũng là lý do nhiều người dùng lựa chọn mâm “fake” vì giá rẻ hơn 3-5 lần so với mâm “xịn”.
Mặc dù đây là xu hướng đang “hot” nhưng nhiều chủ xe chưa thực sự am hiểu tường tận về các loại mâm xe hiện được phân phối trên thị trường. Những yếu tố liên quan đến nguồn gốc và chất lượng của mâm xe cần được quan tâm nhiều nhất. Một bộ mâm xe đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phải trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển, chỉ khi linh kiện này đáp ứng đủ tiêu chí trong các bài đánh giá thì mới được tung ra thị trường. Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi làm thế nào những mâm xe nhái có cái giá thấp đến như vậy? Liệu mâm không chính hãng có đáng để người dùng ô tô sử dụng nó chỉ để làm đẹp theo sở thích cá nhân hay không?
Những hạn chế của mâm xe hơi nhái
Đầu tiên, những bộ mâm nhái không có quy trình kiểm tra độ bền như các nhà sản xuất truyền thống. Đồng thời, chúng cũng không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn chất lượng nào. Thay vì đầu tư tiền bạc và thời gian cho việc kiểm soát chất lượng và đăng ký tiêu chuẩn, nhà sản xuất mâm nhái cắt giảm công đoạn này để tiết kiệm chi phí và giảm giá thành xuống mức thấp nhất.
Thứ hai, các bộ mâm đúc nhái thường được đúc khuôn sẵn không sử dụng áp suất. Cụ thể, hợp kim nhôm nóng chảy sẽ được đổ vào khuôn và được làm nguội từ từ, sau đó được tháo khuôn và loại bỏ các chi tiết thừa. Nhược điểm của cách làm này là xuất hiện nhiều bóng khí li ti bên trong kim loại, giảm độ bền và khả năng chịu lực của chiếc mâm. Trong khi đó, các bộ mâm xịn chính hãng được ép bằng khí nén để tăng mật độ phân tử kim loại, giảm bọt khí và tăng độ bền của chiếc mâm. Do đó, giá bán của mâm chính hãng thường sẽ đắt hơn rất nhiều vì trải qua nhiều công đoạn phức tạp.
Thứ ba, mâm đúc nhái sản xuất không dựa trên tiêu chuẩn nhất định nên có trọng lượng nặng hơn, độ cứng và an toàn không thể so sánh kém hơn so với mâm chính hãng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành của chiếc xe.
Điều cuối cùng là trách nhiệm đối với sản phẩm. Nếu những bộ mâm chính hãng gặp vấn đề trong điều kiện sử dụng bình thường và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khách hàng thì hãng sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm để giữ uy tín và gia tăng niềm tin của khách hàng trên thị trường xe ô tô. Ngược lại, các hãng sản xuất mâm nhái “mặc kệ” khách hàng nếu gặp vấn đề trong quá trình sử dụng.