Tại Việt Nam, làn có thể vượt là làn nằm sát tim đường hay dải phân cách chính giữa nhưng nhiều tài xế vẫn tranh thủ dùng làn dừng khẩn cấp trong vô thức, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Do đó bạn cần hiểu đúng về làn dừng khẩn cấp để tránh rủi ro, tai nạn không đáng có.
Làn dừng khẩn cấp là gì?
Làn dừng khẩn cấp là làn ngoài cùng ngoài bên phải được tách biệt với các làn còn lại bằng vạch liền màu trắng và có không gian khá hẹp. Tác dụng của làn này là dừng khẩn cấp khi xe gặp sự cố, cần tấp vào lề để sửa chữa hoặc chờ để gọi cứu hộ nhằm mục đích không làm ảnh hưởng đến những phương tiện giao thông khác.
Xem thêm: Kinh nghiệm khi lưu thông trên đường cao tốc
Những trường hợp nào xe ô tô có thể đi vào làn dừng khẩn cấp?
Đây là làn đường dành cho xe quân sự, xe Công An, cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển khi gặp tình huống khẩn cấp và cũng có thể dừng lại nếu xe bị hỏng.
Trường hợp đặc biệt khác được quyền sử dụng làn dừng này mà không sợ sai luật đó là khi người điều khiển đang lái xe rơ mooc và phần rơ mooc gặp trục trặc và tài xế không đủ điều kiện sức khỏe nên không thể tiếp tục lái xe.
Rất nhiều tài xế lợi dụng tình huống tắc đường để lấn làn, điều này vô cùng nguy hiểm vì không chỉ gây cản trở cho các cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ khẩn cấp mà còn mất trật tự an toàn toàn giao thông. Nếu muốn vượt, tài xế có thể sử dụng làn sát với tim đường hoặc sát dải phân cách chính giữa.
Mức phạt dành cho tài xế vi phạm lỗi
Theo quy định, nếu người điều khiển xe ô tô chạy trên đường cao tốc vi phạm lỗi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Đồng thời sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Những lưu ý quan trọng khi dừng xe ở làn khẩn cấp
Nếu cần dừng lại trên cao tốc, bạn hãy đánh lái về bên phải, sau đó bật đèn cảnh báo nguy hiểm cho các xe đi phía sau. Điều này vô cùng quan trọng đối với các xe phía sau đang di chuyển với tốc độ cao.
Khi xe đã dừng hẳn, bạn cũng nên đánh lái sang bên phải để đề phòng tình huống va chạm với các ô tô khác. Điều này giúp xe bạn không lao vào làn đường chính.
Sau đó, bạn nhớ kéo phanh tay trước khi ra khỏi xe để đảm bảo chiếc xe cố định trên đường. liên hệ số điện thoại cứu hộ ghi trên các biển báo hiệu để họ giúp bạn xử lý sự cố.
Nếu xe đi vào ban đêm, bạn nên đặt vật phản quang để báo hiệu từ xa. Khoảng cách phù hợp là phía sau đuôi xe khoảng 15 - 25 m theo phía mép trái của xe. Trường hợp không có các vật dụng phản quang, bạn có thay thế bằng dụng cụ khác như thùng nước, lốp xe, cành cây… để cảnh báo.
Trong thời gian sửa chữa, tuyệt đối không đứng phía sau xe vì bạn có thể sẽ gặp tình huống xe khác đang đi với tốc độ cao đâm vào. Tốt nhất, bạn vẫn nên ngồi trong xe hoặc đứng trước cửa xe.
Cho dù bất kỳ lý do gì và trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không nên đi vào làn dừng khẩn cấp nếu xe của bạn không thuộc đối tượng ưu tiên vì có thể chỉ một chút sơ sẩy có thể xảy ra rủi ro khôn lường va chạm với xe đang dừng đỗ hoặc xe đang làm nhiệm vụ. Đừng đặt cược tính mạng của mình vào những tình huống nguy hiểm khiến bạn có thể hối hận mãi mãi.