Công nghệ xe tự lái tiếp tục thăng hoa
Một lĩnh vực khác cũng đang được các nhà sản xuất ô tô quan tâm là xe tự lái (Autonomos Vehicles hay Self-Driving Cars). Trong lĩnh vực xe tự lái, người ta chia ra làm 5 cấp độ, định nghĩa này được hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE) đưa ra năm 2014. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực xe tự lái đang nóng dần lên khi hàng loạt các “ông lớn” trong lĩnh vực ô tô tham gia nghiên cứu và phát triển, có thể kể đến như: Tesla (tất cả mẫu xe), Audi A8 2018, Mercedes-Benz S-Class, Volvo XC90, BMW 750i hay mới đây nhất là Jaguar Land Rover, cùng rất nhiều mẫu xe của các hãng xe khác như Waymo (công ty con của Google), Volvo hợp tác Uber, Toyota hợp tác Uber v.v..Theo hãng Tesla, chức năng tự lái Autopilot đã trang bị trên chiếc Tesla Model X kể từ năm 2015 với những tính năng phòng tránh va chạm, tự động phanh, tự động đỗ xe đã nhận được rất nhiều ý kiến tích cực của các chuyên gia và khách hàng. Hệ thống tự lái Autopilot tích hợp trong các xe hơi của hãng có thể định hướng trên cao tốc và trong bãi đỗ xe. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến khách hàng phản ánh tính năng này gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Bên cạnh những “tin buồn” cho lĩnh vực xe tự lái thì trong năm 2018 lĩnh vực này cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Nổi bật là chiếc Range Rover Sport với công nghệ tự lái đã chinh phục thành công những đoạn đường phố công cộng tại Coventry, Anh Quốc.
Các thử nghiệm này nằm trong một dự án đầy tham vọng kéo dài 3 năm có tên UK Autodrive với sự góp mặt những công ty công nghệ hàng đầu, trường đại học và 3 tập đoàn xe hơi gồm Jaguar Land Rover (Anh), Tata Motors (Ấn Độ), Ford (Mỹ). Dự án này được chính phủ Anh bảo trợ nhằm thúc đẩy việc thử nghiệm sử dụng các phương tiện tự lái và kết nối thông minh trên đường phố.
Chiếc Range Rover Sport với công nghệ tự lái đã chinh phục thành công những đoạn đường phố công cộng tại Coventry, Anh Quốc.
Để làm được điều này, các kỹ sư Jaguar Land Rover kết hợp cùng các chuyên gia UK Autodrive nghiên cứu thử nghiệm trong 3 năm để sửa đổi trang bị các cảm biến điều hướng bổ sung, RADAR và LIDAR. Cuối cùng, chiếc xe có thể tự động di chuyển xử lý các tín hiệu qua bùng binh, đèn giao thông, người đi bộ, người đi xe đạp và các phương tiện khác trên những con đường phức tạp. Ngoài ra, công nghệ tự lái này còn giúp cho xe có thể tự đỗ.
Chưa dừng lại ở đó, hãng Jaguar Land Rover còn thể hiện tham vọng khi đang tìm cách đưa công nghệ tự lái lên một tầm cao mới, bằng việc kết hợp hệ thống kiểm soát địa hình Terrain Response đặc trưng của hãng lên những chiếc ô tô 'tự động hóa' trong dự án CORTEX.
Bên cạnh Jaguar Land Rover, một cái tên khác là Mercedes-Benz cũng ghi “dấu ấn” của mình trong trong lĩnh vực này bằng việc trình làng xe tải cực kỳ hiện đại Mercedes-Benz Actros 2019, có khả năng tự lái. Chiếc xe đầu kéo Actros đã trải qua 2 thế hệ, thế hệ đầu tiên (1996-2011), thế hệ thứ hai (2011-2018), và thế hệ thứ ba vừa ra mắt trước thềm triển lãm IAA 2018. Ở thế hệ này, chiếc Actros đã được Mercedes-Benz cải tiến với hàng loạt công nghệ có thể kể đến như: hệ thống hỗ trợ lái Active Drive Assist, hệ thống phanh Active Brake Assist 5, gương chiếu hậu thông minh (bằng camera), v,v..
Hệ thống hỗ trợ lái Active Drive Assist được xem là sự đổi mới quan trọng và ngoạn mục nhất đối với thế hệ trước đó và những dòng xe tải hạng nặng (xe đầu kéo) cùng phân khúc của các hãng khác. Cụ thể, hệ thống Active Drive Assist này đã được hãng Mercedes-Benz thiết lập khả năng tự lái (cấp độ thấp) cho chiếc Actros.
Hệ thống Active Drive Assist mới có thể “tự động” phanh, tăng tốc và điều khiển độc lập trong tất cả các phạm vi tốc độ, không giống như các hệ thống khác chỉ hoạt động ở các tốc độ nhất định. Để có được khả năng hỗ trợ lái này, Mercedes-Benz đã thêm các bộ điều khiển vĩ độ hoạt động dựa vào sự kết hợp giữa kiểm soát dọc và ngang của xe trong tất cả các phạm vi tốc độ thông qua tín hiệu radar và camera. Theo Mercedes-Benz, mẫu xe tải Actros là mẫu xe tải đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống này.
Hiện tại, Audi A8 2018 2018 là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được bị hệ thống tự lái đạt cấp độ SAE 3, trình làng năm 2017. Như vậy, công nghệ tự lái ở cấp độ 3 (SAE 3) trên chiếc Audi A8 2018 đã cho thấy, khả năng tự lái hoàn toàn cấp độ 5 trên xe hơi chỉ còn là vấn đề thời gian mà Audi và các hãng khác đang chạy đua nghiên cứu và áp dụng cho dòng xe thương mại.
Tính năng, xu hướng công nghệ mới trên xe hơi
Trong năm 2018, các xu hướng công nghệ điển hình là các tính năng mới từ ý tưởng những năm trước đã được triển khai, cải tiến và ứng dụng trên xe hơi, có thể kể đến như: công nghệ giao tiếp tự động giữa các xe với nhau (V2V) hay giữa xe và cơ sở hạng tầng (V2I), kết nối Bluetooth thông minh, giao dịch mua hàng bằng Apple CarPlay hay Android Auto, công nghệ xoá điểm mù, công nghệ hiển thị kính lái HUD mới, trợ lý ảo giao tiếp bằng giọng nói...Nếu như công nghệ giao tiếp giữa các xe với nhau (V2V) và giữa xe và cơ sở hạng tầng (V2I) chưa được trang bị phổ biến và đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện thì hai tính năng khác hỗ trợ lái xe thông minh trong những tình huống kẹt xe và tính năng tự đỗ xe đang đang là những xu hướng mới của xe hơi hiện đại.
Ngày nay, nhiều hãng xe đã trang bị cho những chiếc xe của mình tính năng hỗ trợ lái (khả năng tự lái cấp độ thấp) xe phát triển từ hệ thống hỗ trợ hành trình Cruise Control/ Active Cruise Control. Có thể kể đến như Distance Pilot Distronic của Mercedes-Benz, Traffic Jam Assist của Volkswagen v,v.. Trong đó, nổi bật trong năm 2018 là hệ thống Hỗ trợ Kẹt xe được Volkswagen gọi là Traffic Jam Assist với khả năng bán tự động đánh lái và giữ làn đường, tăng tốc và phanh trong dải tốc độ tới 55km/h, giúp cho quá trình lái xe thoải mái và an toàn hơn.
Có thể thấy, mỗi hãng đều phát triển công nghệ hỗ trợ riêng, nhưng đều hướng đến với mục tiêu chung giúp cho người lái giảm căng thẳng, đặc biệt trong những chặng đường dài. Để cung cấp cho người tiêu dùng cái nhìn sâu sắc hơn về khả năng của các hệ thống hiện tại trên thị trường, Euro NCAP đã phát triển các bài kiểm tra để đánh giá hiệu suất của các hệ thống này trong các tình huống giao thông phổ biến được mô phỏng thử nghiệm với 10 mẫu xe: Audi A6, BMW 5 Series, DS 7 Crossback, Ford Focus, Hyundai NEXO, Mercedes-Benz C Class, Nissan LEAF, Tesla Model S, Toyota Corolla và Volvo V60.
Đây là lần đầu tiên, Chương trình Đánh giá Ôtô Mới của Châu Âu (Euro NCAP) thực hiện bài kiểm tra độ an toàn của các hệ thống hỗ trợ hành trình thích ứng trên các mẫu xe hơi. Khác với những thử nghiệm đâm va khá nổi tiếng của Euro NCAP, thử nghiệm “Highway Assist System” chưa có bảng xếp hạng đánh giá an toàn theo số sao. Vì Euro NCAP vẫn đang tìm hiểu cách các hệ thống này hiện được thiết kế, giới hạn vật lý của chúng và những lợi ích an toàn nào có thể được mong đợi. Thay vào đó, Euro NCAP tập trung vào việc cung cấp thông tin và nhận xét về chiến lược thiết kế của nhà sản xuất ô tô, trong bối cảnh được cho phép hợp pháp theo quy định của Châu Âu.
Qua thực tế thử nghiệm, không phải tất cả các hệ thống đều hoạt động tốt. Bên cạnh việc kiểm tra các chức năng chính của hệ thống, Euro NCAP tiến hành xác minh thông tin, đảm bảo tính xác thực và hạn chế những tuyên bố giả mạo hoặc phóng đại do nhà sản xuất cung cấp, quảng cáo trên các dòng xe của mình kiểm tra. Từ đó người tiêu dùng có những cái nhìn khách quan nhất góp phần đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro tai nạn do người lái quá “tin tưởng” vào các hệ thống.
Ford là hãng xe đầu tiên giới thiệu đến người tiêu dùng tại Việt Nam tính năng hỗ trợ đỗ xe thông qua chiếc Ford Focus 2015.
Trên thế giới hiện nay có nhiều công nghệ đỗ xe tự động khác nhau, có loại sử dụng các cảm biến thu phát tín hiệu lắp quanh thân xe, một số khác lại sử dụng các camera gắn ở trước và sau xe hay công nghệ ra-đa vô tuyến để tiếp nhận tín hiệu phản hồi, xác định vị trí các vật cản v.v.. Dù sử dụng công nghệ nào đi nữa thì mục tiêu của công nghệ này giúp cho người lái giảm căng thẳng, đặc biệt cho các lái xe thiếu kinh nghiệm.
Tại Việt Nam, có lẽ Ford là hãng xe đầu tiên giới thiệu đến người tiêu dùng tại Việt Nam tính năng này thông qua chiếc Ford Focus 2015. Tuy nhiên thời điểm đó, tính năng tự đỗ này còn nhiều hạn chế. Ở phiên bản mới, hãng Ford đã cải tiến giúp cho xe có thể thực hiện đỗ xe ghép giúp cho người lái đỡ cực nhọc.
Bên cạnh tính năng Parking Pilot, Mercedes-Benz cũng đã phát triển tính năng mới tiên tiến hơn gọi là Remote Parking Assist và trang bị dòng xe của mình. Mercedes-Benz được xem là hãng xe đầu áp dụng tính năng này cho các dòng xe của mình. Điểm nổi bật ở tính năng này là người lái có thể đi ra khỏi xe, chỉ cần ấn và giữ tay ở nút OK trong ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động smartphone cho đến khi chiếc xe tự động lùi vào điểm đỗ.
Trong năm 2018, hãng Porsche cũng đã sử dụng nền tảng công nghệ của Bosch thông qua sự hợp tác của tập đoàn Volkswagen AG để nghiên cứu và phát tính năng đỗ xe 'thông minh' gọi là Remote Park Assist. Cũng giống như những tính năng tự đỗ xe của Remote Parking Assist của Mercedes-Benz. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở tính năng này của hãng Porsche chế độ xem Surround cung cấp cái nhìn toàn cảnh 360 độ hoạt động nhờ vào cảm biến thông minh mà Porsche gọi là “Magic trick”.Hiện tại, tính năng Remote Park Assist đã được Porsche trang bị trên một số dòng xe của mình như: 911 Carrera S Cabriolet, 911 Carrera 4S, 718 Boxster S, 718 Cayman, Panamera Turbo S E-Hybrid Sport Turismo và Cayenne Turbo.
Cuối cùng, xu hướng công nghệ mới trên xe hơi năm 2018 phải kể đến là tính năng trợ lý ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI được nhiều hãng xe, công ty công nghệ nghiên cứu và áp dụng. Trước đó, những hệ thống trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng trên nhiều lĩnh vực như thiết bị di động trợ lý ảo Siri của Apple, Cortana của Mircosoft, Google Now của Goolgle hay Alexa của Amazon.Trong những năm gần đây, phát triển hệ thống trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói cho xe hơi là một hướng đi mới mà nhiều hãng xe đang nghiên cứu và áp dụng như BMW, Hyundai, Ford... Hãng xe BMW đã hợp tác với công ty Amazon dự kiến tích hợp tính năng trợ lý ảo Alexa lên một số mẫu xe Mini và BMW vào giữa năm tới. Hãng xe của Nhật, Nissan cũng vừa tuyên bố hợp tác công ty Amazon để đưa tính năng trợ lý ảo lên các dòng xe của họ.Tại Triển lãm công nghệ điện tử tiêu dùng CES 2018, tập đoàn Bosch vừa tuyên bố đã phát triển thành công hệ thống trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói của riêng mình. Khác với những hệ thống trợ lý ảo đã từng được giới thiệu trước đây, hệ thống trợ lý ảo của Bosch có những điểm vượt trội rõ rệt như: hệ thống hoạt động kể cả không có kết nối internet hoặc sóng di dộng, hệ thống hiểu và nói được 30 ngôn ngữ khác nhau và nói tổng cộng 44 giọng nữ và 9 giọng nam khác nhau, thập chí hiểu được cả giọng bản ngữ, tiếng địa phương.Theo đó, hệ thống trợ lý ảo của Bosch có đến 3 tên gọi mặc định khác nhau gồm: Casey, Michael hay Linda. Trình điều khiển bắt đầu mỗi hộp thoại mới bằng cách nói trực tiếp với trợ lý, hệ thống nhận dạng tiếng nói hiểu được cấu trúc câu tự nhiên nhất, không còn việc người lái xe phải chờ tiếng chuông trước khi bắt đầu nói. Người lái xe kích hoạt trợ lý bằng cách gọi đơn giản 'Hey, Casey' hoặc sử dụng bất kỳ tên mới được trao cho trợ lý. Thậm chí trợ lý ảo này có thể phân biệt rõ tiếng bản ngữ (bản xứ) của cùng một ngôn ngữ thông qua ngữ điệu khác nhau. Ví dụ: Casey có thể phân biệt chính xác tiếng Anh của người Mỹ, tiếng anh của người Anh hay tiếng Anh của người Úc…
Hơn nữa, trợ lý ảo của Bosch không cần bất kỳ kết nối dữ liệu bên ngoài nào như internet, mạng điện thoại hay dữ liệu đám mây. Vì vậy, trợ lý ảo của Bosch vẫn hoạt động bình thường khi đi các đoạn đường hầm, xa các khu vực có phủ sóng mạng di động hoặc ở các quốc gia khác khi chưa có mạng điện thoại.
Đối với hệ thống IPA này của Hyundai dựa trên nền tảng Houndify của hãng SoundHound (AI), được tối ưu hóa cho các ứng dụng trong xe. Khi người lái kích hoạt bằng khẩu lệnh: 'Hi, Hyundai.' hệ thống sẽ phản ứng với các lệnh thoại hoặc câu hỏi của người lái xe bằng cách liên lạc với máy chủ SoundHound AI để tìm kiếm thông tin được yêu cầu hoặc hoàn thành một nhiệm vụ.Ví dụ: Khi người dùng nói, 'Cho tôi biết thời tiết sẽ như thế nào vào ngày mai và tắt đèn trong phòng khách của chúng ta', hệ thống nhận ra hai lệnh riêng biệt trong cùng một câu và hoàn thành mỗi nhiệm vụ một cách riêng biệt. Ngoài ra, trợ lý ảo IPA còn có khả năng tiên đoán nhu cầu của lái xe và cung cấp thông tin hữu ích. Ví dụ, hệ thống có thể nhắc nhở sớm về một cuộc họp sắp tới và đề xuất thời gian khởi hành cho các điều kiện giao thông hiện tại. Hơn thế nữa, Intelligent Personal Agent hỗ trợ dịch vụ 'Car-to-Home', cho phép người lái điều khiển các thiết bị điện tử ở nhà bằng các lệnh thoại đơn giản.Tập đoàn BMW cũng nghiên cứu và phát triển công nghệ trợ lý ảo của riêng mình với những tính năng “thông minh” mà hãng gọi là BMW Intelligent Personal Assistant. Hệ thống trợ lý ảo mới được tích hợp trong hệ điều hành mới BMW Operating System 7.0 và sẽ được trang bị tiêu chuẩn cho các dòng xe BMW X5, Z4, 8 Series kể từ tháng 3/2019.
Cũng giống như trợ lý ảo của Bosch và Hyundai, khi muốn kích hoạt tính năng Intelligent Personal Assistanthệ thống này người dùng chỉ cần nói “Hey BMW” thì hệ thống sẽ bật và sẵn sàng hoạt động. Bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo của BMW có thể tìm hiểu và “tự học” thói quen của người dùng. Sau đó, hệ thống sẽ áp dụng chúng trong ngữ cảnh thích hợp. Nếu không thích câu lệnh “Hey BMW” người dùng có thể đặt một cái tên tuỳ thích (Tom - 'Hey Tom' hay John 'Hey John'.v.v) nhằm cá tính hoá cho tính năng này.Một trong những tính năng khác độc đáo so với các hệ thống trợ ảo khác là trợ lý ảo của BMW có thể trở một “chuyên gia” đóng vai trò cố vấn kỹ thuật như giải thích những tính năng mới trên xe cho người lái biết. Ví dụ: “Tính năng High Beam Assistant hoạt động như thế nào?” hay “Mức dầu bôi trơn của xe hiện tại có ổn không?” hay khi xe có những cảnh báo như nhiệt độ nước làm mát tăng, thì tính năng trợ lý ảo sẽ giải thích cho người lái.
Như vậy, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đặc biệt là việc ứng dụng lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data, v.v. khiến cho những chiếc xe ngày càng an toàn hơn, thông minh hơn. Chiếc xe không còn đơn thuần là phương tiện di chuyển cá nhân mà còn đóng vai trò là một thư ký, một người bạn với chủ nhân chiếc xe đó.
Nguồn : http://xedoisong.vn/cong-nghe/nhung-diem-sang-cong-nghe-xe-hoi-noi-bat-nam-2018-p2-29419.html