Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích đến từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ năm 2017, thị trường ô tô đã chứng kiến sự sụt giảm trong sức mua do tâm lý chờ đợi giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN của người tiêu dùng.
Qua năm 2018, ngành này lại tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung do vướng phải những yêu cầu khắt khe từ Nghị định 116. Do vậy, mặc dù nhu cầu tiêu thụ cao, nhưng tổng doanh số của toàn thị trường trong phần lớn thời gian của năm 2018 vẫn chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Sự ràng buộc về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) từ Nghị định 116 khiến cho việc nhập khẩu ô tô trong năm 2018 gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung xe nhập khẩu trong 11 tháng năm 2018 sụt giảm khoảng 16% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xét riêng giai đoạn cuối năm 2018, nguồn cung bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại khi chính phủ của hầu hết các nước xuất khẩu đều đáp ứng được những yêu cầu của nghị định này.
Do đó, VDSC đánh giá, đà phục hồi vẫn sẽ tiếp diễn trong những tháng tới, đồng thời nguồn cung xe CBU (ô tô nhập nguyên chiếc) trong năm 2019 sẽ tăng mạnh từ mức tương đối thấp của năm 2018. Dù vậy, theo VDSC, tăng trưởng sẽ dừng lại ở một mức độ hợp lý thông qua sự điều tiết của Chính phủ.
Việc nhập khẩu ô tô dường như bị gián đoạn tạm thời trong những tháng đầu năm 2018 nên tính chung cả năm, nguồn cung không thể đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường. Do đó, khách hàng phải chờ đợi thêm hai đến ba tháng để có thể sở hữu xe. Nhiều khách hàng đồng ý sớm đặt cọc vào năm 2018 và chờ đợi đến đầu năm sau mới có thể nhận xe.
Bên cạnh đó, ngành bán lẻ ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và vẫn đang trên đà tăng trưởng trong năm 2019. Vì thế, sức mua ô tô kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019.