Nút thắt thị trường vừa cởi có nguy cơ thắt lại
Năm 2018 đã đi qua kết thúc với lượng tiêu thụ ôtô nhỉnh hơn một chút so với năm 2017, nhưng diễn biến về giá lại ngược nhau hoàn toàn. Nếu như năm 2017 diễn ra cuộc đua hạ giá rầm rộ thì năm 2018 gần không có chuyện này. Mức giảm giá đến 30% cũng không xảy ra, một số mẫu xe nhập chỉ giảm nhẹ 10 – 15%, cá biệt nhiều xe còn tăng giá với lý do nâng cấp phiên bản mới, thêm trang bị.Trong khi đó, kể từ mốc vượt 300.000 xe tiêu thụ năm 2016, thị trường ôtô Việt Nam bắt đầu vào cữ tiêu thụ mạnh. Vì vậy, nhu cầu vẫn rất lớn mà cung thì giảm dẫn đến “khan xe”, đương nhiên giá khó có thể giảm.
Nửa cuối năm 2018 thị trường vận hành hoàn toàn theo quy luật cung cầu, dù xe nhập bắt đầu về nhiều nhưng không đủ với nhu cầu mua xe gấp gáp của người dân. Có những lô xe như của Honda hơn 2.000 chiếc hết veo chỉ sau hơn tháng thông quan.
Tình trạng này xảy ra cả với Toyota, Mitsubishi khi những mẫu xe mới được đặt hàng nhiều. Không riêng xe nhập mà cả xe lắp ráp cũng “cháy hàng”. Các mẫu xe của Hyundai Thành Công như Grand i10, Accent, Tucson, Kona liên tục phải ký chờ, ngoại trừ Elantra.
Ở thái cực ngược lại, những hãng xe “ế” như Isuzu, Suzuki không bán được nhiều nhưng không vì thế mà giảm giá.
Bước sang năm 2019, tưởng như vấn đề thủ tục nhập khẩu theo Nghị định 116 dần được các hãng xe giải quyết xong, mở ra cánh cửa tươi sáng thì trước mắt tiếp tục xuất hiện thêm rào cản mới.
Có đến 3 dự thảo và đề xuất nhắm đến tăng thuế, phí ôtô và thêm một loại thuế mới. Nếu thành hiện thực thì giá xe khó giảm.
Đầu tiên là đề xuất về dự thảo tăng lệ phí trước bạ lần đầu đối với dòng bán tải chở hàng dưới 1,5 tấn và 5 chỗ trở xuống của Bộ Tài Chính, muốn phí này tăng lên bằng 60% của xe con, trong khung 10 -15%. Người tiêu dùng sẽ phải bỏ thêm số tiền gấp 3 đến 4 lần so với hiện tại.
Tiếp đến là dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng với xe bán tải. Hiện tại thuế tiêu thụ đặc biệt loại xe này đang là 15-25%. Khi có thuế mới sẽ tăng lên 30-45%. Xe bán tải đang là phân khúc tăng trưởng nóng trong vòng 3 năm trở lại đây, nếu tăng thuế và phí, rất có thể thị phần sẽ giảm đi trông thấy.
Thứ ba, với đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô trên 1,5 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang xem xét lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật thuế tài sản và sẽ trình lên Bộ tư pháp, Chính phủ.
Theo đó, Luật thuế tài sản có đề cập đến việc đánh thuế ôtô trên 1,5 tỷ đồng, chia làm hai phương án 0,3% và 0,4%. Nếu được thực thi, giá bán các dòng xe sang như Mercedes-Benz, Audi, Volkswagen, Volvo, Land Rover sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Bên cạnh những rào cản mới, rào cản cũ vẫn tồn tại và được siết chặt hơn, như quy định kiểm định theo lô, rà soát thay đổi hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam cũng góp phần khiến xe nhập khẩu khó có thể về ồ ạt.
Ôtô giảm giá khi nào?
Để nhận định về thị trường ôtô 2019, cả báo chí lẫn người trong cuộc không còn dễ ảo tưởng như thời điểm cuối năm 2017. Đứng trước những thách thức dựa trên chính sách mới đã nói ở trên, khó có thể lạc quan về giá xe giảm.Thực tế năm 2018 đã chứng minh, cung giảm cầu tăng thì không có doanh nghiệp nào dại gì giảm giá mạnh. Ngay cả những thương hiệu bán xe chậm cũng hưởng lợi từ hình thái thị trường này.
Tuy nhiên, ở những “nút thắt” mới, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy “ánh sáng” của giấc mơ giảm giá xe. Đó chính là những doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước.
Đề xuất về việc miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện ôtô sản xuất trong nước đã có và nếu sớm được áp dụng trong năm 2019 sẽ góp phần đẩy giá xe lắp ráp trong nước giảm xuống. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ ôtô lắp ráp gấp gần 3 lần so với xe nhập khẩu.
Theo tính toán, nếu tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% thì mức giảm giá lên tới 15-20%. Con số 40% hiện cũng là tiêu chuẩn chung cho xe ASEAN được miễn thuế nhập khẩu khi xuất sang các nước trong khối, mà điều này Toyota, Hyundai và Mazda, Kia dư sức thực hiện.
Nếu giá xe trong nước giảm, thậm chí đua khuyến mại như năm 2017 chắc chắn sẽ tạo sức ép kéo theo xe nhập cũng phải giảm theo. Tuy nhiên, xin nhắc lại điều kiện cần là xe nhập khẩu cũng phải đáp ứng về lượng. Mà điều này phụ thuộc vào sự tính toán của các doanh nghiệp nhập khẩu xe trong bài toán Nghị định 116.
Ngoài xe lắp ráp làm đối trọng, một hy vọng nữa cho giá xe giảm đó là thuế nhập khẩu từ EU và Nhật sẽ giảm 0% nếu các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực. Lúc đó, các dòng xe từ Đức (Mercedes-Benz, Audi, BMW), xe từ Thụy Điển (Volvo), từ Ý (Fiat, Lamborghini, Ferrari…), Nhật (Toyota, Nissan, Mitsubishi…) sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn với xe nhập từ khối ASEAN.