Là một trong những dòng xe thể thao nổi tiếng nhất tới từ Mỹ, kể từ thế hệ đầu tiên tới nay, trải qua 7 thế hệ Chevrolet Corvette luôn được bán với cấu hình động cơ đặt trước - dẫn động cầu sau. Tuy nhiên, ý tưởng về một chiếc Corvette với động cơ đặt giữa - cấu hình truyền thống của siêu xe trên thực tế đã từng được tính tới từ rất lâu.
Trong suốt hơn nửa Thế kỷ vừa qua, nhiều concept Corvette động cơ đặt giữa đã được Chevrolet công bố nhưng tới tận bây giờ, hãng chưa từng đưa vào sản xuất thương mại bất kỳ mẫu xe ý tưởng nào. Dưới đây là 8 mẫu Corvette ý tưởng với động cơ đặt giữa nổi bật nhất, hoàn thiện nhất từng được Chevrolet chế tạo.
1964 Corvette XP-819 Rear Engine:
Trên thực tế, mẫu xe thử nghiệm XP-819 có động cơ đặt sau đuôi xe tương tự Porsche 911, nhưng thiết kế và lịch sử ra đời của nó đã dẫn tới sự ra đời của những chiếc Corvette thử nghiệm với máy đặt giữa sau này. Chiếc xe đã được tạo ra sau tranh cãi giữa ông Zora Arkus-Duntov - 'Cha đẻ' của dòng Corvette và Frank Winchell - Kỹ sư tham gia phát triển chiếc Chevrolet Corvair với động cơ đặt sau.
Winchell cho rằng một động cơ V8 bằng nhôm, dẫn động các bánh xe lớn ở cầu sau sẽ giúp khắc phục hạn chế về tỷ lệ phân bổ trọng lượng, trong khi Duntov nghĩ ngược lại. Chiếc XP-819 đã nhanh chóng được tạo ra với thân xe do nhà thiết kế Larry Shinoda 'chấp bút' dựa trên thế hệ Corvette C2 Stingray, động cơ dành cho đường thủy của GM cùng chassis, hệ thống treo và tay lái 'hàng thửa'. Cuối cùng, chiếc xe đã chứng minh rằng Winchell đã sai, sau đó nó bị phá hủy khi trên đường thử và nhanh chóng rơi vào quên lãng.
1968 Astro II XP-880 Mid Engine:
Trước thành công của Ford GT40 trên đường đua vào thập niên 60, Chevrolet cùng đội đua Chapparal đã tìm cách để tạo ra một mẫu siêu xe với động cơ đặt giữa. Chiếc xe thử nghiệm XP-880 hay còn gọi là Astro II là thành quả đầu tiên của những nỗ lực này. Một khối động cơ V8 Big Block 427 7.0l đã được đặt sau cabin, dẫn động qua trục của chiếc Pontiac Tempest. Tuy nhiên, trục truyền động vốn được thiết kế cho một mẫu sedan gia đình này đã không thể chịu nổi sức mạnh từ cỗ máy 'cơ bắp'.
Trên thực tế, Astro II có cấu hình rất gần với một chiếc xe đua Can-Am. Dù sử dụng lốp cho xe dân dụng cùng các bộ phận của hệ thống treo lấy từ Chevrolet Corvette và Camaro thường, nó vẫn có thể đạt độ bám cua tương tự các xe đua chuyên nghiệp vào thời đó. Dù có các kích thước tương đương một chiếc Corvette thương mại, nhưng Astro II nhẹ hơn tới 136kg.
1969 Mid Engine XP-882:
Có độ hoàn thiện rất cao, sự xuất hiện của mẫu xe thử nghiệm XP-882 đã dấy lên tin đồn về việc thế hệ Corvette tiếp theo sẽ được trang bị động cơ đặt giữa. GM đã sản xuất 2 chiếc XP-882 để thử nghiệm, tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 chiếc được trang bị thân xe như bạn đọc đang thấy trong ảnh. Để giải quyết nhược điểm về trục dẫn động của chiếc XP-880 trước đó, Zora Arkus-Duntov đã trang bị cho xe động cơ 7.5l kết hợp với hộp số của chiếc Oldsmobile Toronado dẫn động cầu trước.
Hệ động lực này sau đó đã được gắn ngang thân xe để giảm trọng tâm. Dù có thể chịu được sức mạnh từ động cơ 'khổng lồ', tuy nhiên hệ dẫn động của XP882 lại có trọng lượng lên tới 430kg, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đặc tính điều khiển của XP-882.
1972 Two Rotor XP-897 GT:
Trong đầu thập niên 70 của Thế kỷ XX, cũng giống như nhiều hãng xe khác, GM đã thử nghiệm ứng dụng động cơ xoay Wankel rotor cho những chiếc xe của mình. Với ưu điểm về kích thước và trọng lượng nhỏ của loại động cơ này, các kỹ sư của Chevrolet đã nảy ra ý tưởng ứng dụng nó vào một chiếc Corvette với động cơ đặt giữa, dẫn tới sự ra đời của XP-897 GT.
Chiếc xe được trang bị một động cơ Wankel mạnh 180 mã lực đặt ngang, kết hợp với hộp số tự động thiết kế dành cho chiếc Chevrolet Citation sắp ra mắt vào thời đó. Được thiết kế bởi studio thử nghiệm của GM và sử dụng chassis Porsche 914 do Pininfarina, XP-897 GT mất 6 tháng để hoàn thành và lần đầu xuất hiện tại triển lãm Frankfurt 1973.
1972 XP-895:
Cũng trong năm 1972, một mẫu xe Corvette với động cơ Wankel đặt giữa khác đã được ra mắt là XP-895. Dựa trên chassis của XP-882, tuy nhiên XP-895 sở hữu động cơ 4 rotor với công suất lên tới 420 mã lực. Vào khoảng năm 1971, Chevrolet đã hoàn thiện xong một chiếc XP-895 có thể chạy được, với thân xe bằng thép. Tới tháng 3/1972, công ty kim loại Reynolds đã được Chevrolet đặt sản xuất một thân xe mới cho chiếc xe bằng nhôm.
Vào tháng 6 cùng năm, động cơ rotor đã được thay bằng máy V8 7.5l trên chiếc xe với thân nhôm của Reynolds sản xuất để Chevrolet có thể ra mắt nó vào triển lãm New York 1973. Dù nhận được phản hồi cực kỳ tích cực từ khách hàng, tuy nhiên XP-895 vẫn không thể được đưa vào sản xuất hàng loạt do chi phí quá đắt đỏ.
1973 Four Rotor XP-882 AeroVette:
Chiếc XP-882 được Chevrolet trưng bày tại triển lãm New York năm 1970 đã trở thành nền tảng cho một mẫu xe thử nghiệm khác là XP-882, được trang bị động cơ 4 rotor tương tự XP-895. Có thiết kế mang đậm chất Corvette, XP-882 1973 khiến nhiều người tin rằng họ đang được xem trước thế hệ mới của Chevrolet Corvette. Chiếc xe sở hữu kiểu dáng cực kỳ ấn tượng với màu sơn bạc, cặp cửa kiểu cánh chim hải âu và bộ mâm hợp kim hình cánh tuốc-bin phản lực.
Nội thất hoàn thiện cũng là một 'gợi ý' chỉ ra rằng Chevrolet đang nghiêm túc muốn đưa chiếc xe vào sản xuất hàng loạt. Khi GM dừng thử nghiệm động cơ Wankel, một cỗ máy V8 Chevrolet đã được sử dụng để thay thế, và XP-882 1973 được đổi tên thành AeroVette. Dù thường được quảng cáo vào năm 1980 là phiên bản ý tưởng của thế hệ Corvette C4 sắp ra mắt, tuy nhiên AeroVette lại một lần nữa không được thương mại hóa.
1985 Corvette Indy:
Sau khi Corvette C4 ra mắt, mẫu xe ý tưởng Corvette Indy được ra mắt vào năm 1985 khiến nhiều người tin rằng nó là bản 'xem trước' của thế hệ Corvette C5 mới. Chiếc xe được trang bị động cơ 2.6l V8 DOHC 32 van của hãng xe thể thao Anh Quốc Lotus (thời kỳ đó đang thuộc sở hữu của GM) với công suất ước tính lên tới 600 mã lực.
Được thiết kế để phô diễn trình độ công nghệ của Chevrolet, Corvette Indy được trang bị những hệ thống tân tiến ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn của một siêu xe hiện đại: dẫn động 4 bánh, đánh lái 4 bánh, giảm xóc chủ động, camera phía sau truyền hình ảnh tới bảng táp-lô kỹ thuật số, ABS, điều khiển lực kéo, bướm ga điện tử...
1990 Chevrolet CERV III:
Là một trong những nỗ lực cuối cùng của đội ngũ phát triển Corvette nhằm tạo ra một siêu xe với động cơ đặt giữa (trước khi được tiếp nối với dự án Corvette C8 thế hệ mới hiện tại), CERV III xuất hiện tại triển lãm ô tô Bắc Mỹ năm 1990. Lấy cảm hứng từ Corvette Indy, CERV III là một trong những mẫu xe concept hiện đại nhất vào thời điểm nó ra mắt. Được thiết kế bởi Jerry Palmer - người đã 'chấp bút' ra AeroVette, phần thân xe làm từ các vật liệu siêu nhẹ như sợi carbon, kevlar, nomex và được gia cường bởi nhôm.
Cung cấp sức mạnh cho CERV III là động cơ 5.7l V8 do Lotus cân chỉnh, với 2 turbo và các piston rèn của Mahle để cho công suất lên tới 650 mã lực. Một điểm đặc biệt của chiếc xe đó là nó được trang bị tới 2 hộp số - một hộp số Hydramatic 3 cấp và chiếc còn lại được thiết kế riêng với 2 số. Nếu như 'so găng' với các siêu xe hiện đại ngày nay, nó cũng không thua kém khi có thể đạt tốc độ tối đa ước tính 362km/h. Các công nghệ ưu việt trên Corvette Indy tiếp tục được ứng dụng trong CERV III.
Nguồn : http://xedoisong.vn/tin-tuc/diem-mat-8-chiec-chevrolet-corvette-dong-co-dat-giua-an-tuong-nhat-26896.html