Ông Trần Minh Tâm (huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn đang lo mưu sinh, tạm dừng việc viết tiếp giấc mơ chế tạo ô tô điện 'made in Vietnam'.
Trong lần chia sẻ này với phóng viên, cha đẻ của chiếc ô tô điện 'made in Vietnam' CITY 18 chất chứa nhiều tâm sự. Ông cho biết, đến thời điểm này, ông vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nào cho chiếc xe của mình.
Mới đây, cũng có một công ty đóng tàu không cho biết tên đến nói chuyện với ông nhưng không đi đến đâu.
'Họ nói rằng muốn hợp tác nhưng tôi thấy họ cũng giống như những người từng tới trước đó, chỉ nói miệng mà không hành động và không thật tâm.
Họ hỏi nhiều chuyện mà tôi không trả lời được, chẳng hạn: nếu làm xe điện thì đầu ra, đầu vô thế nào, đầu tư một nhà máy hết bao nhiêu...
Tôi là một nhà sáng chế chứ không phải nhà kinh tế, trình độ của tôi mà bảo giải đáp những chuyện đó thì tôi chịu thua.
Tôi làm đơn lẻ, mua tới đâu làm tới đó, còn khi đã gọi là công nghệ, công nghiệp thì đòi hỏi cả một hệ thống dây chuyền lớn và nhiều thứ hợp lại', ông Tâm nói.
Chiếc ô tô điện CITY 18 của ông Trần Minh Tâm chạy trên đường phố
Không phải không còn hy vọng, nhưng ông Tâm thừa nhận hy vọng ấy quá mong manh. Điều khiến ông buồn và thấy day dứt là không thể phục vụ được cộng đồng.
Nhiều người chế tạo chỉ vì đam mê và nếu có tiền ông cũng có thể làm như họ, tuy nhiên mục tiêu của ông là phục vụ cộng đồng, muốn chế tạo chiếc xe an toàn, bảo vệ môi trường để người dân đi mà cuối cùng vẫn chưa thể làm được.
'Nếu có cơ may thì chiếc xe của tôi có cơ hội phát triển, còn không nó sẽ vẫn là sản phẩm tôi đã làm ra. Cuộc đời có bao lâu, khi mình mất đi mà để lại cái gì đó âu cũng là việc có ý nghĩa, dù rằng nó không làm ra tiền bạc, kinh tế. Tôi vẫn sẽ vui, chỉ có điều thấy day dứt vì mình mong muốn đóng góp cho cộng đồng mà lại không được.
Ước mơ của tôi có lẽ sẽ không thành hiện thực bởi kiếm được nhà đầu tư chín chắn, có nhiệt huyết, có tâm phục vụ cộng đồng rất khó. Những người từng tìm đến tôi cho thấy người ta bây giờ chỉ nghĩ đến tiền, mong mau làm giàu nên chỉ muốn nhập về những thứ có sẵn, chắc ăn ngay, còn vấn đề của tôi hơi khó.
Hãy cứ nhìn những hãng xe máy chính thức có thương hiệu ở Việt Nam - hoàn toàn không có hãng nào 100% của Việt Nam, trong khi đó là phương tiện đi lại chủ yếu của người Việt. Đến chiếc xe máy còn như thế thì với ô tô lại càng khó', ông Trần Minh Tâm tâm sự.
Gần 60 tuổi đời, ông Tâm khẳng định, với quỹ thời gian còn lại, nếu có cơ hội ông sẽ cống hiến tiếp dù rằng những gì ông làm chưa thể thành hiện thực ngay.
'Chế tạo xe điện ở Việt Nam đã có nhiều người làm, nhưng tôi muốn là người đầu tiên đặt viên gạch về ô tô điện ở Việt Nam để xây dựng một nền tảng tảng của công nghệ ô tô điện.
Tôi chẳng muốn làm giàu cũng không cần danh tiếng. Nếu cần những thứ ấy tôi đã không vất vả thế này, bỏ vài trăm triệu đồng mua một chiếc xe cho xong.
Tôi chỉ mong đủ sống và muốn làm sao có tiền để hoàn thiện chiếc CITY 18, đồng thời tiếp tục làm thêm một phiên bản 2 cho thật vừa ý. Tôi vẫn sẽ theo đuổi đam mê đến cuối đời và tâm huyết của cả cuộc đời tôi là nhất định phải hoàn thành hai phiên bản xe sao cho hoàn hảo.
Người khác có thể chế chơi để thỏa đam mê, còn tôi muốn làm thành một phiên bản ô tô rõ ràng, đặt viên gạch đầu tiên và dĩ nhiên, người đặt gạch không bao giờ biết tương lai ra sao.
Nếu có tài chính tôi sẽ làm bộ sưu tập cho cuộc đời của mình, còn chiếc xe ấy sau này có ra được thị trường hay không, có thương mại hóa được hay không có lẽ tôi phải chờ một phép màu hoặc xã hội, đời sau sẽ làm tiếp', ông Tâm cho biết.
Theo Dân Việt