Trước đó vào tháng 4/2017, Bosch và Daimler đã thông báo việc hợp tác với nhau phát triển xe tự lái với mục tiêu tạo ra những mẫu xe có khả năng lái hoàn toàn tự động (cấp độ 5). Tầm nhìn tương lai của sự hợp tác này là đưa công nghệ vào sản xuất hàng loạt vào năm 2020.
Kể từ khi hợp tác đến nay, các chuyên gia xe tự lái, tự động hoá của cả Bosch và Daimler đã làm việc cùng nhau và tiến hành hàng loạt thử nghiệm tại khu vực đô thị của Stuttgart, Đức và Silicon Valley, Mỹ để đạt đến cấp độ tự lái hoàn toàn. Ở cấp độ này, xe có thể tự lái ở mọi điều kiện, không cần sự can thiệp của lái xe.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ cả hai phía Bosch và Daimler, việc chế tạo xe tự lái cấp độ 5 hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào điều kiện thực tế với những phương tiện khác đang di chuyển mới là vấn đề lớn cần giải quyết.
Để giải quyết vấn đề này cần phải có các cơ sở hạng tầng, giao thông đường phố đủ thông minh để hỗ trợ, nhằm tạo sự kết nối cho các xe tự lái với nhau V2V hay xe tương tác với môi trường bên ngoài V2B để đạt mức độ an toàn cao nhất.
Những yêu cầu này cũng phải được đáp ứng một cách triệt để khi phải truyền và xử lý một lượng lớn thông tin, tín hiệu từ các cảm biến môi trường khác nhau, từ công nghệ radar, video, lidar (cảm biến trên xe tự lái) và sóng siêu âm.
Liên minh Bosch-Daimler cũng đã bắt tay với đối tác khác là công ty công nghệ Nvidia nổi tiếng của Mỹ. Nhiêm vụ chính của Nvidia là trở thành nhà cung cấp nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo), góp phần quan trong tạo khả năng kết nối cho các xe với nhau và giữa xe với hạ tầng giao thông thông minh thông qua kết nối mạng ECU (một khái niệm hoàn toàn mới) dưới nền tảng Drive Pegasus cùng các phần mềm vận hành liên quan.
Theo Nvidia, khả năng tính toán xử lý của mạng ECU có thể thực hiện hàng trăm tỷ phép tính mỗi giây. Ví dụ, một bộ cảm biến video như camera video stereo của Bosch tạo ra 100 gigabyte dữ liệu đối với quãng đường di chuyển 1km. Mạng ECU thu thập dữ liệu từ tất cả các cảm biến môi trường cũng như thực hiện các phân tích đánh giá dữ liệu cảm biến lên kế hoạch cho đường đi của xe, tất cả công việc này chỉ 20 đến 500 mili giây.
Để đảm bảo tính chính xác của các phép tính ảnh hưởng trực tiếp đến độ an toàn của xe tự lái thì các chuyên gia thiết kế ECU cho phép thực hiện song song các phép toán số học bắt buộc được thực hiện trong các mạch khác nhau, để tăng khả năng an toàn của xe.
Tuy nhiên, do khả năng tính toán cực nhanh và số lượng lớn các hoạt động số học được thực hiện, các bộ phận thu phát sóng của mạng ECU phải được giải nhiệt hợp lý. Bosch và Daimler đang nghiên cứu và giải quyết vấn đề này triệt để.
Như vậy, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống an toàn của xe hơi, Bosch và Daimler cùng nền tảng mạng ECU của Nvidia thì nhiều khả năng xe tự lái hoàn toàn cấp độ 5 sẽ hoàn thiện sớm trong thời gian tới.
Tập đoàn Daimler cũng bật mí, họ đang có kế hoạch phát triển các loại xe Mercedes-Benz chạy bằng pin điện cũng như các phương tiện phục vụ cho hoạt động nghiên cứu xe tự lái.
Nguồn : http://xedoisong.vn/cong-nghe/bosch-va-daimler-hop-tac-phat-trien-xe-tu-lai-cap-do-5-26715.html