Anh Dũng ở Câu lạc bộ Offroad Hà Nội đang chạy xe trên đường thì bỗng một bên đuôi xe bị sập xuống, rồi thấy một cái bánh xe tung tăng lăn phía trước mặt. Anh bình tĩnh từ từ phanh xe lại và xuống kiểm tra thì phát hiện bánh sau bên phụ bị tung ra. Rất may không có thiệt hại về người.
Chuyện thật nhưa bịa đó xảy ra đã lâu, nhưng đó không phải là chuyện hiếm. Mới cách đây 1 tuần, biên tập viên của Topcar Vietnam đi thay dầu định kỳ xong thì xe nổi đèn báo lỗi động cơ. Dừng lại kiểm tra mới phát hiện thấy giắc cắm cảm biến đo gió bị tháo mà chưa được lắp lại sau khi vệ sinh lọc gió.
Khi bảo dưỡng hay sửa chữa xe ở một gara thiếu chuyên nghiệp hay gặp phải kỹ thuật viên thiếu tập trung, chủ xe có thể phải hứng chịu rất nhiều rủi ro do sơ xuất của kỹ thuật viên gây nên như mất bộ phận, mất ốc, phát sinh hư hỏng khác…
Dưới đây là những câu chuyện dở khóc dở cười mà TCN ghi nhận được.
1_Bánh xe bị tung ra khi đang chạy
Khi bánh xe bị lỏng, một người lái xe có kinh nghiệm sẽ có thể nhận ra những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như có tiếng kêu lục cục phát ra ở bánh xe, xe bị lắc hoặc bị nhao lái.
Việc quên vặn chặt ốc có thể xảy ra khi kỹ thuật viên bị điều chuyển việc khác khi công việc đang dở dang, nhiều người phụ trách một xe nên người nọ nghĩ rằng người kia đã lo, hoặc đơn giản là kỹ thuật viên đãng trí do phân tán tư tưởng,…
Kinh nghiệm: Ngay khi xe được bảo dưỡng xong, bạn có thể nhắc kỹ thuật viên gara kiểm tra lại lần cuối cùng trước khi nhận xe, hoặc tự mình kiểm tra.
2_Bị phạt vì đèn không sáng
Chiếc Ford Escape của một thành viên diễn đàn OFFB đang chạy trên phố sau giờ tan tầm thì bị cảnh sát giao thông chặn lại và thông báo một bên đèn chiếu sáng không hoạt động.
Anh sực nhớ là xe của anh vừa được bảo dưỡng, và trong quá trình thay thế linh kiện có tháo bộ phận đèn chiếu sáng. Mở capo kiểm tra, anh phát hiện thấy kỹ thuật viên ở gara đã quên cắm lại rắc đèn.
Kinh nghiệm: Chủ xe hãy tự mình kiểm tra lại hoạt động các chức năng cơ bản của xe trước khi ra về, từ đèn, phanh, còi, xi-nhan, hệ thống lái…
3_Xuất hiện sự cố mới sau khi bảo dưỡng
Chiếc xe Mercedes của anh Tuấn Anh ở Mỹ Đình, Hà Nội vào gara để thay thế càng trước do bị xuất hiện tiếng lục cục. Khi thay xong, xe không còn tiếng kêu, nhưng lại bị nhao lái. Anh mang xe trở lại xưởng kiểm tra thì được biết góc đặt bánh ở bên vừa thay càng lệch rất nhiều so với bên còn lại.
Kinh nghiệm: Khi bảo dưỡng thay thế các chi tiết nào đó, kỹ thuật viên có kinh nghiệm cần tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
4_Rò rỉ dầu động cơ ở rốn sau khi thay dầu
Một buổi sáng, anh Trần Trung Thành – ở đường Lương Thế Vinh, Hà Nội phát hiện thấy một đốm đen ướt trên sàn gara nơi anh đỗ xe qua đêm. Anh nhòm xuống gầm xe thì phát hiện thấy vị trí đó thẳng với rốn dầu của động cơ xe, và đáy các-te cũng bị ướt.
Mang xe trở lại xưởng, nơi anh thay dầu xe hôm trước, kỹ thuật viên tháo ốc xả dầu ở đáy các-te ra, vệ sinh sạch sẽ cả rốn dầu và con ốc rồi lắp trở lại. Kể từ đó, hiện tượng rò rỉ dầu không còn nữa, đáy các-te cũng rất khô ráo.
Kinh nghiệm: TCN ghi nhận nhiều xưởng dịch vụ rất cẩu thả, ném các con ốc xuống sàn nhà xưởng bẩn thỉu. Đất cát bám vào và vô tình tạo nên các khe hở khi ốc được xiết vào vị trí của nó.
5_Bị mất một/một vài con ốc/con vít
Anh Việt Hoàng ở Trường Chinh, Hà Nội mang xe đi thay đèn gầm bị cháy. Trên đường về nhà, anh thấy có tiếng lẹt xẹt ở bánh trước, phía bên vừa thay bóng đèn gầm. Anh bèn dừng xe lại kiểm tra thì thấy tấm ốp chắn bùn bên trong hộc bánh xe đang lủng liểng và chạm vào lốp xe. Hóa ra, để thay được bóng đèn gầm, kỹ thuật viên đã phải tháo các vít giữ tấm chắn bùn này ra, nhưng sau đó quên lắp trở lại.
Kinh nghiệm: Việc xử lý hỏng hóc của một chi tiết đôi khi lại liên quan đến các chi tiết khác. Ngay khi xử lý xong sự cố ban đầu, kỹ thuật viên nhất thiết phải kiểm tra lại tất cả những gì liên quan bị tháo ra trước đó.
6_Vỏ xe bị trầy xước sau khi bảo dưỡng
Chị Dương Hằng ở Hoàng Mai, Hà Nội mang chiếc Kia Forte vào xưởng dịch vụ gần nhà để bảo dưỡng. Khi nhận xe và mang đi rửa, chị mới phát hiện ra rằng trên hai vai xe (cả bên lái và bên phụ) xuất hiện rất nhiều vết trầy xước nhẹ. Sau khi tìm hiểu, nguyên nhân là trong quá trình bảo dưỡng, bộ quần áo của kỹ thuật viên trà sát vào thành vỏ xe (vốn rất bẩn trước đó) và tạo ra những vết xước.
Kinh nghiệm: Thường thì các gara uy tín có khu rửa xe riêng và ốp áo bảo vệ xe trước khi tiến hành bảo dưỡng sửa chữa. Các gara nhỏ có thể không quan tâm đến việc này.
7_Nội thất bị bẩn sau khi bảo dưỡng
Nội thất màu be trên chiếc Land Rover của anh Thanh Hải ở phố Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội bị bẩn lem luốc sau khi bảo dưỡng. Kỹ thuật viên ở gara dùng khăn mềm lau đi lau lại rất nhiều lần nhưng không thể nào sạch nổi vì vết bẩn là dầu mỡ. Anh đành phải mang xe tới một trung tâm chăm sóc và rửa xe chuyên nghiệp để tẩy bằng hóa chất chuyên dùng với chi phí hơn một triệu đồng.
Kinh nghiệm: Các gara chuyên nghiệp luôn dùng áo trùm bảo vệ những vị trí mà kỹ thuật viên cần thao tác. Bạn nên chọn các xưởng dịch vụ chu đáo, chuyên nghiệp để không phải mệt mỏi mất thời gian và tiền bạc cho những việc kéo theo xảy ra.
8_Sơn xe bị rộp/phồng sau một thời gian sơn sửa
Sau vài tháng sơn sửa, nhiều chỗ trên thân vỏ chiếc xe sang của anh Dũng ở Cầu Giấy – Hà Nội đã bị phồng rộp, thậm chí có dấu hiệu gỉ đùn từ bên trong. Anh mang xe trở lại xưởng để xử lý thì phát hiện thấy các vị trí sơn sửa mới không được làm sạch bề mặt trước khi sơn chống gỉ, khiến thân vỏ xe bị gỉ từ bên trong.
Kinh nghiệm: Việc phồng rộp hay gỉ nứt ở những vị trí sơn sửa có rất nhiều nguyên nhân, có thể do ép tiến độ, do không xử lý kỹ bề mặt, hoặc không có phòng sấy sơn tiêu chuẩn, và quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người thợ.
9_Kính xe bị bám đầy bụi sơn
Chị Thanh Ngọc ở Ngọc Hồi – Hà Nội – mang chiếc xe Mazda mới mua của mình đến gara để sửa chữa vết va quệt ở cửa. Sau khi sửa chữa xong, chị nhận thấy kính lái không còn láng bóng, sờ tay lên thấy ráp ráp. Chị bèn mang xe ra trung tâm rửa xe uy tín gần nhà thì được biết kính lái của chị bị bám đầy bụi sơn và phải tẩy bằng hóa chất chuyên dùng.
Kinh nghiệm: Để sơn xe đạt chất lượng tốt nhất, mỗi xưởng dịch vụ thường phải có phòng sơn với hệ thống sấy và hút gió được thiết kế đặc biệt. Trong quá trình sơn, những bộ phận không liên quan đến việc sơn sửa cần được che chắn kỹ càng để bụi sơn bay trong không khí không bám vào các bộ phận này.
10_Xe bị mất bộ phận nào đó sau khi sửa chữa
Mội buổi sáng, anh Trần Quốc ở Cầu Giấy, Hà Nội kiểm tra xe trước chuyến đi xa, thì phát hiện thấy là có thể nhìn thấu xuống mặt đất qua các khe hở bên trong khoang máy. Hóa ra, xe của anh đã bị mất tấm chắn gầm từ lúc nào mà anh không để ý. Quay lại xưởng để hỏi, rất may là tấm chắn gầm của anh vẫn được các kỹ thuật viên cất giữ cẩn thận từ hôm bảo dưỡng toàn bộ.
Kinh nghiệm: Tại các gara nhỏ, khi xe được sửa gần xong và cần hạ cầu nâng để chạy thử, một chiếc xe khác có thể chiếm cầu nâng. Thường những thứ không trực tiếp liên quan đến hoạt động của xe có thể bị quên sau quá trình chạy thử đó.
11_Phụ tùng bị thay oan
Chiếc C200 của ông Đào Quang ở khu đô thị mới Văn Khê – Hà Nội có tiếng kêu lạch cạch mỗi khi di chuyển trên mặt đường gồ ghề. Ông mang xe đến một xưởng dịch vụ quen thì được thông báo là rô-tuyn càng trước bên lái đã bị hơi rơ và cần thay thế.
Nhưng sau khi thay càng mới, tiếng kêu vẫn không hết. Kỹ thuật viên tại xưởng bèn tiến hành kiểm tra toàn bộ các bu-lông của hệ thống treo thì phát hiện thấy một rô-tuyn cân bằng dọc bị lỏng. Sau khi xiết chặt lại con ốc này, lắp lại càng cũ, xe vận hành im phắc.
Kinh nghiệm: Việc thay oan phụ tùng xảy ra khá phổ biến. Có thể kể thêm các trường hợp như hỏng cảm biến đo gió thì gara lại thay cả bugi và lọc xăng, gạt mưa kêu và không sạch do kính lái ố mốc thì lại thay luôn cả gạt mới…
Vô-lăng sắt
Nguồn : http://topcarvn.com/nhung-hau-qua-gara-thieu-trach-nhiem-gay-ra-khi-sua-chua-xe/