Tổng cục Hải quan cho biết, số lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ ngày 13/7 đến 19/7 tăng gấp đôi so với tuần trước lên 2.040 chiếc, tương ứng tổng trị giá gần 40 triệu USD.
Trong đó, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 1.535 chiếc với trị giá hơn 27,8 triệu USD. Bình quân mỗi chiếc trị giá khoảng 18.000 USD, tương đương khoảng 400 triệu đồng.
Xe xuất xứ từ Thái Lan vẫn áp đảo về số lượng với 1.059 chiếc, phần còn lại từ Indonesia 282 chiếc và Mỹ 93 chiếc. Hầu hết số xe này được đăng ký tờ khai nhập khẩu vào Việt Nam thông qua cửa khẩu cảng TP HCM và Hải Phòng.
Ôtô trên 9 chỗ ngồi và ôtô tải cập cảng trong tuần này lần lượt đạt 96 chiếc và 380 chiếc với tổng trị giá xấp xỉ 10 triệu USD. Phần lớn số xe này cũng được đưa về từ Thái Lan, chỉ một số ít xuất xứ Nhật Bản và Trung Quốc.
Số lượng ôtô chuyên dụng các loại vào Việt Nam qua cửa khẩu Hải Phòng và Lạng Sơn trong tuần qua giảm gần 3 lần về số lượng, chỉ còn khoảng 29 chiếc với trị giá khai báo 2,2 triệu USD.
Sau thời gian dài tình hình nhập khẩu diễn biến ảm đạm, ôtô giá rẻ bắt đầu quay lại Việt Nam ồ ạt trong khoảng hai tháng gần đây. Luỹ kế tháng 7 cho thấy tổng lượng xe đăng ký tờ khai hải quan đã hơn 5.120 chiếc. Đây cũng là tháng đầu tiên trong năm nay giá trị nhập khẩu ôtô các loại (bao gồm linh kiện và phụ tùng) vượt trên 100 triệu USD.
Văn phòng Chính phủ mới đây cũng có văn bản truyền ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô tại Việt Nam. Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 Nghị định 116 về quản lý chất lượng ôtô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 yêu cầu xe hơi muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định như phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô là phải có cơ sở vật chất như nhà xưởng sản xuất, dây chuyển công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, sơn và kiểm tra chất lượng…
Một số hãng xe đánh giá đây là nguyên nhân chính cản đường về Việt Nam của xe nhập khẩu, khiến lượng xe vào thị trường giảm mạnh trong nửa đầu năm.
VnExpress