Những cơn mưa nặng hạt sẽ hạn chế tầm nhìn của tài xế khi lái xe mùa mưa bão, chưa kể đến việc đường xá trơn trượt dễ khiến ô tô mất lái, vậy chúng ta sẽ phải chú ý những gì khi rơi vào hoàn cảnh như vậy?
Nằm ở vị trí địa lý nhiệt đới ẩm, người sử dụng ô tô nước ta sẽ phải đi hết từ khó khăn này sang khó khăn khắc. Từ những ngày hè nắng nóng cục bộ cho đến cung đoạn thời gian “mưa như tát nước” kéo dài. “Sống chung với lũ” là cảnh tượng không còn quá xa lạ đối với cánh tài xế Việt Nam, vậy làm thế nào để có thể lái xe an toàn trong những ngày ngập lụt? Dưới đây sẽ là một số điểm đáng lưu ý khi lái xe mùa mưa bão.
Đảm bảo xe sẵn sàng cho những hành trình “ướt át”
Đối với những ngày mưa gió, tầm nhìn và độ bám là điều quan trọng nhất đối với mỗi người sử dụng ô tô. Chính vì vậy, hãy đảm bảo rằng cần gạt nước của xế cưng, hệ thống phanh, đèn vẫn đang hoạt động tốt. Thông thường, miếng gạt nước cần phải thay thế mỗi năm 1 lần.
Tiếp theo, lau sạch kính xe cả bên trong lẫn ngoài để giúp cho xe có tầm nhìn tốt hơn khi những hạt nước xóa nhòa thế giới. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo lốp xe không mòn quá mức độ cho phép. Ngoài ra, áp suất lốp phải đủ để tránh xe thất thoát độ bám khi gặp đường trơn trượt.
Sử dụng hệ thống sấy kính hoặc hạ kính xe
Nút bấm hệ thống sấy kính thường được bố trí trên bảng điều khiển trung tâm
Khi lái xe mùa mưa bão, hơi nước dễ tụ lái trên kính tạo thành vệt mờ cản trở tầm nhìn của người lái. Trong trường hợp như vậy, đối với những mẫu xe hiện đại thường có hệ thống sấy kính tiện lợi cho kính chắn gió trước và sau.
Nếu mưa không quá lớn, chúng ta có thể hạ kính xe hai bên xuống khoảng 5-10cm để giúp cân bằng nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong khoang cabin, bởi vệt mờ hơi nước xuất hiện trên kính xe do nhiệt độ nóng-lạnh chênh lệch. Chý ý, tài xế không nên hạ kính xe qua thấp để tránh mưa và bụi lọt vào bên trong.
Ngoài ra, sử dụng điều hòa lạnh sẽ hút dần hơi ẩm, xóa tan vết mờ hơi nước trong vài phút. Bên cạnh đó, người điều khiển ô tô cũng cần phải lưu ý, điều chỉnh hướng gió lạnh tránh chĩa thẳng vào kính lái và hai bên.
Sử dụng đèn pha
“Ích nước lợi nhà”, bật đèn pha khi di chuyển trong trời mưa không những giúp bạn quan sát đường tốt hơn mà còn để những chiếc xe lưu thông ngược chiều nhận thấy sự hiện diện của bạn. Đặc biệt trong những cơn mưa lớn, bật đèn pha là yếu tố bắt buộc giúp bạn tránh được những va chạm đáng tiếc.
Quan sát đường
Với điều kiện đường xá hay gặp nhiều hố voi, ổ gà như ở Việt Nam thì khi những cơn mưa buông xuống chúng trở thành những ác mộng dai dẳng hơn bao giờ hết.
“Mưa tránh trắng, nắng tránh đen” – châm ngôn giúp người sử dụng xe hai bánh an toàn hơn trong những ngày mưa tất nhiên khó để áp dụng đối với ô tô nhưng nên nhớ, những vũng nước thường sâu hơn những gì mà bạn nghĩ. Vậy nên để đam bảo an toàn cho mình và tránh hư hại đến xe, hay quan sát kĩ đường xá để xác định được hướng đi của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể chú ý các xe trước di chuyển để tránh gặp lỗi mà họ mắc phải.
Đi chậm, giữ khoảng cách
“Mưa không tới mặt, nắng không tới đầu” là câu nói để hình dung về những người sử dụng ô tô. Vậy nên, đừng vội vàng di chuyển nhanh trong trời mưa, đặc biệt là trong trường hợp mưa kéo dài đã lâu. Bởi nước mưa cùng bụi bẩn trộn lẫn với nhau sẽ thành hỗn hợp dễ dàng khiến xe của bạn trượt dài qua con phố. Ngoài ra, trong điều kiện dính nước, phanh sẽ hoạt động kém hơn và cần nhiều thời gian để dừng lại hơn.
Bên cạnh đó, để an toàn hơn khi lái xe mùa mưa bão, hãy đảm bảo mình và xe trước có khoảng cách dài hơn so với thường lệ. Đặc biệt, tránh xa xe tải, xe buýt và xe công-tơ-nơ để tránh nước tạt vào kính chắn gió. Bộ lốp lớn của những loại xe này dễ dàng tạt nước che khuất tầm nhìn của bạn từ đấy có thể tạo nên những nguy hiểm bất ngờ.
Một pha vượt công khá “bạo tay” của người lái (Nguồn: otofun)
Trong trường hợp nhất định phải vượt, hãy đảm bảo rằng cung đường phía trước là đường thẳng không có đoạn cua rẽ hay bẻ lái hay bất cứ chướng ngại vật gì. Bởi như đoạn video trên quý độc giả có thể thấy, nước mưa từ lốp xe công tạt ra hoàn toàn có thể che lấp hết kính chắn gió. Và chẳng may tiếp theo là đoạn rẽ thì có lẽ là ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra. Do vậy, nếu bắt buộc phải vượt, ngoài việc quan sát và ước lượng tình huống ra, tài xế ô tô tuyệt đối cần phải đảm bảo xe thẳng lái và tránh thốc ga tạo độ trượt cho bánh.
Không dùng phanh tay khi trượt
Trong trường hợp chẳng may bị trượt thì người cầm lái phải giữ được bình tĩnh, không dùng phanh tay để giảm tốc độ mà nhả chân ga từ từ. Tuyệt đối không được vội, bởi nếu nhả chân ga gấp thì xe sẽ bất ngờ bị giật và từ đấy gia tăng thêm độ trượt. Kế đến, hãy điều chỉnh lái để xe đi thẳng dần cho tới lúc ổn định, rà phanh chân đều để loại bỏ nước từ đó giúp xe cân bằng trở lại.
Không thốc ga khi ngập
Khi bắt buộc phải đi qua đoạn ngập úng nước nặng, tài xế lái ô tô cần tránh thốc ga đột ngột mà nên giữ ga đều ở số thấp, điều này sẽ tránh cho nước bị hút nhiều vào pô từ đấy xảy ra tình trạng chết máy. Trong trường hợp chết máy, không nên cố gắng khởi động lại mà hãy nhờ đến sự trợ giúp của cứu hộ.
Nguồn : http://m.tinxe.vn/tu-van-ky-thuat/lai-xe-mua-mua-bao-tai-xe-can-chu-y-gi-ad20180717160151859