Rút kinh nghiệm đời cũ, ở thế hệ 2017 của mẫu bán tải Hilux thì Toyota đã có những quyết định đúng đắn kịp thời, bổ sung những tính năng còn thiếu sót, mà đặc biệt là việc thay thế động cơ KD-FTV cũ bằng thế hệ GD-FTV ưu việt hơn về mọi mặt.
Xét về mặt nội ngoại thất, Hilux mới gần như không có thay đổi gì đáng kể so với đời trước. Tuy nhiên, nằm ẩn mình bên dưới lớp áo này là hàng loạt những cải tiến bổ sung đáng hoan nghênh. Tại bảng điều khiển trung tâm, ta dễ dàng nhận ra sự hiện diện của một màn hình cảm ứng 7 inch mới, cung cấp hình ảnh từ camera lùi gắn phía sau xe – đây là một bổ sung tuy nhỏ nhưng đã tăng tính tiện dụng và an toàn ở Hilux.
Lướt mắt một vòng quanh cabin, chúng tôi lập tức nhận thấy một chi tiết mới đáng chú ý ở Hilux 2017 mà đời cũ không có: hai nút kích hoạt của hai chế độ lái ECO và POWER đặt bên cạnh cần số. Không chần chờ gì nữa, chúng tôi lập tức đưa vào thử nghiệm hai chế độ lái này, đầu tiên là ECO. Đưa xe lên cao tốc hướng ra phía ngoại thành, chúng tôi khởi động chế độ ECO, bấm lại đồng hồ để canh quãng đường nhằm đo mức tiết kiệm nhiên liệu.
Mấu chốt của chế độ ECO là ở việc điều chỉnh lại độ nhạy bướm ga và chân ga, đồng thời giảm tải máy lạnh để tăng mức tiết kiệm nhiên liệu. Trong suốt quá trình lăn bánh với ECO Mode trên đường nhựa, xe vẫn giữ nguyên khả năng tăng tốc và công suất máy không hề bị ảnh hưởng, nhưng tiêu tốn ít nhiên liệu hơn.
Trong khi đó, chế độ POWER đem lại khả năng tăng tốc ‘bén’ hơn, cảm giác động cơ xe phản hồi nhanh và nhạy hơn rất nhiều. Chế độ này trở thành một công cụ rất hữu ích khi xe chúng tôi bắt đầu qua những cung đường có nhiều đoạn cua gắt trái-phải liên tiếp. POWER Mode cũng thể hiện khả năng rất tốt khi thử nghiệm với màn off-road, đưa xe di chuyển linh hoạt trên đường đất và đường đèo dốc.
Ở Hilux 2017, Toyota đã quyết định loại bỏ động cơ KD-FTV già cỗi (được sử dụng từ những năm 2000-2001 cho đến nay), thay vào đó là một thế hệ động cơ GD-FTV máy dầu tăng áp hoàn toàn mới. Dễ nhận thấy trước nhất là Hilux với động cơ mới đã không còn sử dụng hốc hút gió đặt trên nắp ca-pô như đời cũ. Mẫu xe chạy thử của chúng tôi là bản 2.8G 4X4, trang bị phiên bản 1GD-FTV dung tích 2,8L; các biến thể số sàn của Hilux sử dụng động cơ 2GD-FTV dung tích 2,4L.Ngay khi nhấn ga lăn bánh, chúng tôi lập tức nhận thấy được sự vượt trội của xe so với bản 3.0G dùng máy KD-FTV cũ. Xe tăng tốc rất mượt và nhạy, không cảm nhận được độ trễ tăng áp và thêm vào đó là độ ồn khi vận hành được giảm đáng kể, cho dù là đang đứng bên ngoài hay ngồi trong cabin xe. Điều này cho thấy động cơ mới hoạt động êm ái hơn, và Toyota cũng đã cải thiện khả năng cách âm của Hilux mới. Với dung tích thực 2755cc, động cơ I4 DOHC này đem lại công suất 174 mã lực, tăng 15% so với mức 160 mã lực của bản 3.0 cũ; mô-men xoắn của xe giờ đây đạt 450Nm, tăng hơn 25% đời trước.
Bên cạnh động cơ mới, khả năng tăng tốc ấn tượng của Hilux 2017 còn có sự đóng góp không nhỏ của hộp số tự động sáu cấp mới. Thay thế cho hộp số 5 cấp cũ, hộp số tự động 6 cấp giờ đây có dải tỉ số truyền được mở rộng hơn; cơ chế hoạt động ‘thông minh’ cũng cho phép điều chỉnh số phù hợp hơn với tua máy. Thử nhấn ga đột ngột để vượt xe, chúng tôi thấy hộp số vẫn duy trì số thấp để tận dụng công suất mạnh hơn ở tua máy cao của dải số thấp này.
Bộ tăng áp trên Hilux 2017 là một sản phẩm hoàn toàn mới từ các kỹ sư Toyota, giờ đây có kích thước nhỏ hơn 30% và được trang bị tua-bin cùng quạt gió mới. Hệ thống tăng áp này đem lại độ phản hồi chân ga gần như lập tức, đồng thời cho phép động cơ có thể đạt đến mô-men xoắn cực đại ở dải vòng tua rộng hơn. Kết hợp với chế độ lái POWER và mô-men tối đa 450Nm của động cơ mới, chúng tôi dễ dàng nhận thấy khả năng off-road và xử lý địa hình xấu của xe vượt trội hơn hẳn bản 3.0G cũ.
Ở thế hệ Hilux 2016, Toyota Việt Nam đã bổ sung một thiếu sót so với những đời trước đó: trang bị hệ hống ổn định thân xe bằng điện tử VSC, đây là một tính năng rất cần thiết đối với bản tải, và hầu như đối thủ nào cũng có. Sang đến Hilux 2017, khi kết hợp với động cơ mới, hệ thống này càng phát huy vai trò tốt hơn nữa.
Nếu so sánh giữa hai đời xe mới/cũ thì cảm giác lái giờ đây yên tâm hơn hẳn; ta có thể cảm nhận rõ Hilux mới vào cua và chạy đường zic-zắc một cách vững vàng hơn, loại bỏ hoàn toàn cảm giác bồng bềnh vốn có trước kia. Chúng tôi đã thử nghiệm trên nhiều loại địa hình bao gồm đường đất gồ ghề, lên xuống dốc cao hoặc đèo cát lún, Hilux đều tự tin vượt qua dễ dàng nhờ công suất và sức kéo trội hơn của động cơ GD-FTV.
Với việc tận dụng động cơ mới GD-FTV, Hilux đã trở nên hoàn chỉnh với một ‘trái tim’ xứng tầm; những trang bị bổ sung cũng góp phần đáp ứng đầy đủ những công năng hoạt động của một chiếc bán tải thực thụ. Trong khi đó, những tiện nghi tuy nhỏ nhưng rải rác khắp xe đem lại cho người lái một cảm giác hài lòng, yên tâm khi cầm lái. Về ngoại thất, Hilux 2.8G có cụm đèn pha thông minh tự động bật tắt, đèn chờ dẫn đường hữu ích.
Bên trong là hốc gió cho hàng ghế sau, một tiện nghi hiếm thấy ở bán tải; mức đánh giá độ an toàn cũng được nâng tầm bởi hệ thống an toàn 7 túi khí, bao gồm cả túi khí đầu gối cho người lái. Và cuối cùng là chìa khóa thông minh - một tiện nghi hiếm khi được trang bị cho bán tải - rất hữu dụng khi phải vừa khuân vác đồ đạc mà lại cần mở cửa.
Theo VnMedia