Nếu là cách đây vài tháng, Gionee Gpad G5 không quá nổi bật trong phân khúc sản phẩm giá trên 4 triệu đồng thì ở thời điểm hiện tại, đây là chiếc phablet đang dành được rất nhiều sự quan tâm của người dùng bởi màn hình lớn có chất lượng hiển thị khá, hiệu năng tương xứng với giá thành, mặc dù vẫn còn hạn chế ở thời lượng pin và thiết kế mảnh mai khiến cảm giác cầm, nắm chưa tốt.
Có được điều này bởi model của Gionee đang nằm trong đợt giảm giá sốc, từ 4,290,000 đồng xuống còn 2,590,000 đồng; áp dụng tại tất cả cửa hàng FPTShop trên toàn quốc.
Trên tay Gionee Gpad G5
1. Thiết kế
Về ngoại hình, Gionee Gpad G5 trông nam tính và khỏe khắn nhờ thiết kế góc cạnh. Tuy nhiên, những khách hàng là nữ vẫn có thể lựa chọn chiếc phablet của Gionee bởi thân máy có kích thước khá mỏng (7,9 mm), trọng lượng không quá nặng (146 g), đồng thời đi kèm tùy chọn mặt lưng màu trắng trông khá nhẹ nhàng.
Điểm yếu trên thiết kế của Gionee Gpad G5 đó là cảm giác cầm, nắm máy trên tay chưa thật sự tốt. Bốn góc của máy khá 'sắc' nên khi sử dụng thì sẽ thấy cấn tay, đặc biệt là trong khoảng thời gian dài. Ngoài ra, phần mặt lưng của máy hoàn thiện bằng nhựa cứng, hơi trơn và không được chắc tay. Bề mặt này còn dễ bị bám bẩn bởi mồ hôi và dấu vân tay, nhất là trên phiên bản màu trắng.
Ngoài ra, viền màn hình của máy khá dày, ở cả phần trên, phần dưới cũng như hai bên. Vì thế, trong quá trình trải nghiệm có cảm giác không gian màn hình bị thu hẹp đi. Tất cả nút cứng được đặt bên phía cạnh phải, bao gồm nút nguồn và hai phím tăng, giảm âm lượng, lệch về phía bên trái ở cạnh dưới là cổng kết nối microUSB còn cạnh trên là vị trí của jack cắm tai nghe 3,5 mm.
Nhìn chung, trong quá trình sử dụng thì tốt nhất là bạn nên cầm máy bằng cả hai tay để tránh trường hợp bị rơi rớt cũng như gặp khó khăn trong việc thao tác.
2. Màn hình
Thiết kế còn một vài hạn chế nhưng màn hình lại là điểm nổi bật của Gionee Gpad G5. Như đã nói ở trên, máy có kích thước 5,5 inch với độ phân giải HD (1280x720 pixel), sử dụng tấm nền IPS.
Trải nghiệm cho thấy chất lượng hiển thị của Gionee Gpad G5 rất tốt, màu sắc khá trung thực, góc nhìn tốt, độ tương phản vừa phải và màu đen dù chưa thật sự sâu nhưng vẫn đủ dùng khi xem hình ảnh hoặc xem phim. Chất lượng âm thanh cũng như âm lượng từ 2 loa tích hợp ở mặt sau ở mức khá, đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản.
Nhìn chung, không có gì để phàn nàn về màn hình của một thiết bị có mức giá chỉ hơn 2 triệu đồng như vậy.
3. Phần mềm, hiệu năng, thời lượng pin
Gionee Gpad G5 hiện đang chạy hệ điều hành Android 4.4.4 KitKat. Giao diện của máy khá đơn giản, dễ làm quen với thiết kế mặc định gồm 5 giao diện màn hình khác nhau và mục cài đặt chính (Settings) được phân nhóm thành 2 tùy mục khá rõ ràng.
Mặc dù là một sản phẩm nằm trong phân khúc giá rẻ nhưng Gpad G5 được Gionee ưu ái trang bị một số tính năng thông minh, khá hữu ích trong quá trình sử dụng như Double click wave (nhấn 2 lần để mở khóa màn hình), smart dial và smart answear (tự động thực hiện cuộc gọi hoặc trả lời cuộc gọi khi để điện thoại gần tai).
Tuy nhiên, cách bố trí ứng dụng, sắp xếp cũng như các biểu tượng icon được thiết kế chưa thật sự đẹp mắt, còn khá cũ kỹ và rối rắm. Ngoài ra, có khá nhiều phần mềm không thật sự cần thiết làm chiếm dung lượng lưu trữ trên Gpad G5. May mắn là người dùng có thể xóa bỏ chúng một cách dễ dàng.
Về mặt phần cứng, Gionee Gpad G5 trang bị bộ xử lý 6 nhân MediaTek MT6591 xung nhịp 1,5 Ghz, tích hợp nhân đồ họa Mali-450 MP, RAM 1 GB, bộ nhớ trong dung lượng 8 GB, có thể mở rộng thông qua khay cắm thẻ nhớ microSD.
Trải nghiệm ban đầu cho thấy máy đáp ứng tốt các tác vụ cơ bản như duyệt web, nghe gọi, nhắn tin hay lướt Facebook. Tuy nhiên, khi xử lý những tác vụ yêu cầu đồ họa cao như chơi game, xem phim độ phân giải cao hay đa nhiệm thì Gpad G5 gặp một vài vấn đề, bắt đầu xuất hiện độ trễ nhưng không nhiều. Ngoài ra, tốc độ khởi động những ứng dụng nặng cũng khá chậm.
Viên pin của Gionee Gpad G5 có dung lượng 2400 mAh, rất ít so với một thiết bị có kích thước lớn như vậy. Do đó, thông thường thì máy chỉ có 'trụ' được trong khoảng gần một ngày cho các tác vụ cơ bản như nghe gọi, nhắn tin, duyệt web qua kết nối Wi-Fi,... Nếu sử dụng với cường độ cao hơn và cần đến kết nối 3G thì model này chỉ đáp ứng được trong khoảng hơn nửa ngày.
3. Camera
Camera trước, sau của máy có độ phân giải lần lượt là 2 MP và 8 MP. Trong điều kiện ánh sáng tốt, cụm camera tích hợp trên Gpad G5 cho hình ảnh có độ chi tiết khá tốt, màu sắc vẫn còn giữ lại, không có hiện tượng bị bệt quá nhiều nhưng khả năng lấy nét của máy chưa thật sự ổn định.
Giao diện ứng dụng chụp ảnh tuy đơn giản, nhưng cũng hỗ trợ khá nhiều tùy chọn nâng cao trải nghiệm chụp ảnh bằng smartphone.
Trong môi trường thiếu sáng, hình ảnh/video xuất hiện nhiễu hạt khá nhiều. Cụm đèn flash tích hợp dù phần nào giúp cải thiện tình trạng này, nhưng vẫn khiến hình ảnh bị ngả vàng nhẹ.
Công bằng mà nói, chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở chất lượng ảnh chụp từ một sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ, vốn quan tâm nhiều hơn tới thiết kế và hiệu năng.
Với mức giá hơn 2 triệu đồng một chút, Gionee Gpad G5 mặc dù còn khá nhiều điểm yếu nhưng lại là một sản phẩm có hiệu năng vừa đủ, thiết kế khá tốt, màn hình đẹp, vừa vặn với số tiền phải bỏ ra. Sản phẩm phù hợp với những người yêu thích màn hình lớn dùng cho nhu cầu giải trí, chơi game hoặc phim ảnh. Tuy nhiên, thời lượng pin không tốt sẽ là điểm mà bạn nên cần nhắc.
Đặt mua Gionee Gpad G5
Duy Lê