TCN điểm 5 sự kiện nóng nhất của thị trường ô tô năm 2017.
1. Siết ô tô nhập khẩu
Nghị định 116/2017 về kinh doanh ô tô sản xuất và nhập khẩu với nhiều quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ sau: Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ôtô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô ở nước ngoài; Tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ôtô đó… Ngoài ra, phải kiểm tra theo quy định với từng lô xe về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật).
Quy định mới khiến hoạt động nhập khẩu ô tô năm 2018 gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chạy đua với thời gian trước 1/1/2018 là thời điểm có hiệu lực của Nghị định 116. Lượng xe nhập khẩu tại đại lý của rất nhiều hãng lớn đều sạch bóng, giá tăng cũng không có hàng mà bán...
2. Cuộc chiến giảm giá ô tô
Năm 2017 chứng kiến sự đi xuống của thị trường ô tô Việt Nam do tâm lý khách hàng chờ đợi 2018 giá xe sẽ rẻ do mức thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%. Việc doanh số sụt giảm khiến các hãng hãng phải tung ra các chương trình giảm giá để kích cầu tiêu dùng với các mức giảm lớn và quy mô chưa từng có trong lịch sử. Tham gia cuộc đua không chỉ có Thaco, mà còn có các ông lớn như Toyota, Honda, Ford, GM, Hyundai...
Nổi bật nhất là đầu tháng 9/2017, mẫu Honda CR-V đã tạo nên một cơn bão giảm giá với mức giảm gần 200 triệu đồng, mức giá giao dịch thực tế thấp nhất mà chúng tôi ghi nhận được với xe Honda CR-V mới xuống khoảng 680 triệu đồng với bản CR-V 2.0 và 770 triệu đồng với bản 2.4TG. Ngoài ra, trong năm 2017, hàng loạt mẫu xe hút khách như Toyota Vios, Kia Morning hay Mazda3 cũng không nằm ngoài cuộc chơi, với mức giảm 20 – 80 triệu đồng tùy từng mẫu xe và phiên bản.
3. VinGroup tham gia thị trường ô tô
Ngày 2/9/2017, Tập đoàn VinGroup đã khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Khu kinh tế Cát Hải – Hải Phong. Đây là bước đi đầu tiên cho việc gia nhập lĩnh vực công nghiệp ô tô của VinGroup. Tổ hợp VinFast có quy mô 335 ha, sản xuất ô tô động cơ đốt trong, ô tô điện và xe máy điện, tới tổng vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD.
Cùng với đó, VinFast cũng có những nhân sự cấp cao đáng chú ý như ông James B. Deluca, cựu Phó chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu của General Motors, giữ chức Tổng giám đốc nhà máy sản xuất VinFast. Ông Võ Quang Huệ, cựu Tổng giám đốc của hãng Bosch Việt Nam, chuyển sang làm Phó Tổng giám đốc phụ trách VinFast.
Kế hoạch của VinFast là sau 24 tháng sẽ xuất xưởng chiếc sedan 5 chỗ và SUV 7 chỗ đầu tiên, có tỷ lệ nội địa hóa 60% và công suất nhà máy đạt 500.000xe/năm vào năm 2025. Chỉ sau 1 tháng khởi công, VinFast cũng đã công bố 20 mẫu thiết kế: 10 mẫu sedan và 10 mẫu SUV cho người Việt bình chọn, là nguồn để VinFast thiết kế mẫu xe cho người Việt trong thời gian tới.
4. Thaco thâu tóm 3 thương hiệu ô tô BMW, MINI và FUSO tại Việt Nam
Đầu năm 2018, Thaco sẽ chính thức trở thành nhà đầu tư và nhập khẩu xe BMW, MINI và FUSO tại thị trường Việt Nam. Tháng 9/2017, Thaco đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn BMW Châu Á, qua đó sẽ là đối tác chính thức tiếp theo đầu tư và nhập khẩu xe BMW và MINI tại Việt Nam kể từ 1/1/2018. Sau đó, Thaco tiếp tục thâu tóm thêm thương hiệu xe tải Fuso từ Mercedes Benz Việt Nam. Tới thời điểm hiện tại ,Thaco đã nắm trong tay 6 nhãn hiệu ô tô gồm Mazda, Kia, Peugeot, BMW, MINI và FUSO, chưa kể quyền phân phối xe mô tô phân khối lớn BMW mang tên Motorrad.
Thaco đang có 6 nhà máy lắp ráp tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), 12 nhà máy công nghiệp phụ trợ, trung tâm R&D... với tổng diện tích 400 ha.
5. Hyundai Thành Công đẩy mạnh lắp ráp
Không tham gia Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, nhưng Hyundai là hãng xe đứng thứ hai thị trường ô tô Việt Nam về dòng xe du lịch, sau Toyota.
Năm 2017 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Hyundai Thành Công khi lập liền hai liên doanh với Hyundai Hàn Quốc để sản xuất lắp ráp trong nước quy mô lớn với xe du lịch và xe thương mại. Hàng loạt mẫu xe được lắp ráp, trong đó nổi bật nhất là mẫu xe du lịch Hyundai có doanh số lớn nhất là i10 chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc Ấn Độ sang lắp ráp tại Việt Nam.
Ngoài ra, trước khi lập liên doanh xe thương mại, Hyundai Thành Công cũng thâu tóm về một mối duy nhất với quyền sản xuất, phân phối xe thương mại Hyundai tại Việt Nam. Trước đó, xe thương mại Hyundai như thương hiệu trăm hoa đua nở, có cả Thaco, Nam Việt, Hyundai Thành Công cùng lắp ráp, phân phối...
Hà Lê (Tổng hợp)