Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2016, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 với việc sửa đổi quy định cập nhật bảng giá tính lệ phí trước bạ tính đến thời điểm này (sau hơn 9 tháng thực hiện) đã bộc lộ một số hạn chế. Dưới góc nhìn của một người đang làm việc trong ngành ôtô, tôi muốn nêu những vấn đề sau:
Người Việt mua xe giảm giá nhưng không được giảm phí trước bạ
Cơ quan thuế chỉ cập nhật giá tính lệ phí trước bạ nếu giá xe thay đổi từ 20% trở lên so với giá trong bảng giá hiện hành. Điều này có nghĩa là nếu hiện tại một xe tầm trung có giá 700 triệu đồng giảm 19% giá xuống còn 567 triệu đồng thì khách hàng vẫn phải nộp lệ phí trước bạ theo giá 700 triệu đồng do mức giảm chưa đủ 20%. Như vậy, nếu mức lệ phí là 12% thì thay vì nộp 68 triệu đồng (12%x567 triệu) thì khách hàng vẫn phải nộp 84 triệu đồng (12%x700 triệu) tiền lệ phí trước bạ, chịu thiệt đến 16 triệu đồng.
Cơ sở của việc lấy con số 20% cũng chưa được các cơ quan làm chính sách giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, xét theo đặc thù của ngành ôtô, để tăng cường cạnh tranh, các hãng xe sẽ phải thường xuyên thay đổi thông số kỹ thuật và giá xe để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Mức thay đổi 20% là rất lớn và hiếm khi xảy ra đặc biệt là đối với các xe tầm trung và xe hạng sang. Nếu có xảy ra thì cũng chỉ có thể vào thời điểm kết thúc vòng đời sản phẩm và cho ra đời mẫu xe mới.
Ví dụ như mẫu xe Vios hay Innova của Toyota, trung bình phải 4 đến 5 năm mới ra xe mới và thay đổi giá lớn một lần. Vậy theo quy định này, nếu trong 4 hay 5 năm mà 2 mẫu xe này có chiến dịch giảm giá, hay thậm chí tăng giá mà chưa đến 20% thì mức giá tính lệ phí trước bạ vẫn không thay đổi.
Vấn đề này lại được dịp nóng lại theo chiến dịch giảm giá trong thời gian này của các hãng xe. Nhiều khách hàng đã phản ứng rất mạnh khi cơ quan thuế đưa ra mức áp lệ phí trước bạ cao hơn rất nhiều so với giá mua thực tế. Do không hiểu chính sách, khách hàng quay lại khiếu nại, phàn nàn với doanh nghiệp và doanh nghiệp lại phải kiêm thêm nhiệm vụ giải thích chính sách cho khách hàng của mình.
Ngược lại, trong trường hợp các mẫu xe này tăng giá không đủ 20% thì cơ quan thuế vẫn phải thu theo mức cũ thấp hơn, dẫn đến việc thu không đúng không đủ, gây thiệt hại ngân sách.
Không theo kịp sự thay đổi của thị trường
Trước 1/1/2017, cơ quan phê duyệt cập nhật bảng giá tính lệ phí trước bạ được giao cho cục thuế/sở tài chính của các tỉnh/thành phố.
Tuy nhiên, theo quy định mới, Bộ Tài chính mới là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cập nhật bảng giá tính lệ phí trước bạ này. Quy định như vậy khiến cho quy trình phê duyệt phải qua rất nhiều cơ quan từ cục thuế/sở tài chính lên đến Tổng cục thuế rồi mới lên đến Bộ Tài chính.
Việc phải qua nhiều cơ quan như vậy làm tốn rất nhiều thời gian và làm chậm trễ đáng kể quá trình cập nhật bảng giá mới, khiến cho bảng giá tính lệ phí trước bạ không theo kịp sự thay đổi của thị trường. Ví dụ như từ đầu năm 2017 đến nay, giá xe ôtô thay đổi giảm theo từng tháng, thậm chí từng tuần thì Bộ Tài chính mới chỉ ban hành hai quyết định cập nhật giá. Điều này khiến cho giá trong bảng giá tính lệ phí trước bạ một số xe có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với giá thực tế trên thị trường.
Quy định để Bộ Tài chính là đơn vị ban hành bảng giá tính lệ phí trước bạ áp dụng cho cả nước trên thực tế sẽ giúp đảm bảo công bằng cho khách hàng vì mức giá áp lệ phí trước bạ sẽ giống nhau trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế chứng mình tiến độ thực hiện việc ban hành bảng giá thời gian qua là chưa phù hợp và Bộ Tài chính cần xem xét đẩy nhanh quy trình thực hiện để theo kịp sự thay đổi của thị trường.
Mong muốn từ người dân và doanh nghiệp
Khi nghị định 140/2016/NĐ-CP mới được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2017, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA đã nhiều lần gửi thư kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền đề nghị sửa đổi lại quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của ngành. Tuy nhiên, kiến nghị này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thị trường ô tô từ nay đến năm 2018 sẽ còn có nhiều biến động khi giá nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0% khiến cho việc cạnh tranh giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu ngày càng gay gắt. Điều này sẽ càng khiến thị trường ô tô có nhiều biến động và việc các hãng thay đổi giá xe để phù hợp với nhu cầu của khách hàng sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Vì vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để cơ quan thuế xem xét và cân nhắc giải pháp phù hợp cho vấn đề này nhằm đảm bảo tính hợp lý, kịp thời và công bằng của chính sách cũng như để người dân yên tâm thực hiện quyền và nghĩa vụ nộp thuế của mình.
Theo Như Phương (VnExpress)