10 nút giao thông dưới đây là những điểm khiến cho các lái xe phải đau đầu nhất khi muốn xác định hướng đi.
Giao lộ Gravelly Hill, Birmingham, Vương quốc Anh
Nhờ điểm giao cắt này, tất cả những phức tạp trên hành tinh chúng ta có thể gói gọn trong ngôn từ 'điểm giao cắt mì ống”. Tên gọi này được Roy Smith, phóng viên báo Birmingham Evening Mail, mô tả trên báo ngày 1/6/1965 rằng dự án xây dựng nút giao cắt chưa hoàn tất giống như “sự giao thoa giữa một đĩa spaghetti với nỗ lực không thành công tại nút Staffordshire' và người biên tập đã giật tít bài là “Điểm giao cắt mì ống”. Thuật ngữ này vẫn tồn tại, và nay hầu như tất cả các điểm giao cắt phức tạp đều tôn vinh món ăn trứ danh của Italy.
Giao lộ Gravelly Hill, đưa vào hoạt động năm 1972, với 6 cấp độ để có thể di chuyển theo 18 con đường. Bên dưới là 2 tuyến đường sắt, 2 con sông và 3 kênh. Đây là một trong những nút giao thông đường bộ phức tạp nhất ở Anh.
Nút giao thông Gravelly Hill là điểm nút nơi xa lộ M6 giao cắt với đường cao tốc Aston A38 (M) ở khu vực Gravelly Hill của Birmingham. Nút giao thông này khai trương ngày 24/5/1972. Đây là nút giao cắt giữa đường A38 (Tyburn Road), A38 (M) (đường cao tốc Aston), đường A5127 (Lichfield Road/Gravelly Hill) và một số đường địa phương chưa được phân loại. Nó trải trên diện tích 12 ha, phục vụ cho 18 tuyến đường trong đó có 4km đường chống trơn trượt. Nút giao thông này có 5 cấp độ khác nhau, xây dựng trên 559 cột bê tông, với chiều cao lên tới 24,4m. Các kỹ sư đã phải đưa 21,7km đường ôtô lên cao để tránh 2 tuyến đường sắt, 3 kênh, và 2 con sông.
Nút giao thông Judge Harry Pregerson, Los Angeles, Mỹ
Nút giao thông mang tên thẩm phán Harry Pregerson này là một trong những nút giao thông đường bộ phức tạp nhất không chỉ ở Mỹ mà cả trên thế giới. Nó gồm 34 đường đan xen nhau trên 5 cấp độ, cao 40m, trong đó có một tuyến đường tàu điện ngầm và một tuyến đường xe buýt chuyển tải. Mỗi ngày có 600.000 phương tiện qua lại nút giao thông này.
Sở dĩ nút giao thông lấy tên thẩm phán Harry Pregersona bởi vị cựu thẩm phán liên bang lâu năm đã chủ tọa vụ kiện liên quan tới viêc xây dựng xa lộ I-105, chính vì vậy ông cũng được xem như cha đẻ của nút giao thông. Harry Pregersona đã 94 tuổi và đang sống ở Los Angeles. Nút giao thông Judge Harry Pregerson khai trương năm 1993 cùng với xa lộ I-105.
Năm 1996 Cục Đường bộ LB Mỹ đã trao danh hiệu 'Kỹ thuật diệu kỳ' cho thiết kế tuyệt vời của nút giao thông này.
Nút giao thông Springfield, Springfield, Virginia, Mỹ
Đây là một trong những nút giao thông đông đúc nhất ở Mỹ với lưu lượng 430.000 xe/ngày. Dự án nút giao thông Springfield (hay Mixing Bowl) được thưc hiện trong thời gian 8 năm, theo 7 giai đoạn, khởi công tháng 3/1999, hoàn công tháng 7/2007. Nó là nơi giao cắt giữa các đường xalộ I-95, I-395, và I-495 (Capital Beltway) và là một trong những điểm nóng tai nạn giao thông trên đường vành đai xung quanh thủ đô nước Mỹ (Capital Beltway). Tại điểm nút này đã xảy ra 179 tai nạn giao thông trong thời gian 2 năm giám sát. Dự án đã bổ sung 50 cầu với điểm lòng đường rộng nhất có 24 làn xe.
Với số tiền xây dựng kỷ lục 676 triệu USD, gấp 3 lần so với dự trù ban đầu, nút giao thông Springfield được xem là một trong những dự án đường bộ tốn kém nhất nước Mỹ.
Nút giao thông Oyamazaki, Osaka, Nhật Bản
Nút giao thông Oyamadzaki được xem là nút giao thông 'xoắn' nhất tại Nhật Bản. Tại nút giao thông giống như đường đua này, trước khi có thể rẽ đúng hướng, bạn cần phải đi vài vòng, và rốt cuộc có thể hoàn toàn mất phương hướng. Đây là nút giao thông “hoàn hảo” vì lái xe có thể rẽ bất cứ hướng nào. Nó gồm 2 tuyến đường trả tiền giao cắt với một số tuyến đường địa phương và đường tàu hỏa cao tốc Shinkanshen ở dưới.
Nút giao thông Oyamazaki giúp bạn có thể rẽ vào bất cứ hướng nào.
Gate Tower Building, Osaka, Nhật Bản
Đây là chiếc cầu vượt duy nhất trên thế giới đi xuyên qua tòa nhà hình tròn cao 16 tầng ở độ cao từ tầng 4 đến tầng 7. Nút giao thông này được xây dựng năm 1992 là nút thoát của đường Ikeda ra khỏi hệ thống đường cao tốc Hanshin. Tòa nhà được xây dựng với lõi kép, có mặt cắt ngang tròn, trên nóc có bãi đỗ trực thăng. Con đường đi qua mà không gây ảnh hưởng tới tòa nhà do quá trình xây dựng đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đặc biệt để tòa nhà không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và sự rung lắc.
Tower Gate Building đóng vai trò như một cầu vượt. Điều đáng chú ý là các chủ sở hữu con đường thường xuyên trả tiền thuê cho chủ sở hữu tòa nhà để sử dụng cơ sở hạ tầng từ tầng 5 đến tầng 7.
Cầu Nanpu, Thượng Hải, Trung Quốc
Nút giao cắt này là một vòng xoay độc đáo, cho phép chia lưu lượng giao thông thành 3 luồng đồng thời đóng vai trò đường dẫn lên cầu cho các phương tiện di chuyển sang bờ bên kia cây cầu bắc qua sông Hoàng Phố. Sau khi “con rồng” Nanpu hoàn thành và đưa vào lưu thông, mỗi ngày có khoảng 14.000-17.000 lượt xe cộ qua lại, trở thành cây cầu nhộn nhịp nhất Trung Quốc. Người đưa ra ý tưởng hình xoáy ốc độc đáo là cậu bé 9 tuổi Dương Minh. Trong hàng vạn bản thiết kế cây cầu trình lên lãnh đạo thành phố, bản vẽ của Dương Minh đã thuyết phục cả chính quyền lẫn các chuyên gia. Các kiến trúc sư đánh giá bản thiết kế đạt hiệu quả rất cao cả về kinh tế lẫn bối cảnh quy hoạch và thẩm mỹ của một thành phố hiện đại như Thượng Hải. Cũng chính nhờ sáng kiến này, Dương Minh được chính quyền Thượng Hải tặng một căn hộ cao cấp ngay tại trung tâm.
Cầu Nanpu có tổng chiều dài 8.346m, chiều cao của tháp bê tông là 150m.
Puxi Viaduct, Thượng Hải, Trung Quốc
Nút giao thông khổng lồ 6 cấp này là giao lộ giữa đường Nanbei và đường Yan’an nằm ở Puxi - trung tâm lịch sử của Thượng Hải. Đây là một trong những nút giao thông phức tạp nhất ở châu Á và trên thế giới, cho phép hàng ngàn xe qua lại mỗi giờ trên 6 cấp cầu song vẫn không quên đường ngang qua đường cho người đi bộ và đường ngang dành cho phương tiện địa phương.
Ban ngày Puxi Viaduct trông như một khu vườn, còn ban đêm lung linh ánh đèn.
Porta Maggiore, Rome, Italy
Porta Maggiore dịch từ tiếng Italy là “cổng lớn '. Thiết kế cổng vòm kép khổng lồ được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng này đầu tiên còn được biết đến với tên gọi Porta Prenestina, có lẽ theo tên con đường chạy qua nó (Via Praenestina). 'Cổng lớn' được Hoàng đế La mã Claudius xây dựng năm 52 sau Công nguyên, ban đầu thiết kế như phần trang trí cho Cổng Claudia và Cổng Novus. Vào thời điểm đó, các cổng này án ngữ những con đường cổ Via Labicana và Praenestina để hình thành một vòng cung chiến thắng để chinh phục thiên nhiên và người chinh phục là Hoàng đế Claudius. Bất cứ khi nào đi bằng taxi tới giao lộ, bạn sẽ đều cảm thấy ngỡ ngàng trước cách thức người lái xe taxi xác định hướng đi giữa vô vàn những mái vòm và đường xe điện.
Được hình thành xung quanh các kênh dẫn cũ, chuyển động xung quanh Porta Maggiore có thể dẫn một lái xe chuyên nghiệp tới ngõ cụt.
Khải hoàn môn, Paris, Pháp
Mười hai con đường hội tụ tại Khải hoàn môn, và trong số đó có đại lộ chính của thủ đô nước Pháp - Champs-Elysees. Hoạt động giao thông xung quanh Khải hoàn môn có thể xem là hỗn loạn. Nếu không thấy tháp Eiffel trên đường chân trời, bạn có thể nghĩ mình đang ở đâu đó tại khu vực Đông Nam Á. Nút giao thông này không có đèn tín hiệu giao thông. Nói chính xác hơn, tất cả các đèn tín hiệu giao thông được bố trí ở các ngả rẽ khỏi quảng trường, để nhường đường cho người đi bộ.
Một số công ty bảo hiểm khẳng định họ sẽ không bồi thường tổn thất trong trường hợp xảy ra tai nạn tại quảng trường Etoile (Ngôi sao) vốn được xem như một điểm đen trên bản đồ Paris. Vì vậy quảng trường Etoile, hay quảng trường Tướng Charles de Gaulle - nơi tọa lạc Khải hoàn môn, thường xuyên được xem là một trong những giao lộ khó đi nhất trên thế giới.
Quảng trường Taganka, Moscow, Nga
Giao thông tại Quảng trường Taganka không hề đơn giản. Tiếp giáp với quảng trường này là 12 con phố, song một nửa trong số này là các luồng giao thông đi tới quảng trường, và nửa còn lại tiếp nhận các luồng giao thông này.
Bất cứ ai đã lái xe tại Moscow sẽ không phủ nhận rằng quảng trường Taganka không phải là nút giao thông thuận tiện của thành phố.
Tâm Khanh
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)