Cá nhân tôi có suy nghĩ: Dù không thể lựa chọn hoàn cảnh sống, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn lựa cách để đối phó với chúng. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ. Can đảm đương đầu hay chịu bị nhấn chìm. Chọn một thái độ sống là chọn lựa quan trọng nhất bởi nó ảnh hưởng đến tâm trạng. Không chỉ từ những việc đã qua mà cả mọi việc sẽ làm.
Nhà tâm lý học người Mỹ Wiliam James viết: 'Khám phá vĩ đại nhất của con người chính là việc chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình chỉ bằng cách thay đổi thái độ sống”. Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện ven biển, nơi được khai khẩn mở mang bởi vị Quan nổi tiếng Nguyễn Công Trứ. Sau khi học xong phổ thông, tôi vào Nam học tập và sinh sống ở trong này.
Cũng trải qua nhiều công việc, nhiều môi trường vì thế việc được đi gần hết các tỉnh ở các vùng miền khác nhau bởi các phương tiện khác nhau cho tôi trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa con người tại các vùng miền. Hiểu ra rằng thái độ sống của ta sẽ quyết định phần nhiều hoàn cảnh của chúng ta.
Ngày học cấp 2 và 3, vì là anh cả trong gia đình 3 anh em, tôi thường xuyên đi làm thêm để có tiền mua quần áo và một phần đóng học phí. Ngày đó tôi hay theo xe tải của một xưởng sản xuất bún miến gần nhà đi giao hàng các tỉnh miền bắc.
Một lần giao hàng buổi tối gần cầu Tào (Thanh Hóa), vì không có đèn đường, không làm chủ tốc độ, tài xế xe tải chở tôi đâm phải hông xe rơ-móc xi-măng đang quay đầu. Hậu quả, xe chúng tôi bị lao xuống rãnh thoát nước bên lề phải và lật úp trở lại xuống đường, bể kính chắn gió và rất nhiều thứ khác.
Sau vài phút hoảng loạn, chúng tôi cũng được đưa ra ngoài, rất may là không bị thương nặng. Một đám người dân ở đó sau khi giải cứu và lật xe lại xin chúng tôi mấy trăm uống nước. Dù rất sợ và bực bội nhưng với lòng biết ơn giúp mình qua cơn hoạn nạn, chúng tôi xin biếu họ 200.000 nghìn. Khi tài xế vừa rút ví ra thì một người trong nhóm đó nói to: 'hỏi thế thôi chứ ai lại lấy của người bị tai nạn'. Xong họ bỏ đi.
Hè năm cuối cấp 3, tôi và hai người bạn vào Trà My (Quảng Nam) làm thêm cho một đơn vị tư nhân khai thác khoáng sản. Lần đầu tiên đi xe khách đường dài Bắc - Nam, mới biết thế nào là cơm tù, cò xe, nhồi nhét thậm chí nằm hầm.
Tới Nghệ An, có mấy thanh niên và một xe máy vẫy tay đón. Lên xe chỉ có 2 người và một xe máy nhưng giá phải trả là gấp đôi giá nhà xe. Hỏi ra mới biết hai cậu là sinh viên lần đầu đón xe vào Đà Nẵng học, bị cò làm giá trước.
Sau này tôi cũng gặp tình trạng này đôi lần trên ngã tư Bình Phước hướng Quốc lộ 13 về các tỉnh Tây Nguyên. Sau mấy chặng xe chúng tôi cũng tới Trà My khi trời vừa chiều và đổ mưa. Chỉ còn 3.200 đồng, trên đường đi người bạn cầm tiền bị móc túi, có lẽ tại Ngã ba Hòa Cầm (Đà Nẵng). Bụng thì đói, người mệt, mà trời mưa, quãng đường còn khoảng 15 km mới tới.
Chúng tôi đánh liều vào một quán cơm gần chợ trình bày hoàn cảnh với bà chủ bán cơm và gửi lại chứng minh nhân dân. Sau khi được bữa cơm no, bà chủ kêu 2 xe ôm chở chúng tôi lên địa chỉ chúng tôi muốn tới và bà nói giọng Quảng 'Khi nào về quay lại lấy chứng minh và trả tiền cho bà ấy là được'.
Hè năm học đầu tiên tại Sài Gòn, tôi đón xe về Bắc gấp vì gia đình có chuyện tại Chợ Tam Bình, Thủ Đức. Loay hoay cả mấy tiếng chưa bắt được xe, phần vì không có đủ tiền, phần vì non kinh nghiệm chưa rành đường và thời gian đó xe Bắc - Nam chưa xuất bến nhiều.
Tôi được một xe ôm nói sẽ chở tới chỗ có nhiều xe Bắc Nam, lấy 50.000 đồng. Phần vì trời mưa to, sợ không đón được xe, tôi đồng ý. Hóa ra tới bến xe Lam Hồng cách đó 3 km, thật ấm ức nhưng cũng thầm cảm ơn ông. Sau khi ngã giá tuyến Sài Gòn - Nam Định, tôi đành thú thực về hoàn cảnh còn đúng 150.000 đồng, chấp nhận gửi lại thẻ sinh viên. Khoản 150.000 dành ăn dọc đường. Thật may mắn cả hành trình họ cho tôi ăn cơm cùng, 2.000 km mà không tiêu hết số tiền còn lại.
Năm 2012 tôi xuống Long An khảo sát thị trường cho kế hoạch kinh doanh mới. Một buổi tối sau khi cơm no rượu say tại nhà người bạn, trên đường về bị hết xăng dọc đường. Lúc đó 23 h đêm, nhìn qua nhìn lại chỉ có nhóm thanh niên cởi trần, xăm trổ nhậu trước cổng một xưởng sản xuất nhỏ. Tôi đánh liều qua trình bày hoàn cảnh và xin đẩy giúp.
Cả nhóm đưa 2 xe máy ra, qua 1 km thì có chỗ bán xăng. Tôi chân thành cám ơn và xin số điện thoại để lần nào quay lại hậu tạ, nhưng họ từ chối.
Vì công việc tôi hay đi khuya về muộn, đôi lần thấy người dắt bộ xe hết xăng nên ngỏ ý muốn giúp đỡ. Có người đồng ý và rất vui, nhưng có người từ chối và xua như xua tà. Có lẽ vì họ cảnh giác hay sợ điều gì đó?
Đó là những tình huống hay hoàn cảnh chúng ta sẽ gặp. Cá nhân tôi nghĩ dù: khó khăn hay bế tắc ta cố gắng thay đổi thái độ cùng hoàn cảnh. Khi thích hợp ta sẽ bước qua những khó khăn đó.
Theo Độc giả Hoàng Châu - VnExpress *Tiêu đề đã được đặt lại
Theo : AutoExpress