Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vào chiều 23/12, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, năm 2021 hoạt động vận tải của Tổng công ty vẫn tiếp tục chịu ảnh hướng rất lớn từ đại dịch Covid-19 và việc triển khai dự án quan trọng, cấp bách sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.
Cũng theo ông Minh, VNR hiện vẫn còn một số tồn tại như: bộ máy cồng kềnh, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng KHKT-CNTT còn thấp, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao.
Trong điều kiện khó khăn như vậy, Tổng công ty đã thực hiện một loạt các giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng doanh thu vận tải hàng hóa bù đắp cho phần doanh thu vận tải hành khách sụt giảm.
Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của VNR đạt doanh thu 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng, bằng 52,8% so với cùng kỳ, tương đương 101,3% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban giao (kế hoạch được giao là âm 700 tỷ).
Kết quả sản xuất kinh doanh của VNR hợp nhất, doanh thu 6.290 tỷ đồng, bằng 94,6% so với cùng kỳ và đạt 95,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế âm 674,3 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt năm 2021 âm hơn 670 tỷ đồng
Về vận tải, vận chuyển hàng hóa thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,4% cùng kỳ; Vận chuyển hành khách 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 36,7% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% cùng kỳ.
Ông Vũ Anh Minh cũng cho biết, năm 2022 Công ty mẹ -VNR dự kiến kế hoạch doanh thu thực hiện 1.568 tỷ đồng, bằng 108,4% so với cùng kỳ, trong đó phấn đấu tặng sản lượng vận tải hàng hóa khoảng 20%. Lợi nhuận trước thuế âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ 110,7 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021.
Xin hỗ trợ khẩn 800 tỷ
Để tháo gỡ khó khăn, VNR kiến nghị các cơ quan chức năng cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm.
Về lâu dài, VNR đề xuất cơ chế giao cho Tổng công ty trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2030.
Tổng công ty cũng kiến nghị Thủ tướng phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam năm 2020, thực hiện 2021 - 2025”.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc đầu tư cho ngành đường sắt vẫn rất thấp, mỗi năm chỉ khoảng 2.800 tỷ đồng vốn bảo trì. Đặc thù đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đường sắt đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ, cần vốn lớn, không thể cắt ra đầu tư 20-30km như đường bộ. Do đó, đây là tầm quốc gia, trách nhiệm rất lớn của Trung ương, của các bộ, ngành.
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu VNR xây dựng phương án hoạt động, sản xuất kinh doanh thích ứng bối cảnh Covid-19, phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.
Trong đó, HĐTVT, Ban Tổng giám đốc phải xây dựng phương án hoàn chỉnh để phát huy tối đa vận tải hàng hóa, để bù cho vận tải hành khách và các phương tiện vận tải khác có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về các giải pháp khác như: vay ưu đãi không lãi suất 800 tỷ đồng, giảm tiền thuê sử dụng đất... Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, Bộ ngành nhanh chóng tháo gỡ, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Ngân Tuyền (ANTĐ)