Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Trong đó, doanh thu của VNR là 1.600 tỷ đồng; lỗ 700 tỷ đồng.
Tuy vậy, lãnh đạo VNR cho hay, 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng bùng phát dịch đợt 3, đợt 4, Công ty mẹ đã lỗ hơn 400 tỷ. Thời điểm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình kế hoạch điều chỉnh, dù đã dự kiến mức lỗ của năm 2021 nhưng lúc đó chưa lường hết được dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay.
Tàu khách gần như dừng toàn bộ từ tháng 6, cuối tháng 8 thì dừng hết cho đến nay; tàu hàng cũng giảm.
Trong khi đó, 90% doanh thu của Công ty mẹ là từ nguồn vận tải. Nguồn thu từ vốn góp tại các công ty cổ phần vận tải cũng không có vì các công ty này đang lỗ. Tàu dừng chạy nên nguồn thu từ cung cấp sức kéo, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt cũng không có.
Theo đó, ban đầu VNR trình kế hoạch, Công ty mẹ dự kiến lỗ khoảng 940 tỷ năm 2021. Song lãnh đạo VNR thẳng thắn nhìn nhận, khả năng thực hiện kế hoạch trên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là bất khả thi. Với diễn biến dịch kéo dài như hiện nay, VNR dự kiến lỗ còn nhiều hơn, lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để giảm lỗ trong tình hình vận tải giảm sút nghiêm trọng, thời gian qua, VNR thực hiện nhiều giải pháp để tăng thu, giảm chi; rà soát toàn bộ dòng tiền để cắt giảm tất cả những chi phí có thể cắt giảm, từ chi phí gián tiếp đến trực tiếp, kể cả đầu tư và lương.
Theo đó, VNR có khoảng 7.000 lao động. Từ tháng 9 đến hết năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 30% lao động gián tiếp theo hình thức tạm hoãn hợp đồng lao động. Số lao động còn lại dù vẫn bố trí việc làm nhưng giảm công, nghỉ luân phiên. Khối trực tiếp thì tùy đặc thù đơn vị, tính chất công việc mà bố trí, nguyên tắc là cố gắng cắt giảm lao động nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
Đến nay, VNR gần như tất cả các khoản chi phí gián tiếp của Công ty mẹ gồm: Khối cơ quan tổng công ty, 12 chi nhánh khai thác ga, 5 chi nhánh đầu máy, Trung tâm Điều hành GTVT đường sắt. Các chi phí khánh tiết, họp, công tác phí... cắt giảm tối đa.
Toàn bộ các dự án mang tính chất đầu tư mới, đầu tư trung hạn và dài hạn đều phải dừng lại. Việc sử dụng phương tiện như: Đầu máy cũng tính toán chi tiết, để sử dụng ít phương tiện nhất, tận dụng được sức kéo và tiết kiệm nhiên liệu, chi phí liên quan. Các chi phí cho đầu tư công ích như đầu tư sửa chữa nhà ăn cho cán bộ công nhân viên cũng cắt giảm.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết thêm, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để bổ sung dòng tiền. Trong đó có thu hồi công nợ từ cung cấp sức kéo, dịch vụ điều hành GTVT đường sắt, cổ tức, lãi từ các công ty cổ phần.
Tổng công ty đang trình cấp có thẩm quyền xin cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động. Hai năm 2019, 2020 Tổng công ty lỗ 1.324 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ hơn 940 tỷ đồng.
N.T (ANTD)