Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Theo đó, sẽ có một số vi phạm được kiến nghị tăng mức phạt gấp 2 đến 10 lần, đó đều là những vi phạm có tính chất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn và gây bức xúc dư luận trong thời gian qua nhưng chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn.
Để bằng lái quá hạn có thể bị phạt 12 triệu đồng
Hiện, mức phạt đối với việc sử dụng giấy phép lái ôtô quá hạn 6 tháng là 4-6 triệu đồng. Tuy nhiên trong dự thảo mới, vi phạm này đã được chia làm 2 mức: quá hạn dưới 3 tháng phạt 5-7 triệu đồng và quá hạn trên 3 tháng sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc gia hạn bằng lái là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bởi vì cơ quan chức năng cần kiểm tra chu kỳ về mặt sức khỏe, cập nhật kỹ năng của người lái.
Dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt đối với người điều khiển xe máy trên 175 cm3, không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép hết hạn, tăng từ 3-4 triệu đồng lên 4-5 triệu đồng. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép lái xe để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước bằng lái.
Sản xuất, bán biển số xe giả có mức phạt tăng 7-10 lần
Hiện, hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có mức phạt rất nhẹ, chỉ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và 2-4 triệu đồng đối với tổ chức.
Tại dự thảo mới, hành vi này sẽ bị tăng mức phạt lên 10-12 triệu đồng đối với cá nhân và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức.
Đối với hành vi Sản xuất biển số trái phép, mức phạt sẽ tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân, 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức.
Trong khi đó, người vi phạm sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng (hiện là 800.000-1 triệu đồng) với các hành vi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc).
Những mức phạt trên được đánh giá là cần thiết vì việc sản xuất, bán, tiêu thụ biển số giả gây tác hại nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, truy xét khi phương tiện vi phạm.
Đáng lo ngại nhất chính là việc kẻ gian có thể lợi dụng việc làm biển số xe giả để che giấu thông tin, thực hiện các hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm nhằm qua mặt hoặc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.
Vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng
Trong nội dung sửa đổi của Nghị định 100, Bộ GTVT cũng kiến nghị tăng mức phạt 6-8 triệu đồng hiện tại lên mức 10-12 triệu đồng đối với các vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá đây là những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, trong thời gian qua, những hành vi này liên tục được dư luận, tài xế phản ánh, bày tỏ bức xúc bởi gây nguy hiểm cho cả những phương tiện chấp hành nghiêm quy định.
Đua xe trái phép sẽ bị phạt 20-25 triệu đồng
Đua xe trái phép cũng là hành vi có tính chất nguy hiểm cao, gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân trong suốt thời gian qua. Vì vây, Bộ GTVT đã đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu (hiện là 7-8 triệu đồng); đối với người đua ôtô mức phạt sẽ là 20-25 triệu đồng (thay vì 8-10 triệu đồng như hiện tại).
Tăng nặng chế tài với người điều khiển xe quá tải
Hiện, việc xử lý ôtô chở quá tải trọng được cơ quan chức năng chia làm 5 mức lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1-16 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới, các mức phạt sẽ rút gọn còn 3 mức: Quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50% với mức xử phạt lần lượt là 4-6 triệu đồng, 13-15 triệu đồng và 40-50 triệu đồng. Mức phạt mới sẽ góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều chỉnh thẩm quyền xử phạt
Cùng với việc tăng mức xử phạt, Bộ GTVT còn đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh. Theo đó, trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt lên đến 2,5 triệu đồng.
Chủ tịch UBND các cấp được quy định mức phạt cụ thể: Chủ tịch xã được phạt tiền đối với lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt là 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tối đa 37,5 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh được ra quyết định xử phạt tối đa 75 triệu đồng.
Trưởng công an cấp huyện được quyền xử phạt lên đến 15 triệu đồng và giám đốc công an cấp tỉnh có quyền xử phạt lên đến 37,5 triệu đồng. Cục trưởng CSGT, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng có quyền phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)
Theo: Bộ GTVT