Theo VIDIFI, quốc lộ (QL) 5 là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, mức thu phí thấp hơn đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng nên QL này vẫn là tuyến đường mà các phương tiện vận tải, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hóa lựa chọn tiếp tục lưu thông với lưu lượng lớn.
Quốc lộ 5 sẽ cần hơn 2.000 tỷ đồng để sửa chữa tổng thể
Khi tiếp nhận quản lý, bảo trì tuyến đường, VIDIFI đã đề xuất và được Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ chấp thuận thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá hiện trạng phục vụ bàn giao và sửa chữa quốc lộ 5. Hiện nay, tư vấn đã hoàn thành khảo sát và lập phương án sửa chữa QL5.
Căn cứ vào kết quả khảo sát của tư vấn, hiện trạng QL (chiều dài toàn tuyến 102km từ km11+135 đến km113+252) nhiều đoạn tuyến có mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, cầu và các hạng mục khác xuống cấp trầm trọng và hư hỏng cần phải phải đại tu sớm, đồng thời đề xuất phương án sửa chữa quốc lộ 5 bao gồm 2 đợt.
Cụ thể, đợt 1 sẽ tập trung sửa chữa một phần mặt đường (khoảng 30km), một phần cầu và các hạng mục an toàn giao thông như hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước… thuộc đoạn 1 từ km11+135-km76+000 với kinh phí 840 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2018.
Đợt 2 thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến km11+13-km76+000 và các đoạn tuyến còn lại của QL 5 sửa chữa mặt đường (khoảng 60km còn lại), tiếp tục sửa chữa nâng cấp các hạng mục phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước...) với chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.
Tuyến QL5 đã nhiều lần được đại tu, sửa chữa. Trước đó, năm 2013 tuyến QL này đã được chi gần 800 tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục nhưng tình trạng hằn lún vệt bánh xe, gồ sống trâu vẫn tiếp diễn. Hiện tuyến có 2 trạm thu phí BOT đặt tại đầu Hải Phòng và Hưng Yên với mức thu vào hàng cao nhất nhì trong các trạm BOT trên các tuyến QL hiện nay của cả nước.
Ngân Tuyền (ANTĐ)