Các nhà nhập khẩu ô tô nhỏ sẽ “vất vả” hơn sau quy định của Bộ GTVT
Cục Đăng kiểm xuống nước
Trước nhiều ý kiến phản đối từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp nhẩu khẩu ô tô nhỏ, chiều 12-9, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo (lần thứ tư) đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Hội nghị bắt đầu từ 13h30 nhưng cho đến khi kết thúc vào lúc 17h cùng ngày, không một doanh nghiệp nhập khẩu nào được phát biểu ý kiến liên quan. Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị soạn thảo Dự thảo Thông tư dành nhiều thời gian để nói về việc cần thiết phải xây dựng Thông tư và ghi nhận ý kiến ủng hộ từ Hiệp hội cơ khí Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Điều mà các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ, không chính hãng bức xúc và lo lắng là dự thảo Thông tư này của Bộ GTVT yêu cầu đơn vị nhập khẩu phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng đều cho rằng, quy định này không khác gì những quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương vừa được bãi bỏ. Bởi theo phản ánh của VCCI cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu, chỉ xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua bên phân phối trung gian thì không thể có.
Sau nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản của VCCI cũng như các nhà nhập khẩu, tại bản dự thảo chiều 12-9, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bỏ quy định về bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với 2 nhóm xe cụ thể; còn lại đều phải có Giấy chứng nhận này, nếu không sẽ phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu như loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, thay thế cho các quy định hiện hành tại Thông tư số 55/2014 và Thông tư 31/2011.
Không hạn chế quyền kinh doanh
Bộ Công Thương vừa bãi bỏ Thông tư 20 được cho là trói buộc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhưng doanh nghiệp chưa kịp mừng thì lại chuẩn bị phải đối diện với quy định mới của Bộ GTVT. Vì thế, một số doanh nghiệp nghi ngờ về việc cơ quan hữu quan “bắt” tay nhau “đẻ” ra các loại “giấy phép con” để làm khó doanh nghiệp, bảo hộ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, dự thảo Thông tư này của Bộ GTVT không liên quan đến việc bãi bỏ Thông tư 20 của Bộ Công Thương. “Dự thảo Thông tư này đã được Cục Đăng kiểm báo cáo Bộ GTVT từ tháng 6-2015 và nằm trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực của Cục phụ trách”, ông Trần Kỳ Hình khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, dự thảo Thông tư này không liên quan đến việc hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng kiểm soát xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, quy định tại dự thảo Thông tư này nhằm tạo một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Những doanh nghiệp trách nhiệm, tâm huyết thì dễ dàng đáp ứng được, sẽ không để thị trường nhập khẩu ô tô thành cái chợ bát nháo”, ông Nguyễn Tô An cho hay. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu từ chất lượng tới chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp nhập khẩu bấy lâu nay được “thả”.
Ông Trần Kỳ Hình cho biết thêm, một số quy định tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sẽ áp dụng theo lộ trình. “Cơ quan soạn thảo đã đưa vào quy định mới về lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh và chủ động trong hoạt động kinh doanh. Đây chỉ là hàng rào kỹ thuật, không hạn chế quyền kinh doanh. “Cuộc chơi” này không dành cho những người kinh doanh theo kiểu chộp giật, thiếu chuyên nghiệp”, ông Trần Kỳ Hình nói.
Ngân Tuyền (ANTĐ)