Hát ru (tiếng Anh: Lullaby hay Cradle song; tiếng Pháp: Berceuse; tiếng Đức: Wiegenlied) là một thể loại nhỏ nhưng quan trọng trong thanh nhạc cổ điển phương Tây. “Wiegenlied“ của Brahms có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất ở thể loại này. Brahms đã viết nó để tặng cô ca sĩ trẻ Bertha Faber mà ông quen biết nhân dịp đứa con thứ hai của vợ chồng cô chào đời.
Lullaby là tên gọi cho bài hát ru cho trẻ em, một trong số đó là “Wiegenlied: Guten Abend, gute Nacht” (“Chào buổi tối, chúc ngủ ngon”), Op. 49, No 4 của Johannes Brahms, được xuất bản vào năm 1868 và được biết đến rộng rãi như Brahms’ Lullaby. (Bài hát ru của Brahms).
Nhà soạn nhạc thiên tài Johannes Brahms (1833 – 1897)
Một bài ca về tình yêu thương được cất lên vì bé
Phần giai điệu thơ trẻ do Brahms viết được trải ra như một sự đối âm với điệu Ländler du dương của thành Vienna mà ông đã từng được nghe Bertha hát. Lúc đó cô còn trẻ và là thành viên của một đoàn hợp xướng nữ đến biểu diễn tại Hamburg. Tác phẩm Wiegenlied mới mẻ này là một biểu trưng trọn vẹn, như Brahms đã viết khi ông gửi nó cho Artur Faber (chồng của Bertha) vào tháng 7/1868: “Cô ấy sẽ nhận ra rằng tôi đã viết Wiegenlied cho đứa con bé bỏng của cô ấy. Cô ấy sẽ thấy nó hoàn toàn thích hợp … rằng khi cô ấy hát ru bé Hans ngủ, một bài ca về tình yêu thương đang được cất lên vì bé.”
Điều kỳ diệu ở tác phẩm có tên thường gọi “Bài hát ru của Brahms” này là vào năm 1975, các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc khảo cứu về tác phẩm này. Những trẻ em sinh thiếu tháng được cho nghe “Bài hát ru của Brahms” 5 phút, 6 lần mỗi ngày thì lớn nhanh hơn hẳn những trẻ tương tự không được nghe bài nhạc (theo Chapman, 1975).
Ca từ của câu đầu tiên là từ một bộ sưu tập các bài thơ dân gian Đức gọi là Des Knaben Wunderhorn và đoạn thơ thứ hai được viết bởi Georg Scherer (1824-1909). Tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên trước công chúng bởi chính Bertha Faber, sau đó vào ngày 22 tháng 12 năm 1869 tại Vienna bởi Louise Dustmann (ca sĩ) và Clara Schumann (piano).
Những thiên thần đang canh giữ cho bé ngủ
Ngủ ngon nào ngủ ngon,
Những bông hồng tô điểm,
Hoa cẩm chướng phủ che,
Len cả vào chăn bé
Sáng sớm mai nếu muốn,
Chúa đánh thức bé thôi.
Ngủ ngon nào ngủ ngon,
Những thiên thần canh giữ
Trong mơ chỉ cho bé
Cây của Đức Chúa Con:
Ngủ ngon lành bình yên
Ngắm Thiên Đường trong mộng.
Từ đó, nó mau chóng lan ra toàn thế giới ở mọi dạng chuyển soạn (thanh nhạc lẫn khí nhạc). Nó đã trở thành một trong số rất nhiều tác phẩm thường bị hiểu lầm là những “khúc dân ca”. Điều này cũng dễ hiểu bởi những câu hát mềm ngọt dịu dàng của nó có thể thấm sâu vào mỗi trái tim và ở lại thật dài lâu, bền bỉ.
Các thể hiện khác nhau của Bài hát ru của Brahms, tất cả đều tuyệt diệu
Chúng tôi giới thiệu ở đây những phiên bản xuất sắc nhất diễn tả vẻ đẹp của “Bài hát ru của Brahms”, ở mức độ rung động lòng người nhất:
Phiên bản 1: Bài hát ru của Brahms qua tiếng kèn của Kenny G:
Phiên bản 2: “Bài hát ru của Brahms” được thể hiện qua giọng hát trữ tình và và đầy nữ tính của soprano người Tây Ban Nha Victoria de los Angeles (1923 – 2005).
Từng câu từng chữ trong lời hát của bà đều đạt đến sự chuẩn mực hoàn mỹ. Nó trong trẻo và êm ái như tiếng thiên thần hát ru vậy (trong tiếng Tây Ban Nha los Angeles có nghĩa là “những thiên thần”):
Phiên bản 3: dàn nhạc hòa tấu cổ điển theo biên soạn nguyên thủy của Brahms. Đây chính là bản nhạc gốc, với những âm điệu hòa tấu tuyệt vời khiến trái tim có cảm giác như tan chảy:
Phiên bản 4: Ca sĩ Hiền Thục thể hiện, giúp các bà mẹ trẻ Việt Nam có thể nghe hiểu và hát theo được để ru bé bằng một tác phẩm hát ru vĩ đại nhất thế giới.
Này này con..lời mẹ ru..
Ngủ ngoan nhé con thân yêu ơi..ngàn vì sao..
Nhìn long lanh..vào trong giấc mơ yên lành
Này này con, lời dịu êm,
Mẹ nâng giấc con trong đêm, mộng hoa xinh..
Ngàn vì sao..ngày mai sẽ thơm hương cho con…
Mẹ là mắt, nhắm thật sâu..
Xin hồng ân cho giấc mơ..
Mẹ là mắt khép thật sâu..đêm bình an vẫn trôi mau..
Này ngàn hoa, này ngàn xinh..
Vào trong giấc mơ con thiên thần,
Ngủ đi nhé, ngủ ngoan nhé..
Mẹ ru tiếng êm đềm..cho con…”
Kim Cương – Hà Phương
Kiệt tác thế giới: ShenYun Orchestra – âm nhạc tinh tế đỉnh cao qua tuyệt phẩm của Pablo de Sarasate
Kiệt tác thế giới: Lắng nghe Phiên chợ Ba Tư: những chuyện kể kỳ diệu của nàng Sê hê ra dát trong ‘Nghìn lẻ một đêm’
Kiệt tác thế giới: cái chết của thiên nga và câu chuyện về sự phản bội niềm tin