Nhưng bất ngờ tối nay trời quang mây tạnh, mới chập choạng tối mà vầng trăng mồng mười đã lấp ló, tinh nghịch nhô lên như một cậu bé vui cười rạng rỡ, rồi cứ thế nhởn nhơ rong chơi giữa bầu trời xanh thẳm màu ngọc bích không một gợn mây.
Những vì sao lấp lánh, lung linh kết thành từng chùm hoa, chùm quả, thành những chiếc gầu, lưỡi hái, con thuyền, cánh buồm… trên dải Ngân Hà lộng gió. Trăng thanh, gió mát, cả làng rộn rã tiếng trống ếch khua vang, bọn trẻ con reo hò sung sướng, niềm vui vỡ òa sau bao ngày thấp thỏm trong mưa ngóng tết Trung thu.
Chúng rối rít tập văn nghệ, duyệt đội ngũ, hăng hái xúm vào quấn cọc trại, kết đèn lồng, đèn ông sao cùng các anh chị phụ trách để chuẩn bị cắm trại.
Mình cũng lâng lâng như một đứa trẻ sung sướng ngắm vầng bán nguyệt lửng lơ trôi trên nền trời xanh thẳm.
Ánh trăng vẫn còn non nớt, mong manh huyền ảo, nhẹ nhàng buông tỏa, có cảm giác như chỉ cần chạm nhẹ vào là sẽ tan biến mất trên bầu trời mênh mông vô biên kia.
Vầng trăng như đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên và đầy bỡ ngỡ. Bao kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào như ánh trăng chợt ùa về thổn thức với những mùa Trung thu cổ tích.
Cũng tầm này những năm 80 thế kỷ trước, dưới sân đình, mình tung tăng múa hát với bạn bè. Làng mình là đất bãi ven sông cứ tháng bảy, tháng tám âm lịch là chìm trong nước nổi.
Từ trung tuần tháng bảy các anh chị phụ trách đã lo lắng ngày đêm chuẩn bị cho tết Trung thu. Tối đến khi trăng còn lấp ló trên mặt nước sau rặng tre xanh, cả làng đã rộn rã tiếng chèo khua, tiếng gọi nhau vang mặt nước.
Thuyền to, thuyền nhỏ đi đón đội văn nghệ nhí về tập múa hát ở sân đình. Ôi cái không khí đón Tết Trung thu của ngày ấy sao tuyệt vời đến thế.
Váy áo của đội văn nghệ chỉ là những chiếc khăn dù, khăn voan được khâu ốp hai cái vào nhau, trên làm cạp luồn dải rút, hoa cài đầu ngắt ở vườn nhà. Phấn son đội văn nghệ là phấn rôm trẻ con, là phẩm màu giấy hương bôi môi, bôi má vậy mà đứa nào đứa nấy toe toét mà lung linh như những nàng công chúa.
Những bạn không có năng khiếu cứ tròn mắt ra nhìn, thèm thuồng, đành phải sang duyệt nghi thức đội với các bạn trai. Đêm liên hoan văn nghệ náo nhiệt, tưng bừng, cả làng chèo thuyền đi cổ vũ. Tiết mục múa sạp rộn ràng nhất, cả người diễn lẫn người xem đều đồng thanh vỗ tay hát, niềm vui cứ trào lên như sông quê mùa nước nổi.
Sân trường, sân Ủy ban xã là nơi cao nhất dùng để cắm trại. Trại Trung thu được níu giữ bằng những chiếc cọc tre quấn giấy màu và những chiếc dây thừng săn chắc. Vải căng được huy động từ những chiếc ri đô, vỏ chăn, khăn bàn sặc sỡ.
Bọn trẻ chúng mình vui sướng chui ra, chui vào thích thú như được ra vào trong cung điện của nhà vua. Đối với trẻ em quê nghèo thời đó, những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao là đồ chơi xa xỉ nhất. Mình đã từng mê mẩn đứng ngắm mãi những đoàn quân, những bà Tiên, ông Bụt, cô Tấm chạy vòng tròn quanh chiếc đèn lung linh, rực rỡ mà khát khao giá như trong tay cũng có một chiếc.
Tổ chức Văn nghệ xong là màn phá cỗ trông trăng hấp dẫn nhất trong sự mong đợi của mọi người. Mâm cỗ được trang trí từ những bàn tay khéo léo của các cô, các chị, rực rỡ đủ sắc màu.
Nào là nải chuối tiêu đốm trứng cuốc vàng rộm ôm trọn trái bưởi đào hồng hồng, những quả na trắng xanh mắt nhắm, mắt mở tinh nghịch bên những trái hồng mòng đỏ mọng phụng phịu như môi thiếu nữ. Rồi roi, ổi, nhãn, cam… những hoa quả được lấy từ vườn nhà thơm lừng ngọt lịm hương quê.
Dường như mùa Thu là mùa của muôn thứ quả, hương vị được chắt chiu qua nắng, qua gió của mùa hè để mang hương thơm vị ngọt cho đời khi Thu tới. Đặc biệt món không thể thiếu trong mâm cỗ là những chiếc bánh nướng thơm ngậy, bánh dẻo ngọt sắc, đĩa cốm xanh dịu dàng thảo thơm như lòng mẹ.
Bọn trẻ con nắm tay nhau nhảy vòng quanh mâm cỗ, nghển mặt ngắm chị Hằng và hát váng lên: “Ông trăng ơi mời ông xuống chơi. Nhà tôi có nồi cơm nếp…”. Những lời đồng dao ngân lên dịu ngọt tuổi thơ nghèo.
Làm thủ tục mời trăng xong, bọn mình háo hức xếp hàng chờ chia kẹo, hàng con trai ra con trai, con gái ra con gái khỏi chí chóe cãi nhau và phòng những đứa khôn lỏi nhận phần rồi lại lẻn sang hàng khác. Những chiếc kẹo bọc giấy bóng kính xanh, đỏ, tím, vàng chín mọng cả tuổi thơ và ngọt lừ trong ký ức đến tận bây giờ.
Trung thu những năm gần đây Trung thu khác trước rất nhiều, bọn trẻ con trong xã sung sướng hưởng cuộc sống đủ đầy ăn ngon mặc đẹp, bánh kẹo cao cấp. Váy áo đội văn nghệ đi thuê từ trung tâm văn hóa đẹp lộng lẫy sành điệu, son phấn mỹ phẩm của nước ngoài.
Phụ kiện trại Trung thu hầu như hoàn toàn đi mua từ các cửa hàng lớn nhưng tiếng trống ếch rộn ràng, ánh trăng thu rờ rỡ và không khí háo hức đón chờ tết Trung thu thì ngàn đời vẫn thế.
Mình vô cùng vui sướng khi nhìn thấy lũ trẻ cười rạng rỡ bên những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, những chiếc mặt nạ nhăn nhở, toe toét. Chúng hò reo đuổi theo nắm đuôi sư tử, nghẹo ông Địa múa lân và ngẩn người ra tròn xoe mắt trước những chú tò he phẩm màu sặc sỡ.
Với tuổi thơ khi được chạm vào những sắc màu nghệ thuật dân gian dường như trong chúng luôn trào lên niềm say mê muôn đời không đổi.
Vẫn chuối, cốm, hồng, vẫn bòng, vẫn bưởi, vẫn tiếng trống ếch rộn ràng, vẫn lời ca ngân vang.
Sắp đến Tết Trung thu, người lớn vui như trẻ nhỏ tưng bừng hớn hở sắp cỗ trông trăng. Qua mỗi đêm trăng sẽ lại tròn đầy, viên mãn lên trông thấy.
Ngắm vầng trăng e ấp, long lanh giữa trời xanh, thả hồn trôi trong dòng hoài niệm cảm nhận cuộc đời thật đáng yêu, đáng trân trọng biết bao. Giữa trời Thu thăm thẳm vầng trăng rờ rỡ nhìn xuống trần gian mỉm cười tựa như lòng mẹ ngọt ngào, bao dung dịu dàng nhân ái dành cho tuổi thơ con.
Thúy Hằng
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Sài gòn: Chưa đến rằm, bánh trung thu đã đại hạ giá, mua 1 được 3