Bộ sạc, cáp kém chất lượng, sử dụng liên tục và để dưới ánh nắng trực tiếp có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ điện thoại trên ôtô. Mà hiện nay, việc này đang trở thành một thói quen rất phổ biến của rất nhiều người dùng. Hãy cùng Trangcongnghe.vn tìm hiểu ngay bài viết bên dưới để tránh được những rủi ro không đáng có! Ngày nay, điện thoại di động thường có dung lượng pin chưa đầy 1 ngày nếu dùng liên tục. Vì vậy, việc vừa dùng vừa sạc Smartphone trên ô tô đang rất phổ biến và dần trở thành thói quen của nhiều người. Nhưng đằng sau đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn mà người dùng không hề nghĩ tới.
Nguyên nhân khiến Smartphone dễ cháy nổ?
Smartphone cháy nổ có thể do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu đều liên quan tới pin. Các thiết bị điện thoại hiện đại thường sử dụng pin lithium-ion, hỗ trợ sạc được nhiều lần với dung lượng ngày càng cao trong cùng thể tích. Tuy nhiên, các vi mạch bên trong có thể bị chập hỏng tạo ra các phản ứng bay hơi dẫn đến cháy nổ, gây nguy hiểm.
Nguyên nhân chính khiến pin bị ảnh hưởng đó là do nhiệt độ cao. Pin sạc hoặc bộ xử lý làm việc với cường độ cao tạo ra nhiệt lượng lớn, gây hỏng cấu trúc hóa học bên trong điện thoại. Đáng nói là điều này sẽ cộng sinh với pin và tạo ra hiện tượng thoát nhiệt khiến sinh ra nhiều nhiệt hơn và có thể bắt lửa ngay tức thì.
Để điện thoại quá lâu ngoài nắng hay máy bị nhiễm phần mềm độc hại làm CPU hoạt động quá mức, tăng nhiệt độ mất kiểm soát đều có thể gây đoản mạch dẫn tới cháy nổ.
Cảnh báo nguy cơ vừa dùng vừa sạc Smartphone trên ô tô
Theo PCMag, vừa dùng vừa sạc Smartphone trên ô tô làm tăng nguy cơ nhưng không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cháy nổ.
Thông thường người dùng chỉ quan tâm tới việc sạc được pin đầy cho điện thoại để có thể sử dụng mà quên để ý tới chất lượng của bộ sạc mình dùng. Việc bộ sạc kém chất lượng mới là nguyên nhân có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Kết hợp vừa sử dụng vừa sạc với dòng nạp và xả song song không ổn định, pin có thể tăng nhiệt nhanh quá mức hoặc đoản mạch, gây chập cháy.
Đặt điện thoại trên táp-lô xe để phát nhạc hoặc tìm đường là thói quen phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, việc này cũng làm cho điện thoại dễ bị quá nhiệt do tiếp xúc ánh nắng trực tiếp, nóng lên do cắm sạc liên tục và nhất là phần cứng như chip xử lý, GPS, màn hình phải hoạt động ở cường độ cao.
Ngoài ra, thời gian để sạc đầy pin điện thoại trên ô tô sẽ kéo dài hơn so với khi chúng ta sạc ở nhà. Ví dụ, thời gian sạc đầy pin ở nhà là 1 tiếng, còn khi ta sạc nối thiết bị với ổ cắm, thời gian sẽ khoảng 2 tiếng (tùy các loại xe). Từ đó có thể dẫn đến pin bị chai nhanh hơn dẫn đến ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin điện thoại. Về lâu về dài sẽ làm tăng nguy cơ nguy hiểm mà chính người dùng cũng không hề hay biết.
Những lưu ý để sạc pin an toàn trên ô tô
Sạc trên ôtô thường được cắm vào đầu lấy điện với điện áp 12V. Sạc sẽ hoạt động khi nổ máy hoặc khi tắt máy nhưng vẫn mở khóa điện. Người dùng nên chọn mua các bộ sạc chất lượng và chuẩn chính hãng từ các thương hiệu lớn để tránh được những rủi ro không đáng có.
Các nhà sản xuất điện thoại khuyến cáo không nên vừa dùng pin vừa sạc vì có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với tình trạng pin lỗi, môi trường hoạt động quá nóng hoặc bộ sạc kém chất lượng. Ngoài chọn phụ kiện tốt, người dùng cần lưu ý tình trạng pin điện thoại, nếu phát hiện máy bị phồng nhẹ, nhanh nóng khi mới cắm sạc, cần đem đến các cửa hàng chuyên sửa chữa để kiểm tra ngay.
Tạm Kết:
Để bảo vệ cho chính mình cũng như những người xung quanh, chúng ta hãy hạn chế việc vừa dùng vừa sạc điện thoại trên ô tô để tránh được tốt nhất những rủi ro không đáng có. Hi vọng bài viết từ Trangcongnghe.vn sẽ đem lại hữu ích cho các bạn!