Dual SIM là gì?
Điện thoại di động là một sản phẩm rất phổ biến tại Việt Nam với số lượng người dùng đông đảo. Và cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, giờ đây chúng ta thường được nghe đến điện thoại di động Dual SIM, vậy Dual SIM là gì?
Dual SIM có nghĩa là 2 SIM. Nếu như những chiếc điện thoại di động ngày xưa chỉ có thể sử dụng được 1 SIM thì hiện nay hầu hết các hãng đều đã sản xuất điện thoại 2 SIM hay còn gọi là điện thoại Dual SIM.
Ý nghĩa, lợi thế của Dual SIM là gì?
Dĩ nhiên khi một công nghệ mới được ra đời thì nó đều đem lại những lợi ích thiết thực cho người dùng, và công nghệ Dual SIM cũng vậy. Như đã nói ở trên, công nghệ Dual SIM có ý nghĩa giúp người dùng có thể sử dụng 2 số thuê bao di động chỉ với một chiếc điện thoại duy nhất, và nó đem lại nhiều lợi thế như:
Một chiếc điện thoại Dual SIM sẽ giúp người dùng có nhiều lợi thế hơn khi sử dụng trong thực tế so với 2 chiếc điện thoại 1 SIM.
Các điện thoại 2 SIM có sự đồng bộ rất tốt với nhau, giúp người dùng có thể lưu trữ dữ liệu (các số điện thoại, file âm thanh, hình ảnh…) một cách nhanh gọn và tập trung. Điều này giúp khi có nhu cầu tìm kiếm sẽ rất nhanh chóng.
Hiện nay có nhiều người dùng sử dụng 1 SIM để liên lạc, SIM kia dùng các gói internet để vào mạng. Khi sử dụng điện thoại Dual SIM, chỉ cần vài thao tác cài đặt đơn giản là bạn đã có thể mặc định SIM nào sử dụng cho việc liên lạc, SIM nào dùng để vào mạng rất tiện dụng trong thực tế.
Hiện có mấy loại Dual SIM? Điểm khác nhau là gì?
Đây cũng là thắc mắc của khá nhiều người dùng hiện nay khi nghe nhắc đến công nghệ Dual SIM. Kể từ khi công nghệ này được ra đời cho đến nay, chúng ta có 3 loại Dual SIM lần lượt như sau:
1. Dual SIM Switch
Đây là công nghệ mà thế hệ điện thoại Dual SIM đầu tiên thường sử dụng. Dual SIM Switch có nghĩa là mặc dù điện thoại có 2 SIM nhưng chỉ 1 SIM hoạt động còn SIM kia sẽ trong trạng thái bị tắt, và muốn thay đổi SIM để sử dụng thì cần khởi động lại điện thoại.
Trong thực tế, các loại điện thoại sử dụng công nghệ Dual SIM Switch sử dụng khá bất tiện trong thực tế nên chúng đã bị khai tử. Nhưng về mặt công nghệ thì đây là nền tảng đầu tiên để các điện thoại Dual SIM có sự phát triển như ngày hôm nay.
2. Dual SIM Dual Active
Đây là những chiếc điện thoại thường được gọi là 2 SIM 2 sóng online, có nghĩa rằng cả 2 SIM trên điện thoại đều có thể nhận được tín hiệu sóng độc lập. Điều này cũng tương ứng với việc bạn đang có cuộc gọi vào SIM 1 thì nếu SIM 2 có cuộc gọi đến, điện thoại vẫn sẽ đổ chuông để bạn biết và quyết định có nghe hay không.
Thực tế công nghệ Dual SIM Dual Active (DSDA) cần sử dụng 2 bộ thu phát tín hiệu riêng để phục vụ cho 2 SIM nên quá trình sản xuất sẽ tương đối phức tạp, giá thành cao cùng tiêu thụ năng lượng nhiều nên hiện trên thị trường cũng ít xuất hiện các điện thoại DSDA. Cách test xem điện thoại của bạn có phải là DSDA hay không khá đơn giản. Bạn sử dụng SIM 1 gọi cho SIM 2 (hoặc ngược lại), nếu kết nối được và đổ chuông thì điện thoại của bạn là DSDA.
3. Dual SIM Dual Standby
Đây là công nghệ còn được gọi là 2 SIM 2 sóng chờ. Điểm khác biệt so với những chiếc điện thoại DSDA là cả 2 SIM đều có thể nhận được cuộc gọi nhưng khi 1 SIM được kết nối, cuộc gọi đến SIM kia sẽ không thể liên lạc được. Điều này giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và điện năng cho điện thoại nhưng lại có nhược điểm là có những lúc liên lạc của bạn sẽ bị gián đoạn.
Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã có được câu trả lời cho các thắc mắc điện thoại Dual SIM là gì? Dual Active và Dual Standby là gì cũng như biết được điểm khác nhau cơ bản giữa các công nghệ được sử dụng trong những chiếc điện thoại Dual SIM. Nếu còn điều gì chưa rõ, hãy để lại comment ngay bên dưới để đội ngũ kỹ thuật viên của giải đáp cho bạn trong thời gian sớm nhất nhé.
Xin chào và hẹn gặp lại vào các bài chia sẻ kiến thức và thủ thuật tiếp theo của chúng tôi nhé!