Khi được mời tham gia một buổi phỏng vấn thì làm thế nào để trả lời các câu hỏi hóc búa, làm thế nào để gây ấn tượng với sếp tương lai và sẽ cố gắng hết sức mình bằng cách nào là những câu hỏi mà bạn cần có lời giải đáp. Hay nói cách khác, thành hai bại đều phụ thuộc tất cả vào bạn.
Ngoài yếu tố trên thì một điều khác mà ứng viên cần chú ý là trong phòng phỏng vấn, luôn có ít nhất một người – thường ít nói nhất, khuôn mặt nghiêm nghị nhất – sẽ đóng vai trò quyết định liệu rằng bạn có nhận được lời mời làm việc.
Chìa khóa ở đây là gì? Trong mọi trường hợp, bất kể bạn được tiếp xúc với một nhà tuyển dụng liên tục đặt câu hỏi với khuôn mặt không hề biến sắc hay một người phỏng vấn (Interviewer) dễ gần thì điều quan trọng vẫn là luôn tạo ra sự kết nối thật sự với tất cả mọi người trong căn phòng đó. Một khi làm được điều này, bạn có thể tránh được việc bị cuốn theo những câu trả lời đã được diễn tập từ trước và tập trung để tạo ra được một cuộc trò chuyện thật sự với người đối diện. Đây chính là nền tảng giúp bạn nhận được công việc như ý muốn.
Dưới đây là 3 lời khuyên giúp bạn dễ dàng bước vào buổi nói chuyện với nhà tuyển dụng một cách tự nhiên nhất.
1. Quan sát, sau đó, bắt chước
Có lẽ bạn đã từng nghe câu nói rằng bắt chước là dạng thức chân thành nhất của sự xu nịnh. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì đây lại lợi thế nếu bạn biết cách áp dụng, nhất là khi muốn nhận được sự ủng hộ của ai đó.
Bắt chước thái độ và một số hành vi của nhà tuyển dụng có thể giúp bạn nhanh chóng tạo ra sự kết nối giữa bạn và 'những người lạ' ngồi ở phía đối diện. Đây còn được gọi là kỹ thuật 'mirroring' (phản chiếu) và khá hiệu quả.
Thế nên, hãy cố gắng ghi nhớ trong đầu các cử chỉ đầu tiên của nhà tuyển dụng kể từ lúc họ bước vào phòng và sau đó, điều chỉnh hành vi của bản thân cho phù hợp. Chẳng hạn, nếu người phỏng vấn sử dụng nhiều năng lượng (giọng nói to, dứt khoát, bước đi mạnh mẽ...) và body language (ngôn ngữ cử chỉ) trong khi nói chuyện thì hãy cố gắng thể hiện sự hăng hái, sôi nổi của bạn ra ngoài. Ngược lại, nếu họ có vẻ là người điềm tĩnh, thận trọng thì sự nhẹ nhàng và kiềm chế sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt.
Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là bạn không cần phải nỗ lực thay đổi tính cách hay làm điều gì đó khác hoàn toàn với con người mình để được nhận công việc. Chỉ có điều bạn cần nhớ rằng, điều chỉnh hành vi theo người đối diện có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và một khi 'cây cầu' kết nối đã được hình thành, bạn sẽ dễ dàng tiếp tục câu chuyện với họ cũng như xác định được liệu rằng bạn có phù hợp với văn hóa của công ty đó.
2. Đừng để đến cuối buổi phỏng vấn mới đặt câu hỏi
Khi bạn cố gắng nhận được thiện cảm của nhà tuyển dụng với sự lo lắng và sợ hãi thì điều chắc chắn là bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng 'hỏi gì nói nấy': họ đặt câu hỏi, bạn trả lời, sau đó, nghỉ khoảng vài giây và hồi hộp chờ câu hỏi tiếp theo như thể bạn đang muốn nói với người đối diện rằng: những gì tôi muốn hỏi sẽ ở phần cuối.
Tuy nhiên, bí quyết để tạo ra sự kết nối hoàn hảo với người phỏng vấn đó là luôn xen những câu hỏi của bạn vào cuộc trò chuyện thay vì giữ chúng lại trong đầu và không chắc rằng đến phút cuối bạn sẽ 'dám' hỏi nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn, khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn nói về thành tích ý nghĩa nhất mà bạn đã đạt được trong công việc gần đây thì sau khi chia sẻ về số lượng khách hàng 'khủng' đã tiếp cận được thì bạn có thể đặt ngược lại một câu hỏi cho họ để giúp câu chuyện được tiếp tục: 'Việc được đóng góp cho công ty cũng khiến tôi cảm thấy vô cùng hào hứng. Anh/chị có thể cho tôi biết một vài dự án và mục tiêu hiện tại của công ty được không ạ?'
Khi bắt đầu tạo ra cuộc trò chuyện mang tính chất 'qua lại' như vậy thì nó không chỉ giúp bạn tìm hiểu được nhiều thông tin vào công ty mà cũng đồng thời sẽ chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự rất quan tâm tới vị trí đó. Rõ ràng, biết cách tương tác và kết nối tự nhiên sẽ giúp bạn chiếm ưu thế so với các ứng viên còn lại.
3. Tập trung chú ý tới câu trả lời của nhà tuyển dụng
Một khi bắt đầu đặt câu hỏi nghĩa là bạn đã có một công cụ rất mạnh trong tay – bởi vì khi bạn bắt đầu nghe phản hồi của nhà tuyển dụng nghĩa là bạn đã xác định được kiểu câu trả lời nào mà họ đang tìm kiếm.
Do vậy, hãy tập trung chú ý: Đối với câu hỏi bạn đưa ra, câu trả lời của người phỏng vấn có được suy nghĩ một cách cẩn thận và chọn lọc trong câu từ không? Họ có sử dụng lời nói hoa mỹ, bóng bẩy không? Họ kể cho bạn nghe câu chuyện cá nhân hay sử dụng các dữ liệu (biểu đồ hay các con số) để minh họa?
Sau đó, hãy sử dụng chúng làm mẫu. Nếu nhà tuyển dụng liên tục đề cập đến % và con số, hãy chắc chắn là câu trả lời của bạn (khi được hỏi ngay sau đó) cũng bao gồm các dữ liệu này. Chẳng hạn, nhấn mạnh việc bạn đã cùng với đồng nghiệp giảm được lượng hàng tồn kho khoảng 65% hay vượt chỉ tiêu huy động vốn $1.500 trong quý trước.
Việc nắm bắt được phản ứng của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn biết được kỹ thuật nào phù hợp để sử dụng trong câu trả lời của mình và một khi làm được như vậy, bạn sẽ tạo ra được sự kết nối thực sự với họ.
Ngay lập tức có thể bắt chuyện tự nhiên với người lạ là điều không dễ dàng – trừ khi bạn học cách quan sát và thích nghi thì mọi chuyện sẽ khác.
Cập nhật: 04/07/2016 Vân Anh - Theo The Daily Muse