1. Quay dọc hay ngang
Đối với việc quay video theo chủ đề phong cảnh, thiên nhiên thì bạn nên lưu ý hạn chế tối đa quay theo chiều dọc. Bởi vì lúc này video của bạn sẽ xuất hiện 2 khoảng đen trên dưới rất khó chịu và mất thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, khi quay bằng chiều ngang sẽ làm video của bạn trở nên thú vị hơn khi xem trên màn ảnh rộng, tất nhiên trong một số trường hợp đặc biệt bạn có thể linh hoạt thay đổi điều này sao cho phù hợp nhất.
2. Bố cục
Tương tự như nhiếp ảnh, bố cục trong video ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ và sự tinh tế, bạn nên áp dụng nhiều nguyên tắc phổ biến như đường chân trời, bố cục tưởng tượng 1/3 vào nội dung quay.
Đối với video có khung hình xuất hiện đường chân ngang (mép tường, đường biển, đường núi...) và ta thường gọi là đường chân trời thì bạn nên lưu ý chúng phải song song với 2 mép trên dưới của khung hình, đặc biệt hơn là hạn chế đặt chúng nằm cân đối so với 2 mép trên và dưới.
Nếu quay video có nhiều cảnh hoạt động hay con người thì nên áp dụng quy tắc đặt chủ thể chính và góc 1/3 trên khung hình, điều này sẽ giúp lột tả nhanh nội dung video muốn thể hiện.
3. Có nên zoom
Nếu bạn có thể tiếp cận chủ thể thì mình khuyên không nên sử dụng tính năng zoom trên smartphone để thu/phóng. Vì nếu làm thế chất lượng của video sẽ suy giảm (kể cả khi dùng zoom quang học) và khó kiểm soát khả năng rung khung hình.
4. Đèn flash
Không nên sử dụng đèn flash để ghi lại chủ thể là con người, vì bạn sẽ bị ám ảnh bởi làn da màu vàng cháy, mắt đỏ rực kết hợp với nền tối do đèn flash lưu lại. Thay vào đó, hãy kiếm một vài nguồn sáng nhỏ như bóng đèn led, đèn ô tô...để lấy cảm hứng sáng tạo.
5. Time lapse
Đây là thuật ngữ nói về kỹ thuật quay video tua nhanh thời gian nhằm tạo sự mới mẻ hơn khi thời gian quay video rất dài. Bạn có thể áp dụng kỹ thuật này trong video phong cảnh hay hoạt động của con người.
Tính năng Time lapse được tìm thấy trên rất nhiều smartphone hiện nay, và bạn có thể tìm thấy chúng trong menu cài đặt với biểu ngữ: Time lapse hoặc tua nhanh thời gian hoặc video nhanh.
6. GIFs
Bạn dự định chia sẻ 1 đoạn video ngắn về một vài khoảnh khắc thú vị lên mạng xã hội, hãy cân nhắc điều đó. Video có thể lột tả chi tiết mọi việc xảy ra , tuy nhiên chúng khá rối và khó hấp dẫn người xem. Thay vào đó bạn cần 1 cái đơn giản hơn, và ảnh động GIFs là sự lựa chọn không tồi.
Có rất nhiều ứng dụng tạo ảnh GIFs từ video/ảnh có sẵn, và mình có thể gợi ý cho bạn một vài cái tên chất lượng như: GIPHY - Animated GIFs Search Engine, Google Photos, hay Tumblr.
7. Hiệu ứng
Để làm sinh động thêm cho đoạn video vừa quay trước khi chia sẻ, bạn nên áp dụng một vài bộ lọc hiệu ứng, kết quả thu được sẽ thú vị hơn rất nhiều đấy. Một vài cái tên sẽ giúp bạn làm tốt trong vấn đề này như: bộ lọc video trên ứng dụng Snapchat, hay Instagram là một lựa chọn không tồi.
8. Phụ kiện
Với sự phát triển thần kỳ và nhanh chóng nhiếp ảnh trên smartphone, nhiều hãng phụ kiện đã đua nhau và cho ra đời rất nhiều vật dụng giúp ích chúng ta trong quá trình tác nghiệp quay video như: Ống kính Tele zoom (giúp bạn cải thiện khả năng thu phóng video), ống kính macro (giúp quay những sinh vật nhỏ bé) hay ống kính góc rộng để tạo sự mới lạ.
Như vậy mình đã giới thiệu đến bạn 8 thủ thuật, tinh chỉnh giúp nâng cao chất lượng khi quay video bằng smartphone. Nếu thấy hữu ích đừng quên chia sẻ với bạn bè nhé!
Phan Phú Trung