Dauntless đã mở cửa miễn phí cho phép người chơi trải nghiệm phiên bản Beta của mình được một thời gian không quá ngắn, nó đủ lâu để cộng đồng game thủ có cái nhìn tổng quát nhất về tựa game này. Liệu tựa game bị gắn mác “ăn theo” này có làm nên kỳ tích và vượt mặt ông lớn Monster Hunter World không, bài viết này TCN sẽ mang đến cho bạn đọc đánh giá chân thật nhất.
Cụt hứng ngay từ màn khởi động đầu game
Dauntless gần như không quan tâm gì đến nội dung cốt truyện của mình, mọi thứ gần như hời hợt về từng chi tiết. Mở đầu game bạn sẽ vào vai một thợ săn (Hunter) và chuẩn bị trải nghiệm nhiệm vụ đầu tiên của mình thì tai nạn không hay ập đến làm cho con thuyền bay bị hư hỏng nặng. Không lâu sau người chơi bị rơi xuống một vùng đất lạ, ở đây tràn ngập là những chủng loài quái vật đầy thú tính và rất dữ tợn.
Nhiệm vụ của bạn là tiêu diệt hết tất cả các mối hiểm họa này. Đây quả thật là một mạch cốt truyện quá đại trà và không quá mới mẻ, thời gian gần đây các tựa game online đã rất đầu tư vào nội dung của mình chứ không chỉ dừng lại ở vài mạch truyện đơn điệu như trên. Thêm vào đấy càng trải nghiệm sâu vào Dauntless người chơi sẽ nhận ra game không hề đề cập đến nội dung chính của mình nữa, mà thay vào đấy là “cắm đầu cắm cổ” đi đập nhau với lũ quái vật
Khâu khởi tạo nhân vật “vô hồn” cho riêng mình ?
Thường thì đặc thù của các tựa game ARPG chính là công việc tạo lập nhân vật, một nhiệm vụ mà biết bao game thủ dành rất nhiều thời gian để nhào nặn nhân vật cá tính cho riêng mình. Tuy nhiên Dauntless lại hoàn toàn đi ngược với các điều trên, tin tôi đi đây sẽ là tựa game tạo nhân vật nhanh nhất mà game thủ từng chơi. Các yếu tố hiệu chỉnh các bộ phận chỉ dừng lại ở mức cơ bản và không có nhiều sự chọn lựa dành cho bạn.
Đặc biệt nhất chính là phong cách tạo hình khuôn mặt của Dauntless rất khó hiểu, khó hiểu ở đây chính là chúng xấu và vô hồn đến mức bạn không thể hình dung được, nếu bạn chọn lựa nhân vật nữ thì chắc chắn bạn sẽ skip bước này vì nó tệ còn gấp nhiều lần nhân vật nam. Không biết đây là phong cách riêng của Dauntless muốn tạo dấu ấn cho người chơi, hay do bộ phận phát triển cảm thấy game miễn phí thì chẳng cần nhân vật đẹp cũng vẫn sẽ ăn khách hơn chăng? Nhưng nói vậy cũng không đúng vì cũng đã từng có rất nhiều sản phẩm Free to Play nhưng cực kỳ chú trọng vào các yếu tố này nhằm tạo sự thu hút cho game thủ (Black Desert, Vindictus, Blade & Soul,…). Nếu muốn đổ lỗi thì có lẽ lỗi lớn nhất là ở phong cách comic “xấu xấu, nhạt nhạt, hài hài” kiểu Fortnite mà nhà sản xuất lỡ chọn phải.
Phong cách đồ họa hoạt hình/comic không đến nơi đến chốn
Nhìn tổng thể thì Dauntless thiết kế thế giới của mình với gam màu trong sáng nhiều màu sắc và không quá u tối, các chủng loại quái vật được thiết kế chưa thật sự độc đáo và có sự trùng lập nhiều. Điển hình là việc cùng một loại boss nhưng được phát triển lên thành các chủng loại quái vật khác chỉ bằng cách thay đổi một vài chi tiết nhỏ. Thêm vào đấy các chiêu thức kỹ năng chưa thật sự đa dạng và phong phú, cách thức ra đòn cũng như khả năng chuyển động tạm chấp nhận được và không quá bắt mắt game thủ. Nếu trải nghiệm trong một thời gian dài người chơi sẽ dần cảm thấy ngán với phong cách đồ họa trên chứ chưa bàn đến gameplay.
Có một bộ phận các game thủ nhận định là Dauntless thiết kế theo phong cách đồ họa hoạt hình một phần vì muốn giảm đi độ nặng của cấu hình và đến tay nhiều game thủ hơn, tuy nhiên đấy lại là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Mặc dù đồ họa mà Dauntless yêu cầu không gọi là quá khủng chỉ với card màn hình GTX 660Ti và i5 là đủ để có thể trải nghiệm game với mức khung hình là 30 – 40 FPS, nhưng để có thể chạy game một cách ổn định nhất thì cho dù là các máy cấu hình mạnh hơn cũng thường xảy ra các trường hợp giật cũng như drop khung hình. Nếu ta nhìn tổng thể thì Dauntless không có quá nhiều chi tiết và bản đồ của game trong một màn chơi không quá lớn, nhưng lại gây ra các trường hợp trên thì thật sự là một điểm trừ lớn.
Ngoài ra âm thanh cũng không quá được đầu tư, các NPC vô hồn đi kèm những câu thoại buồn chán và gần như không được lồng tiếng. Phần âm thanh sử dụng cho các trận đấu cũng không mấy hấp dẫn và thu hút, phần nào đấy đã giảm đi sự lôi cuốn trong xuyên suốt quá trình trải nghiệm của Dauntless.
Ngao ngán với gameplay đơn điệu và rập khuôn
Dauntless vẫn giữ nguyên phong cách quen thuộc của dòng game ARPG, chú trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ cùng với tổ đội của mình thông qua cơ chế chơi Online. Game cho phép game thủ thực hiện các nhiệm vụ mà NPC giao phó thông qua các bản đồ và vị trí khác nhau để săn giết mục tiêu quái vật theo yêu cầu và đấy cũng chính là việc bạn sẽ bám víu theo suốt trải nghiệm Dauntless mà không có sự thay đổi hay chuyển mình nào khác về lối chơi.
Dauntless sẽ không phân chia các class cho người chơi chọn lựa mà thay vào đó là việc mang đến cho bạn trang bị từng món vũ khí khác biệt nhau, như song đao thì có vai trò tương đương với sát thủ hay là kiếm khá giống với đấu sĩ. Với từng món vũ khí mà game thủ chọn lựa sẽ đi kèm với từng chiêu thức kỹ năng khác nhau và đấy là cách phân chia class của Dauntless, điều này khá đơn giản không quá rườm rà nên người chơi có thể nắm bắt dễ dàng.
Kế đến chính là thế giới săn quái của Dauntless quá hạn hẹp, mọi thứ gói gọn chỉ trong một quy chuẩn nhỏ không tuyến tính quá nhiều về gameplay. Mọi thứ chỉ rập khuôn bằng công việc các game thủ trong một đội tản ra nhiều khu vực chạy thục mạng để đi tìm cho bằng được vị trí của boss, ngoài ra không có các chủng loại quái vật nhỏ cho bạn nâng cao cấp độ (vì Dauntless không trang bị hệ thống level).
Có một điều khá hài hước chính là Dauntless bắt người chơi phải chạy lòng vòng khắp bản đồ để tìm vị trí kẻ thù, nhưng lại không trang bị map hay mini map cho người chơi định vị hướng của mình. Thêm vào đấy là việc một khi ai đấy trong tổ đội tìm được vị trí thì họ sẽ bắn một loại pháo tín hiệu, nhằm định hướng cho các người chơi khác. Tuy nhiên rất khó để có thể nhìn ra tín hiệu này, đa phần các game thủ đều chạy lụi một cách vô định và bằng một sự may mắn nào đấy họ gặp nhau. Do đó trong thời gian sắp đến hi vọng Dauntless có thể bổ sung map cho game thủ dễ dàng xác định cũng như pin vị trí cho nhau.
Kết
Với việc ăn theo phong cách chơi và không biết thay đổi đến nơi đến chốn, điều này dẫn đến việc Dauntless trở thành một sản phẩm không đáng để game thủ dành thời gian trải nghiệm. Việc đơn điệu về gameplay nhàm chán chỉ sau vài nhiệm vụ đầu và đi kèm với phong cách đồ họa không quá đặc sắc, từ đó Dauntless gần như thất bại hoàn toàn trong mắt người chơi. Tuy nhiên nếu bạn mong muốn có những phút giây đi săn quái cùng với bạn bè của mình, thì Dauntless may ra có thể đáp ứng trọn vẹn được trải nghiệm trên. Nói qua thì cũng nói lại Dauntless là một tựa game free to play mang trong mình khá nhiều tiềm năng phát triển, hi vọng trong thời gian sắp đến game sẽ cập nhật và chuyển mình tốt hơn.
Chốt hạ một điều, những thứ Dauntless cố copy của Monster Hunter World, họ đã copy được nhưng những thứ khiến một game có bộ khung “nhàm chán” như MHW trở nên cực kỳ hấp dẫn như đồ họa tả thực, thế giới rộng lớn, sự chi tiết trong gameplay… đều bị thiếu trong Dauntless.
Nguồn : https://motgame.vn/danh-gia-dauntless-mot-san-pham-an-theo-te-hai.game