Như đã nói ở lần trước, các sản phẩm game sau này, tức là từ những năm đầu thế kỉ 21 trở lại đây, sở hữu công nghệ đồ họa cao, hình ảnh 3D sắc nét nên hiển nhiên mang đến nhiều trận đấu boss hoành tráng. Còn với những tựa game ở thể kỉ 20, công nghệ chưa phát triển vượt bậc như ngày nay, liệu họ có mang đến cho game thủ thời đó cảm giác lâng lâng khó tả khi đập boss không?
Câu trả lời chắc chắn là có, không một game thủ gạo cội nào có thể quên được những ngày tháng ấu thơ với hằng hà vô số các game 2D, đồ họa thì không như bây giờ nhưng sức hấp dẫn thì không thể chối từ. Đặc biệt, những trận đấu boss trong game có thể được xem là huyền thoại.
Wyzen – Asura’s Wrath
Chúng ta sẽ mở đầu phần cuối này với một cảnh đấu boss huyền thoại. Mặc dù tựa game console Asura’s Wrath phát hành năm 2012 không mấy vang danh như những game đình đám khác cùng thời nhưng nó được đánh giá là game chất lượng. Chỉ vì sự tham lam của Capcom đã khiến hãng này cắt true ending của game ra làm DLC khiến cộng đồng nỏi giận tẩy chay dẫn đến chết game. Thực sự tựa game này có những cảnh đánh boss hoành tráng nhất.
Đỉnh của đỉnh trong đó là cảnh đấu boss Wyzen, cảnh này được đặc biệt mang lên các trailer và thậm chí nó hoành tráng đến mức phim Tây Du Kí mối tình ngoại truyện (2013) đã nhái lại cảnh này cho đoạn kết liệu Tôn Ngộ Không bất trị.
Wyzen vốn là một thành viên trong bát đại tướng quân hộ vệ hoàng gia, từng là một trong những đồng liêu của Asura vốn cũng trong nhóm này. Tuy nhiên sau khi Asura bị vu oan tội ám sát hoàng đế và bị phế hết quyền năng phải bất tỉnh trong 12.000 năm, Wyzen trở thành 1 trong thất đại thần nhân sức mạnh vô biên, đổi cách gọi Asura thành “kẻ phản bội”. Asura đụng độ Wyzen khá sớm trong hành trình dài của mình tuy nhiên độ hoành tráng của trận này lại thuộc dạng mát mắt đã tai nhất game.
Asura lần lượt đánh bại Wyzen, giờ đây sở hữu sức mạnh của thần thánh, qua 3 biến hình với sức mạnh tăng dần. Hình dạng đầu tiên là Wyzen bình thường, hình dạng kế tiếp là Vajra Wyzen (Wyzen biến thành khổng lồ) và hình dạng tối hậu Gongen Wyzen (to bằng một hành tinh).
Game thủ luôn phải đánh nhau, tránh né kết hợp với các đòn QTE nhằm đẩy thanh nộ lên tối đa và dứt điểm Wyzen. Ở dạng cuối cùng, Wyzen từ ngoài vũ trụ chọc ngón tay mình xuống hành tinh với ý định sẽ giết Asura như một con kiến. Tuy nhiên kết quả thì… nhân vật chính làm sao chết được, với sức mạnh đến từ sự cuồng nộ tích tụ sau 12.000 năm đau khổ gia đình ly tán vợ chết con bị bắt cóc, Asura trút hết lên đòn cuối cùng khiến Wyzen bị tan xác ngoài vũ trụ.
Rugname – Metal Slug Series
Cái tên đầu tiên bước ra từ lịch sử đó chính là Metal Slug đứa con cưng của nhà sản xuất SNK. Đây là một trong những tập đoàn lớn của Nhật Bản gần như đặt nền móng cho nền công nghiệp game arcade – những game xuất phát từ máy chơi xu trong nhà văn hóa ngày xưa. Câu chuyện dài đằng đẳng của các chú Rambo, chiến đấu chống lại đủ các loại thế lực trên thế giới cuốn hút mọi lứa tuổi trên toàn thế giới.
Một trong số những con boss to lớn và mang nhiều giá trị xuyên suốt cho cốt truyện đó chính là Rugname. Vật thể bay không xác định Rugname là boss cuối ở phần Metal Slug 2, nhưng trở lại với vai trò boss phụ ở phần 3, và là nơi tiếp nối cốt truyện của phần 5.
Rugname được cho là to bằng cả một thành phố, giữ vị trí quan trọng trong chiến dịch hắc ám của nhóm phản diện Martian. Boss có vai trò như một tàu mẹ rải quân đi muôn nơi, vì thế nó sở hữu bộ giáp cực kì cứng cáp để chống chịu các đợt tấn công và bảo vệ cho Rootmars – boss cuối thật sự của game.
Quay lại phần 2, game thủ sẽ gặp Rugname ở màn cuối. Cảm giác đầu tiên sẽ là bị che mất một góc trên màn hình bởi độ to lớn của con tàu vũ trụ, sau đó sẽ khá là rối mắt khi tàu mẹ đẻ ra vô số các tàu UFO con, vừa trâu vừa bắn đau. Kế đến đại pháo laser của boss phụ Dai-Manji với độ càng quét thì khỏi phải bàn. Để chơi qua màn này một cách thuần thục mà không phải “hack mạng” như trên PC, đòi hỏi cả đống thời gian luyện tập kiên trì.
Điểm nhấn nữa chính là: nhiệm vụ lần này gần như bất khả thi, vì súng ống chả làm gì được Rugname, cách duy nhất để chiến thắng là đánh vào Dai – Manji để giảm khả năng chiến đấu của con tàu. Và lần này người kết thúc màn đấu sẽ là phe quân đội với màn cảm tử, lao máy bay vào tâm của khẩu pháo laser, sau khi game thủ đã bắn suy yếu chúng. Giống y như những gì vị phi công dũng cảm Russel đã làm trong bộ phim Ngày độc lập (Independence Day) năm 1996.
Màn đấu boss sẽ có kết thúc cực kì hoành tráng, cứ như phim vậy nhưng là một kết thúc mở khi chỉ Dai – Manji nổ tung, còn Rugname bay đi, tiếp tục câu chuyện ở phần sau.
Sigma – Megaman X4
Megaman hay Rockman được tạo nên dưới bàn tay tài hoa của CAPCOM trên hệ máy Playstation vào cuối những năm 90 của thế kỉ 20. Rockman tuy không được đánh giá cao trên các diễn đàn game với rating rơi vào tầm 6-7/10 nhưng những giá trị về mặt hoài niệm thì không thể phủ nhận. Đương nhiên phải kể đến những con boss và những màn đấu boss kinh điển nữa.
Sigma là nhân vật phản diện chính đóng vai trò boss cuối trong đa phần các tựa game Megaman X. Boss không có hình dạng thật vì xuất thân là một chương trình thông minh, phức tạp sản phẩm của nhà khoa học đại tài Dr. Cain – người phát hiện ra Rockman và hướng dẫn anh chống lại thế lực muốn thống trị thế giới: Mavericks Hunter đứng đầu bởi Sigma.
Dr. Cain dồn nhiều tâm huyết vào Sigma nên con boss này sở hữu nhưng công nghệ tối tân nhất, thậm chí gần như là bất tử khi liên tục xâm nhập các bộ máy và trở lại ở các phần trong Megaman X. Nhưng phần nổi bật nhất thể hiện sức mạnh và sự biến hóa khôn lường của Sigma chính là Megaman X4. Đây là phần duy nhất Sigma có tới 4 hình dạng khác nhau trước khi hóa thân thành boss cuối màn.
Khởi đầu với hình dạng Reaper – Tử thần với lưỡi hái, cho đến cuối cùng với hình dạng một cỗ máy chiến tranh to lớn dây dợ lằng ngoằng. Reaper là con boss duy nhất trong game khi người chơi phải sử dụng kĩ năng đặc biệt của X – Rockman, mới có thể tiêu diệt được đó là bắn lửa Rising Fire. Khá khó chịu khi phải cân Reaper ở thời điểm đầu game.
Ở màn cuối hình dạng cyborg khổng lồ của Sigma khá dễ bị bắn trúng thế nên thanh niên phải tận dụng sức mạnh, chơi chiêu ném đá dấu tay trước để làm khó X. Kể cả ném đầu robo luôn, đầu robot “bay lung tung, bay lên không trung”, đáp xuống mặt đất mà không nhanh tay lẹ mắt là tạch ngay, bởi sức mạnh của những đòn tấn công này đa phần là chí mạng.
Nhưng lại một lần nữa khi không phải game thủ là người kết thúc màn đấu boss này, X chỉ tạm tiêu diệt Sigma. Người kết thúc phần 4 của Megaman X là General of Repliforce, tướng quân của đội quân chống lại Sigman nhưng đã bị hắn xâm nhập và lợi dụng chiếm lấy công nghệ. Ông lao thân mình vào hệ thống máy chủ để hi sinh nhằm tiêu diệt hẳn Sigma.
À thì tất nhiên là không diệt hẳn được, series Megaman X có tới 8 phần, mới phần 4 thôi chuyện còn dài nhưng ông cũng góp công lớn khi nhận ra mình bị lợi dụng và sửa sai bằng cách hi sinh thân mình một cách quả cảm.
Nói đến đây Motgame lại nhớ về những ngày thơ ấu khi vật vả xin tiền để đi chơi game trong các máy xu ở nhà văn hóa trong khu phố, không ít lần bị lôi cổ về nhà. Kể cả khi các tựa game trên trở lại với hệ máy PC, ở các phiên bản của NEOGEO, đời game thủ lúc đấy cũng vẫn khá gian truân. Phụ huynh gank miết, nhục mặt với bao nhiêu bạn bè, nhiều khi thời gian để đấu boss cũng không có khi phải vừa chơi vừa né gank liên tục. Nhưng sau này nghĩ lại thì rất vui, còn một chút gì để nhớ đến một tuổi thơ trẩu tre đầy dữ dội.
Nguồn : https://motgame.vn/nhung-man-dau-boss-hoanh-trang-nhat-trong-lich-su-p3.game