Ngày 23/1/2017 vừa qua, tựa game mà Mọt tôi mong đợi cả năm nay là My Time at Portia cuối cùng cũng đã ra mắt giai đoạn Early Access với phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên cho thử nghiệm rộng rãi. Mặc dù “kết mô đen” cái game này từ hồi xem trailer của nó giữa năm trước nhưng Mọt tôi cũng bận túi bụi nên phải tận nhiều ngày sau mới có dịp dành thời gian trải nghiệm khá khá mà viết bài.
Nhìn chung đây là một tựa game 3D thế giới mở sử dụng lối đồ họa hoạt hình và màu sắc rực rỡ. Phong cách chơi của game học hỏi khá nhiều ở 2 tựa game lớn là Stardew Valley và Minecraft. Tất nhiên My Time at Portia đã có những chất riêng đầy ấn tượng và thoát khỏi cái bóng “nhái theo” của những game khác.
Một cốt truyện kinh điển của thể loại nông trại
Cốt truyện mở đầu sau khi bạn tạo xong ngoại hình nhân vật. Cảnh đầu tiên sẽ là nhân vật chính của chúng ta đi thuyền từ phương xa về thị trấn Portia. Tại đây, nhân vật chính được kế thừa xưởng chế tạo do người cha quá cố di chúc để lại. Với sự giúp đỡ của ông Presley, bạn cũ của bố là nhân viên của thương hội trong thị trấn, nhân vật chính bắt đầu con đường trở thành người chủ xưởng của mình.
Ông chú Presley hướng dẫn nhân vật chính “nhập môn”
Cùng với bức thư nhắn nhủ cuối cùng, người cha quá cố để lại cho nhân vật chính một quyển sổ tay ghi cách thức và các công thức chế tạp cơ bản để đứa con của ông có một khởi đầu tốt. Và thế là nhân vật chính của chúng ta bắt đầu cuộc sống tại làng quê yên bình Portia.
Thoạt nhìn chắn chắn các fan của game nông trại sẽ nhận ra ngay mô típ quen thuộc từng gặp trong các game cùng thể loại như Stardew Valley. Đại loại như nhân vật chính thừa kế một tài sản bị bỏ hoang của người đi trước và rời bỏ cuộc sống hiện tại để chuyển về sinh sống ở một vùng quê yên bình.
Đồ họa hoạt hình đầy màu sắc và thế giới rộng lớn của My Time at Portia
Mọt tôi không muốn nhắc Harvest Moon vì Natsume rõ ràng chẳng quan tâm đến game thủ PC Master Race khi phiên bản game duy nhất của họ trên PC nhìn chẳng muốn chơi chút nào.
Gameplay đậm chất chế tạo
Có thể nói My Time at Portia là một bản 3D của Stardew Valley khi “bưng cả rổ” quy cách chơi về cho mình, ngay cả cách save theo ngày đặc trưng. Tuy nhiên vẫn có một điểm khác biệt rất lớn, đó là việc trồng trọt bị giảm đi rất nhiều thay vào đó là việc chế tạo và phiêu lưu được ưu ái hơn hẳn.
Chỉ trồng trọt được trong thùng gỗ, mà công thức chế thùng gỗ lại không có sẵn
Phải công nhận rằng “làm thợ” được ưu ái hơn hẳn so với “làm ruộng” trong My Time at Portia, không biết mấy ông trong nhà phát triển có phải xuất thân từ kỹ sư cơ khí hay không mà thiên vị ghê gớm. Phần chế tạo (crafting) trong game được thiết kế rất đặc biệt và phức tạp hơn những tựa game cùng loại kể cả Minecraft, “đại ca” của game chế tạo.
Với My Time at Portia bạn không đơn giản là vất nguyên liệu lên bàn rồi gõ búa vài cái là xong. Game chia ra làm 2 loại item là “item nhỏ” và “item to”. Với item cỡ nhỏ bạn có thể chế bằng bàn chế cơ bản và có cách tạo đơn giản. Riêng item cỡ lớn như trạm xe hay xe chở khách bạn phải dùng đến một bàn chế đặc biệt gọi là bàn lắp ráp.
Item nhỏ có thể chế ngay tại bàn làm việc (Worktable)
Đấy cũng chính là điểm giúp My Time at Portia đạt điểm 10 vì nó quá hấp dẫn ở phần chế tạo này. Item lớn phải chế từ bản vẽ, mỗi bản vẽ sẽ mô tả cho bạn biết bạn cần những bộ phận gì, nguyên liệu nào, số lượng bao nhiêu. Khi đã có đủ bạn sẽ ráp từng phần lên bàn lắp ráp cho đến khi hoàn thành, sau khi hoàn thành bạn có thể nhặt nó lên cho vào túi đồ như một item bình thường. Mọt tôi thật sự sốc khi thấy thằng nhóc nhân vật chính của mình bỏ một… chiếc xe lam 3 bánh vào túi. Đâu phải game nào cũng cho bạn chứng kiến cảnh “lạ đời” như vậy đúng không?
Bản vẽ mô tả các linh kiện và số lượng nguyên liệu cần có
Sau khi có đủ linh kiện cần phải lắp ráp vào nhau cho hoàn chỉnh
Tất nhiên để hưởng cảm giác “yomost” khi hoàn thành một item lớn bạn phải đổ mồ hôi và cày nguyên lập sml ra. My Time at Portia cung cấp nguyên liệu từ rất nhiều nguồn, các nguyên liệu thiên nhiên như gỗ, đá có thể nhặt ngay xung quanh nhà. Khoáng sản như đồng, sắt thì phải bổ đá cấp cao hoặc vào hầm mỏ bỏ hoang để khai thác quặng mỏ. Các chi tiết máy móc như động cơ, linh kiện, mạch điện, dây đồng… chỉ nằm trong mỏ, bạn phải đào tìm mới có. Một số khác lại phải mua ở shop, nhất là bộ nâng cấp công cụ dụng cụ.
Có nguyên liệu thô đã mệt, tinh chế nó lại càng không đơn giản. Có nhiều loại máy móc khác nhau để tinh chế nguyên liệu như lò nung để nung một quặng sắt thành thỏi sắt, máy tiện để biến một thỏi sắt thằng một ống sắt, máy cưa để cắt một miếng gỗ thành một tấm ván, máy dệt để biến một tấm da nát thành một tấm vải…
Nhiệm vụ và phiêu lưu
My Time at Portia sẽ chẳng thể được khen nếu chỉ có bấy nhiêu đó nội dung. Thực sự thì những thứ vừa kể ở trên chỉ chiếm khoảng một nửa những nội dung là game mang lại. Bạn trải qua muôn vàn gian khổ chế ra một thứ phức tạp chắc chắn không phải chỉ để vứt shop rồi thôi. My Time at Portia có một hệ thống liên kết chặt chẽ việc chế tạo với thế giới trong game.
Tiệm ăn hoành tráng của ông chú Django
Nhớ Mọt tôi có nhắc ông chú Presley ở thương hội chứ? Đúng vậy, Portia là một ngôi làng “sống” với đầy đủ mọi thứ mà một ngôi làng thật cần có. Từ tòa thị chính, thương hội, công ty xây dựng, Civil Corp (dân quân tự vệ), nhà thờ, viện nghiên cứu cho đến các shop bán hàng nhiều thể loại từ ăn được đến ăn được chết liền. Và tất cả mọi người ở những nơi đó đều có nhu cầu chế tạo cái gì đó.
Một đơn hàng chế tạo 2 cái máng nước từ tòa thị chính
Tòa thị chính sẽ có những đơn hàng lớn liên quan đến cơ sở hạ tầng của thị trấn như sửa cầu, lắp trạm xe buýt cho đến các hội nhóm lớn như nhà thờ hay viện nghiên cứu cần cái này cái kia và cuối cùng là các cá nhân dân làng gặp khó khăn cần một món gì đó. Tất cả đều sẽ có những đơn hàng cho bạn thực hiện và phần lớn là có quy định thời gian trong bao nhiêu ngày phải giao sản phẩm, trừ nhiệm vụ chính tuyến tất nhiên không giới hạn vì… hơi khó làm.
Đi kèm với thù lao, mỗi lần bạn hoàn thành đơn hàng và trả nhiệm vụ bạn sẽ nhận được kinh nghiệm, điểm danh tiếng và đôi khi là một số quà tặng lại quả như nguyên liệu thô, đồ ăn.
Bản đồ trong game khá rộng và mở dần theo nhiệm vụ chính tuyến
Đối với phần phiêu lưu, My Time at Portia cung cấp một bản độ khá lớn với nhiều vùng được mở dần theo cốt truyện. Tất nhiên đi kèm sẽ là những nguyên liệu cao cấp có thể chế ra những thứ tinh xảo và giá trị cao. Có thể nói My Time at Portia là một thế giới để khám phá, từ những hầm mỏ tối tăm đến những vùng xa xăm còn đóng kín.
Cuộc sống làng quê bình dị nhưng thú vị
Từ Stardew Valley cho đến Harvest Moon đều cố làm một việc là tái hiện cuộc sống cộng đồng tại thị trấn giúp người chơi không cảm thấy cô đơn khi đắm mình vào game. My Time at Portia đi theo hướng của Stardew khá rõ nhưng với đồ họa 3D và thiết kế khéo léo, thị trấn Portia đã trở nên sống động một cách tuyệt vời.
5 anh em béo ú đang bày tiệc nướng cạnh bờ sông
Mỗi người dân sẽ có một chỉ số thân thiện với bạn, khi trò chuyện, làm nhiệm vụ, tặng quà cho nhân vật thì điểm thân thiện cũng tăng.
Tất nhiên bạn có thể chọn và “cưa cẩm” các cô gái trong làng nếu bạn là nhân vật nam và ngược lại. Mọt tôi đặc biệt thích Emily, không hẳn vì cô ta xinh nhất làng mà vì bà ngoại Sophia của cô có một điền trang rộng gấp 30 lần cái xưởng của tôi, lại là chủ cửa tiệm nông sản.
Mỗi dân làng có một chỉ số thân thiện riêng, hình ngôi sao nghĩa là không thể “cưa cẩm”
Các nhân vật trong làng cũng có một lộ trình hàng ngày nhất định, mỗi buổi họ sẽ di chuyển đến một vị trí khác nhau. Ví dụ ông chủ tiệm nội thất đến tối sau khi đóng cửa tiệm lại ra đài phun nước của làng để tập thể lực, sức yếu thì làm sao bê giường tủ nổi đúng không? Có hôm Mọt tôi chặn đường lão thách đấu võ và chiến thắng vẻ vang.
Ngoài các tương tác cơ bản nhưng trò chuyện, tặng quà, bạn còn có thể chơi 2 mini game cùng các nhân vật trong làng bao gồm oản tù tì và thách đấu võ. Nhìn có vẻ không có gì hot nhưng thực sự nó quan trọng vì một trong những điều kiện để mở cửa sang khu vực mới là thách đấu thắng các thành viên của Civil Corp. Tất nhiên Mọt tôi thua sml vì bọn họ toàn là những người được huấn luyện để bảo vệ an ninh trật tự cho thị trấn.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến các ngày hội của làng. My Time at Portia có những sự kiện đặc biệt và nó luôn được gửi thư đến người chơi vào mỗi buổi sáng để nhắc nhở khi thời gian gần kề. Ví dụ như lễ hội Bright Sun, vài ngày trước lễ ông thị trưởng gửi thư nhắc mỗi người mang một món quà đến cho ông và các gói quà sẽ được cho lên khí cầu. Đúng giờ diễn ra lễ hội bạn phải vào thị trấn và sẽ được tham dự lễ hội đuổi theo khí cầu nhặt quà cực vui.
Thu thập công thức và tăng kỹ năng
Một điểm khá đáng tiếc ở My Time at Portia là game chỉ mới ở giai đoạn Early Access, số lượng công thức vẫn còn khá khiêm tốn và không có chuyện tất cả công thức đều có sẵn như Minecraft. Một số công thức phải được mở bằng các nhiệm vụ hoặc đổi bằng một phương pháp đặc biệt như đổi đĩa CD cũ ở viện nghiên cứu chẳn hạn.Đổi đĩa CD cũ (Data Disc) nhặt khi đào mỏ lấy các bản vẽ item ẩn
Công thức item sẽ được cho thông qua các quyển sách công thức và các item lớn sẽ học qua các bản vẽ. Còn một cách nữa để có thêm công thức là nhờ mấy ông công ty xây dựng nâng cấp hộ cái bàn chế tạo, khi tăng cấp nó sẽ mở cho bạn những công thức rèn item cao cấp hơn. Giá đắt lòi ra!
Về kỹ năng, My Time at Portia có hệ thống tăng cấp theo kiểu RPG. Các hoạt động của bạn đều tốn một lượng thể lực (stamina) nhất định bù lại cũng mang về một lượng kinh nghiệm. Khi lên cấp các chỉ số cơ bản như HP, Stamina sẽ tăng và bạn sẽ có thể điểm để tăng các kỹ năng của mình. Cây kỹ năng chia ra làm 3 nhánh riêng biệt về chiến đấu, thu nhặt nguyên liệu và giao tiếp xã hội. Các kỹ năng trong mỗi nhánh sẽ tăng chỉ số liên quan đến nhóm công việc tương ứng ví dụ kỹ năng thu nhặt sẽ giúp giảm hao thể lực khi thu lượm nguyên liệu hay kỹ năng chiến đấu sẽ tăng sát thương hoặc phòng thủ theo %.
Các kỹ năng và chỉ số cơ bản của nhân vật
Điểm độc đáo của My Time at Portia là nó cung cấp một cách khác để tăng chỉ số nhân vật, đó là trang trí nội thất. Một món đồ nội thất sẽ tăng một chỉ số nào đó cho bạn khi được đặt trong nhà, tất nhiên các chỉ số đều có giới hạn cao nhất, bạn khó mà farm điểm bằng cách ném một đống đồ vào nhà như vựa ve chai chỉ để có thêm điểm vô địch.
Nâng cấp bàn làm việc để bổ sung công thức chế item cấp cao
Các chỉ số chỉ tăng khi bạn nhờ mấy ông xây dựng (lại mấy lão xây nhà đắt lòi) nâng cấp nhà lên. Nhìn chung đây là cách rất dễ thương để “trị” mấy tên lười trang trí nhà trong các game mô phỏng. Thú thật căn nhà của Mọt tôi trong Stardew Valley còn bê bối hơn cái nhà kho nữa, Mọt tôi nhận ra điều đó khi phát hiện mình đặt 2 cái máy xử lý rác ngay cạnh giường ngủ.
Mua thêm đất mở rộng sân vườn
Không chỉ nhà mà khu đất của bạn cũng có thể nới rộng bằng cách… mua thêm đất. Với hàng đống máy tinh chế và thùng rương linh tinh, khu vườn hẹp ban đầu sẽ nhanh chóng không còn chỗ nhét đồ. Nhất là với số lượng nguyên liệu khá đồ sộ và cái tính gặp gì cũng tha về. Mọt tôi có một thùng riêng để chứa… phưn thú vật nhặt được ngoài đồng cùng với mấy món đồ ăn dùng dần đấy các bạn!
Một game phải chơi đối với các fan nông trại, chế tạo
My Time at Portia là một game cực kỳ đáng chơi đối với các fan của thể loại nông trại hay chế tạo. Với hệ thống chế tạo đa dạng kết hợp các quest kiểu đơn đặt hàng, bạn thực sự được đắm mình vào vai trò một người thợ chế tạo. Bạn sẽ hoàn toàn thoát khỏi thế giới ngột ngạt của cuộc sống để đắm mình vào một thị trấn nông thôn hẻo lánh nhưng yên bình và sống giữa những cư dân thân thiện, vui nhộn.
Hãy đến với Portia nếu bạn thích game mô phỏng nông trại và chế tạo
Điểm yếu duy nhất của game có lẽ là hơi ít công thức chế item nhưng game cũng mới chỉ ở giai đoạn Early Access đầu tiên. Còn rất nhiều thời gian để nhà phát triển nghiên cứu bổ sung công thức chế tạo cho bạn trải nghiệm.
Cấu hình tối thiểu để chơi My Time at Portia:
Hệ điều hành: Windows 7 trở lên, bắt buộc phải là 64 bit
CPU: Intel i3
Bộ nhớ: 6 GB RAM
VGA: ATI 5770, Nvidia GeForce GTX 460
DirectX: Version 10
HDD: 5 GB ổ cứng trống
Nguồn : https://motgame.vn/time-portia-ban-sap-mat-nhung-ma-vui.game