Mười năm trước, Dead Rising phát hành độc quyền trên Xbox 360 là một sự ngạc nhiên thú vị với nhiều người chơi, trong đó có tôi. Đó là trò chơi chặt chém, với chủ đề zombie mà chúng ta đã quá quen thuộc ngày nay.
Nói đến zombie, tất nhiên Capcom đã có dòng game Resident Evil để người chơi cân nhắc. Nhưng khác với hướng đi của Dead Rising, Capcom định hình Resident Evil tập trung chủ yếu vào yếu tố kinh dị và sinh tồn. Ngược lại, Dead Rising mang đến trải nghiệm zombie thuần khiết, dễ khiến người chơi sốc ban đầu khi chứng kiến hàng trăm “bạn” xác sống lê bước đầy khắp màn hình. Mà không chỉ có thế, phong cách mang nhiều nét kinh dị hài của Bruce Campbell trong dòng phim Evil Dead cũng là yếu tố khiến trò chơi tách biệt với những game khác cùng thể loại.
Phong cách ngập tràn zombie của Dead Rising
Ngày nay, những nội dung zombie không phải là điều mới mẻ, nhất là từ thành công của phim Dawn of the Dead năm 2004 do George A. Romero biên kịch. Chính ông Shinji Mikami, chỉ đạo game Resident Evil của Capcom, từng thừa nhận Dawn of the Dead là một trong những cảm hứng chính để tạo nên Resident Evil. Không rõ Capcom cảm hứng thế nào nhưng trên thực tế, Dead Rising khi ra mắt gần như là bản sao của phim này. Và chính điều đó đã khiến Capcom bị kiện.
Cả thập kỷ qua, chúng ta đã thấy rất nhiều thương hiệu hướng đến nội dung zombie trỗi dậy. Nổi tiếng nhất có lẽ là series phim truyền hình The Walking Dead và sau đó là series game cùng tên do Telltale Games thực hiện. Nhưng đáng chú ý trong trải nghiệm game, có lẽ phải nhắc đến Dead Island hay Dying Light của Techland và Left 4 Dead của Valve, xứng đáng tranh giải “máy cưa vàng” với Dead Rising.
Tuy nhiên, các dòng game nói trên lại đi theo hướng nghiêm túc hơn. Còn Dead Rising 3 thì sao? Mặc dù thừa hưởng gameplay hơi ngớ ngẩn nếu không muốn nói là khá bựa của series, định hướng của Capcom trong trò chơi năm 2013 này gần giống với Dead Island hơn Dead Rising, theo nghĩa bối cảnh thực tế và gai góc. Chưa kể, nó có một số yếu tố về giới tính khá quái đản.
Đáng mừng thay, phần chơi mới nhất đã trở lại với “bình cũ” Dead Rising. Thậm chí người chơi có lẽ còn vui hơn khi phần 4 của trò chơi đánh dấu sự trở lại của chàng phóng viên ảnh Frank West nay còn “quyến rũ” hơn. Với dịp kỷ niệm 10 năm tuổi của trò chơi, chỉ có thể nói nhà phát triển đã làm rất tốt những gì cần làm với Dead Rising 4.
Nhân vật chính Frank West trở lại từ phần 1
Trò chơi khởi đầu bằng phần chơi mở màn, với hình ảnh nhân vật Frank West đối mặt với cả ngàn zombie. Bối cảnh diễn ra rất quen thuộc trong một trung tâm mua sắm kiểu Mỹ. Không cần phải nói, phần 4 vượt bậc so với Dead Rising 3 về công nghệ đồ họa và nhịp độ khung hình mượt mà trên Xbox One. Đáng chú ý, phiên bản PC không khóa tốc độ khung hình và hỗ trợ độ phân giải cao nhất mà cỗ máy chiến game của bạn có thể gánh nổi.
Yếu tố gameplay vẫn là điểm mạnh trong Dead Rising, nay được khéo léo lồng ghép vào số lượng vũ khí có thể sử dụng. Trên thực tế, dòng game Dead Rising từ trước đến nay luôn tập trung vào số lượng “công cụ” khổng lồ cho các nhiệm vụ cần làm. Khi đó, nhà phát triển thiết kế tập trung vào tốc độ sát thương đối kháng của các loại công cụ có thể dùng làm vũ khí, giúp nhân vật tăng cơ hội sinh tồn giữa bầy zombie. Giờ đây, những công cụ này có thêm công năng mới, bên cạnh giúp Frank (và đồng bọn) kiếm thêm chút thời gian sinh tồn quý giá, còn dùng để mở lối đi.
Nếu bạn chỉ cần đảm bảo lũ zombie đổ gục và nằm bất động hoàn toàn, thì Frank có cây côn khổng lồ với đòn kết liễu “gõ đầu lâu” rất khiếp. Hay khi bị bao vây, một cây rìu tầm sét trong vòng cung rất lớn, có thể tạo hiệu ứng “giật điện” dây chuyền rất ngoạn mục đến đám xác sống. Một điều thú vị là hình ảnh Frank giơ lưỡi rìu sấm sét xuất chiêu gợi nhớ tôi đến tựa game kinh điển Ghouls ‘n Ghosts năm 1980 của Capcom. Nếu từng trải qua tuổi thơ với NES, chắc bạn vẫn nhớ đấy thật sự là một game “xương xẩu” của Capcom thời vàng son ấy.
Dead Rising 4 là một game mô tả chiến đấu khá chân thật. Với mức độ tung hoành chặt chém như thế, hầu như chẳng có gì để vui cả. Thế nhưng, trò chơi lại làm được điều mà bạn tưởng là không thể đó. Cứ nhìn cách lũ zombie phản ứng với đòn tấn công của Frank mà xem. Bạn không cảm thấy “đã tay” mới lạ. Hay cây cung bắn tên nổ chẳng hạn, có thể gom cả mớ zombie tung bay lên giữa không cùng với màn trình diễn pháo hoa đầy màu sắc tiếp nối sau đó. Hoặc cây búa như của anh Thor đẹp trai trong phim, có thể tung đợt sóng hủy diệt vào phía trước, rẽ nhánh cả biển xác sống rất ngầu đấy chứ.
Gameplay mạnh bạo nhưng lại mang về cảm giác vui thay vì tởm lợm
Trong phần chơi mở đầu, người chơi sẽ được giới thiệu lại nhân vật Frank cũ từ Dead Rising cùng tính cách của nhân vật này. Phần chơi này khá hài hước và mang tính hướng dẫn là chính. Có lẽ mục tiêu của nhà phát triển muốn gây chút ấn tượng với các trận “bạo động” không ngừng của lũ zombie.
Thế nhưng, mọi thứ đổi khác khi vào phần chơi chính, với cách tiếp cận tương phản hơn, đòi hỏi người chơi phải cân nhắc. Tất nhiên, lại càng không thể thiếu những trò ngớ ngẩn khác để Frank tạo nên các màn chơi nổi. Như chụp ảnh lén lút chẳng hạn. Chúng ta sẽ thấy Frank lẻn lại gần một “nạn nhân” đang không chút ngờ vực gì và “chụp dìm hàng” một tấm hình trước khi ra tay hoàn thành “công việc” cần thiết.
Ngoài ra, Dead Rising 4 còn có hai dạng zombie mới xuất hiện. “Freshy” là những người sống sót bị zombie cắn và hóa zombie. Dạng này có biểu hiện chạy điên loạn vừa vung vẩy tay vừa cào cấu loạn xạ, có vẻ lấy cảm hứng từ phim 28 Days Later. Trong khi dạng tiến hóa “Evo” lại phục hồi trí thông minh và có thể làm việc nhóm hiệu quả hơn để qua mặt kẻ thù của chúng. Bọn này biết núp tránh khi bị bắn và tháo lui về khoảng cách an toàn khi bị đe dọa với các đòn tấn công cận chiến.
Iron Man phiên bản ve chai???
Điều này dẫn tới việc cùng một cách tiếp cận sẽ không là giải pháp toàn vẹn cho mọi tình huống trong trò chơi. Người chơi sẽ phải suy nghĩ trước khi hành động tùy theo tình huống trong game, cũng như phải cố gắng cứu được càng nhiều người sống sót càng tốt. Một lợi ích phụ cần suy xét trong trường hợp này là phong cách vũ khí “không xài thì vứt” xuyên suốt toàn trò chơi, khuyến khích người chơi thử nghiệm nhiều loại công cụ làm vũ khí khác nhau.
Nhìn toàn diện, Dead Rising 4 gần gũi hơn phiên bản Dead Rising đầu tiên và với tôi, đây là một điều tốt. Một lĩnh vực mà nhà phát triển Capcom Vancouver đã pha trộn thêm tí chút là các trận đấu boss, liên quan đến các ý tưởng thử thách trong màn chơi và cách kể chuyện nói chung.
Để tránh tiết lộ nội dung game, tôi chỉ nói thật ngắn gọn. Các con trùm “cấp cao” trong Dead Rising 4 không còn hài và bựa kiểu như Hilde trong Dead Rising 3 hay giỏi làm bia đạn cho bạn như tên hề Adam. Giờ đây, boss không chỉ khó đoán hơn mà còn được trang bị những thứ đồ chơi mới lạ mà chắc chắn sẽ khiến bạn thèm khát được chạm tay vào sau khi hạ được chúng.
[media=https://www.youtube.com/watch?v=dfiC_Jya514]
Với những tiếng cười và hướng tiếp cận có phần chiến lược hơn mà trò chơi mang lại, hy vọng Dead Rising 4 đủ hấp dẫn và tiềm năng để giữ chân người chơi được lâu. Tin vui là trò chơi không còn hệ thống đếm giờ làm nhiệm vụ, thứ mà chẳng người chơi nào cũng xem như quả bom nổ chậm trong trải nghiệm. Đáng tiếc, chúng ta cũng có tin buồn là Dead Rising 4 sẽ không hỗ trợ chơi co-op theo cốt truyện, và có sự thay đổi trong diễn viên lồng tiếng nhân vật chính Frank West.
Dead Rising 4 được phát hành trên các nền tảng Xbox One, Playstation 4 và PC vào ngày 6/12/2016. Sau đây là cấu hình tối thiểu để thưởng thức game trên PC:
- Hệ điều hành: Windows 7 64-bit
- CPU: Intel i5-2400 or AMD FX 6300
- Bộ nhớ: 6 GB RAM
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 760 (2 GB) or AMD Radeon HD 7850 (2 GB)
- DirectX: Version 11
- HDD: 50 GB ổ cứng trống