Cùng với Pokémon, Digimon là thương hiệu nổi tiếng thứ hai của thể loại này, đưa những đứa trẻ lập thành một đội với những con quái vật trong thế giới số. Nhưng ngược lại với những series dài tập khác, mỗi tập phim của Digimon luôn cho người chơi những bài học về đạo đức, những góc nhìn về nhân cách con người…
Và cuộc phiêu lưu của Digimon Story: Cyber Sleuth cũng thế, nó gợi cho người chơi cảm giác của một anime “trưởng thành” đầy tối tăm, chứ không phải bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em. Nhưng cũng vì thế mà Digimon Story: Cyber Sleuth sẽ để lại những ký ức mãnh liệt cho người chơi, phân loại nó ra khỏi phần còn lại của dòng game thu thập quái vật quá đơn giản tới độ nhàm chán!
Cốt truyện có chiều sâu hơn các game thu thập quái vật khác
Câu chuyện của Digimon Story: Cyber Sleuth bắt đầu trong cộng đồng số của EDEN, một diễn đàn công nghệ với các hacker có tay nghề cao. Nhân vật chính (được chọn giữa nam hoặc nữ) vô tình tham gia EDEN cùng nhóm bạn trực tuyến và được trao quyền năng đặc biệt là khả năng thuần hóa Digimon. Điều này trở nên hữu ích khi nhân vật của người chơi trở thành nạn nhân của một hội chứng bí ẩn mà những người sử dụng diễn đàn EDEN đều mắc phải. Nhưng không giống những người khác bị virus lạ làm cho hôn mê; nhân vật chính lại biến thành một “thực thế số” rồi truy cập vào thế giới trực tuyến để tìm ra giải pháp đặc trị cho thứ virus online đó.
So với các game thu thập quái vật mà lúc nào cốt truyện cũng chỉ có một kiểu như Pokémon (Nhận con thú khởi đầu, đi chinh phục các trung tâm huấn luyện khác (gym), đi tiêu diệt Tứ Đại Thiên Vương) thì cốt truyện của Digimon Story: Cyber Sleuth rõ ràng có chiều sâu hơn, nghiêm túc và đầy những nút thắt hơn. Chỉ có một điều làm fan hơi buồn là cốt truyện của game xoay quanh nhân vật chính quá nhiều trong khi có rất ít các tình tiết xoay quanh Digimon. Cách dẫn truyện của Digimon được làm theo kiểu nhẹ nhàng có pha lẫn một chút hài hước, dù có cốt truyện đen tối, nhưng cuối cùng thì Digimon vẫn là game được sinh ra để phục vụ trẻ em.
Lối chơi nhập vai theo lượt kiểu hardcore đầy bất ngờ
Người chơi có thể điều khiển tối đa 3 con Digimon và tham gia vào các trận đấu đánh theo lượt với Digimon phe phản diện, mỗi Digimon trên sân đều sở hữu những chiêu đánh thường và chiêu chưởng đặc biệt, có kèm cả thuộc tính và trạng thái, chứ không theo lối chẳng phân ra chưởng hay đòn như Pokémon. Bên cạnh đó, lối chơi của Digimon Story: Cyber Sleuth khá đơn giản để làm quen với các lựa chọn thường thấy trong game thu thập quái vật như ra đòn, đỡ đòn, dùng vật phẩm hay chạy khỏi cuộc đấu.
Thế nhưng để gameplay của Digimon Story: Cyber Sleuth không trở nên đơn điệu, nhà phát triển đã lồng ghép thêm chất hardcore vào game bằng một cơ chế ra đòn liên hoàn combo. Điều này giúp các Digimon còn lại trong đội có thể đánh bồi vào cùng Digimon ở tiền tuyến. Bên cạnh đó là cơ chế bổ trợ khiến cho một số loại Digimon đặc biệt, hoặc có thuộc tính đặc biệt, có thể áp chế lẫn nhau trong chiến đấu. Ví dụ như Digimon thuộc loại Virus thì thua Digimon dạng Data, có nghĩa là người chơi luôn phải có rất nhiều Digimon đầy đủ chủng loại để phòng thân. Trước đây lối chơi của Digimon luôn thiếu chiều sâu hơn Pokémon, nhưng trong bản mới này dòng game đã có thêm nhiều cải tiến để khiến ông vua thể loại săn quái thú Nhật Bản cũng phải dè chừng.
Đối với các game khác, người chơi sẽ mất rất nhiều thời gian để săn lùng đủ bộ sưu tập quái vật. Nhưng trong Digimon, bất cứ người chơi nào cũng có thể bắt được toàn bộ Digimon một cách nhanh chóng. Mỗi Digimon đều có rất nhiều cấp tiến hóa Digivolution hoặc thậm chí có thể biến hóa thành những sinh vật hoàn toàn khác theo một biểu đồ nhánh cây.
Đồ họa Cel Shading trẻ mãi không già, thiết kế nhân vật chuẩn đẹp kiểu Nhật Bản
Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là game Digimon đẹp nhất từ trước đến nay và là một bước nhảy vọt từ các phiên bản cũ. Trò chơi được thể hiện theo phong cách đồ họa Cel Shading giúp nó “trẻ mãi không già”. Phiên bản trên PS Vita đã khai thác triệt để sức mạnh của hệ máy cầm tay đến từ Sony, điều mà chính Sony cũng hiếm khi mới để tâm vào thực hiện. Các con thú Digimon được chăm chút ngoại hình rất cầu kỳ, còn dàn nhân vật chính thì “đẹp trai xinh gái” khỏi bàn!
Các hầm ngục bị trùng lặp, thiết kế game kiểu “chắt bóp” ý tưởng
Các vùng đất trong game và chiến trường quái thú số trong Digimon Story: Cyber Sleuth thể hiện một sự nghèo nàn về ý tưởng khi chúng liên tục bị lặp lại bằng các tài nguyên rất hữu hạn. Nhiều lúc khiến người chơi chẳng muốn khám phá dò la hay nói chuyện cùng NPC vì cảnh vật nhìn quá “chán đời”. Thực sự thì đây là một điểm yếu chết người của Digimon Story: Cyber Sleuth, mặc dù các yếu tố tổng thể của game như cốt truyện và gameplay đều thuộc dạng khá, song việc cạn kiệt ý tưởng thiết kế làm cho người chơi cảm nhận rằng đây không phải là một tựa game xuất sắc.
Cốt truyện và gameplay nhiều chiều sâu, đồ họa đẹp là những dấu hiệu để Digimon đủ sức cạnh tranh với Pokémon. Thế nhưng chỉ vì nghèo nàn trong ý tưởng thiết kế màn chơi mà Digimon Story: Cyber Sleuth giống như một cái bánh được nướng ngon lành nhưng quá ít, khiến cho mùi vị bánh thơm ngon nhưng người ăn lại chẳng thấy no!