Tuy nhiên, việc lệ thuộc quá nhiều vào dòng chip này và thiếu đi một lựa chọn thay thế xứng đáng đang khiến cho hệ sinh thái Android bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Android Authority, một báo cáo mới đây của tờ Forbes cho biết là LG G6 sẽ không được trang bị chip Snapdragon 835 vì phải ưu tiên Galaxy S8. Đây thật sự là một điều không may đối với LG cũng như những ai mong chờ flagship tiếp theo của hãng. Doanh số bán hàng của LG G6 ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng vì người dùng có xu hướng thích sử dụng những công nghệ mới nhất và chip cũng không là ngoại lệ.
Không chỉ LG, nhiều hãng khác cũng sẽ gặp vấn đề tương tự nếu muốn ra mắt smartphone trước thời điểm Galaxy S8 được giới thiệu. Một trường hợp tiêu biểu có thể kể tới là mẫu smartphone cao cấp U Ultra vừa mới ra mắt của HTC đã không được trang bị chip Snapdragon 835 như các tin tức rò rỉ ban đầu.
Điều không may cho các hãng sản xuất đó là họ không tìm thấy được một sự lựa chọn thay thế nào xứng đáng để sử dụng trong hoàn cảnh thiếu sản lượng Snapdragon 835. Vì vậy, họ thường 'chữa cháy' bằng cách dùng một chip cao cấp cũ của Qualcomm như HTC chọn mẫu Snapdragon 821 của năm ngoái hoặc hoãn ngày ra mắt sản phẩm lại cho tới khi Snapdragon 835 sẵn sàng.
Điều này không chỉ đơn giản là khiến cho hiệu suất của các smartphone bị ảnh hưởng từ việc không được dùng Snapdragon 835 thua kém các đối thủ. Việc vẫn phải sử dụng chip cũ có thể khiến cho các tính năng hấp dẫn người dùng trên smartphone như camera, video hay thực tế ảo (VR) không thể nâng cấp được.
Chắc chắn là bạn sẽ thắc mắc là Snapdragon đâu phải là chip Android duy nhất trên thị trường? Sự thật là các chip cao cấp trong dòng Exynos của Samsung và Kirin của Huawei đều đã có hiệu suất gần ngang bằng với chip Snapdragon 835 của Qualcomm. Tuy nhiên, vấn đề là Exynos và Kirin chỉ được sản xuất để sử dụng độc quyền trên các flagship của Samsung và Huawei.
Trong khi đó, chip cao cấp Helio X30 của MediaTek dường như vẫn đang thiếu sức mạnh về khả năng xử lí đồ họa để được xuất hiện trên các flagship. GPU tứ lõi PowerVR 7X GT7400 của Helio X30 thậm chí còn kém hơn cả GPU sáu lõi PowerVR 7X7 GT7600 của iPhone 6S được ra mắt từ năm 2015.
Snapdragon 810 là thảm họa cho hãng nào lỡ mua chip này để trang bị cho smartphone của mình.
Đây không phải lần đầu tiên việc thiếu lựa chọn thay cho các chip Snapdragon của Qualcomm làm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất và hệ sinh thái Android. Trước đó, vào năm 2015, chip Snapdragon 810 đã gặp lỗi quá nóng khi sử dụng và khiến cho nhiều hãng như HTC bị mang tiếng vì sản xuất smartphone thiếu chất lượng.
Nếu chúng ta có một sự thay thế thích hợp cho Snapdragon 810 vào thời điểm đó, chắc chắn các hãng bị ảnh hưởng như HTC có thể từng bước khắc phục sự cố bằng việc thay chip và thu hồi những smartphone gặp lỗi quá nóng. Ngoài ra, điều này cũng tạo ra áp lực cho Qualcomm để họ không tiếp tục tạo ra một sản phẩm lỗi như Snapdragon 810 thêm lần nữa.
Hơn nữa, việc có thêm nhiều đối thủ lớn trên thị trường chip di động cũng giúp các nhà sản xuất có thêm nhiều lựa chọn với các thế mạnh và tính năng khác nhau. Ngay từ bây giờ, chúng ta đã thấy chip Kirin của Huawei có khả năng tối ưu hóa camera kép rất tốt nhờ được tích hợp sẵn bộ vi xử lí chiều sâu và màu sắc. Trong khi đó, chip Exynos của Samsung đã thể hiện được sức mạnh nhờ vào việc sử dụng công nghệ big.LITTLE của ARM. Về phần Qualcomm, hãng hiện đang nỗ lực thêm các công nghệ hỗ trợ sạc nhanh, camera kép và thực tế ảo lên dòng chip Snapdragon.
Khả năng tối ưu hóa camera kép của chip Kirin trên các smartphone Huawei rất được đón nhận.
Chúng ta không phải là không được nhìn thấy các công ty khác nhảy vào thị trường chip di động để cạnh tranh với Qualcomm nhưng họ đã nhanh chóng bị đánh bật ra khỏi thị trường. Chip OMAP sử dụng công nghệ tới từ ARM của Texas Instruments chỉ tồn tại trên thị trường được đúng một năm. Trong khi đó, chip Atom của Intel và Tegra 2 của NVIDIA đã không để lại được nhiều dấu ấn trên thị trường.
Điều không may là chúng ta khó có thể thấy được những bước đột phá lớn từ các nhà sản xuất chip khác trong tương lai gần. Qualcomm đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc nghiên cứu chip và có được những hợp đồng béo bở mà những công ty chip nhỏ khác rất khó để có được.
Ngoài ra, Qualcomm hiện cũng đang sở hữu nhiều bằng sáng chế quan trọng liên quan tới công nghệ di động. Qualcomm đang kiếm được tiền từ mỗi chiếc điện thoại được bán ra có sử dụng các công nghệ kết nối không dây do hãng thiết kế. Điều đó có nghĩa là, nếu smartphone của bạn có khả năng kết nối 3G CDMA hoặc 4G LTE, một phần trong số tiền bạn dùng để mua điện thoại là để trả cho Qualcomm, kể cả khi máy không dùng chip của hãng.
Số tiền thu được từ việc bán công nghệ kết nối không dây đang chiếm một phần lớn trong doanh thu của Qualcomm. Trong năm tài khóa 2016, Qualcomm đã kiếm được 6,5 tỷ USD từ tiền bán công nghệ 3G và 4G, trong khi đó, hãng chỉ kiếm được 1,8 tỷ USD từ tiền bán chip. Nói cách khác, tiền bán công nghệ kết nối không dây đang chiếm tới 85% doanh thu của Qualcomm.
Qua mỗi năm, Qualcomm đều nâng cấp cả về hiệu suất cũng như tính năng cho dòng chip Snapdragon. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi cảm thấy rằng hãng đang thiếu đi động lực để tạo ra những bước đột phá.
Nếu Qualcomm có một đối thủ đủ sức cạnh tranh trong cả chất lượng cũng như khả năng cung ứng chip, chúng ta có thể được thấy nhiều con chip nhanh hơn, mạnh hơn và có nhiều tính năng sáng tạo hơn xuất hiện trên các smartphone. Điều này cũng tương tự với trường hợp của Intel và AMD trong thị trường chip cho PC.
Nhiều hãng smartphone phải chấp nhận chịu thiệt vì Qualcomm ưu tiên Samsung.
Báo cáo của Forbes về việc LG G6 không được dùng Snapdragon 835 có ghi rằng: 'Chip Snapdragon 835 sẽ không có sẵn với số lượng lớn cho tới khi Galaxy S8 được ra mắt'. Hiện chưa rõ điều này chỉ đơn giản là do Snapdragon 835 có sản lượng thấp hay là do Samsung đã kí hợp đồng bao trọn gói để Galaxy S8 của hãng trở thành smartphone đầu tiên được dùng Snapdragon 835 trong năm 2017.
Dù là trường hợp gì trong hai trường hợp kể trên, chúng ta không thể phủ nhận rằng việc có thêm ít nhất là một nhà sản xuất chip đủ lớn khác bên cạnh Qualcomm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các hãng smartphone và người tiêu dùng. Giải pháp đang được nhiều nhà sản xuất chip nghĩ tới hiện nay là tăng khả năng sản xuất và bổ sung những tính năng mà chip Snapdragon không có. Việc Snapdragon 835 bị chậm trễ và gây ra nhiều tác hại có thể là chất xúc tác để các nhà sản xuất chip tăng cường đầu tư trong thời gian tới.
Theo VnReview