Tối qua đi làm về, ghé thằng bạn lấy cái game Destiny, lại chạy ngang qua căn nhà hàng xóm quen thuộc. Đi xe chầm chậm nhìn vào, những hình ảnh tuổi thơ bỗng chốc quay ngược về trong ký ức như những đoạn phim chiếu chậm.
Mấy bữa trước, trong một buổi trà dư tửu hậu, chúng tôi cùng nhau tranh luận về những kỷ niệm thời xưa. Có người đố mọi người điểm danh được một số game cũ, một thời từng làm say mê bao trái tim trẻ thơ chúng tôi. Liệt kê được game hoài cổ đã khó, lại còn đặt điều kiện game đó phải gắn liền với một câu chuyện tuổi thơ đáng nhớ. Khó quá!!!
Tối qua đi ngang nhà hàng xóm, những hình ảnh đập vào mắt cứ như chất xúc tác, gợi nhớ đến những cuộn băng (cartridge) thời NES cổ xưa thập niên 80. Đó cũng là thứ gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ 8x và đầu 9x.
Contra
Nhắc đến NES không thể không nhắc đến Contra. Thời đó, chúng tôi thường chơi Contra cùng nhau ngoài tiệm trò chơi điện tử. Học chung trường, cùng khu phố, nhà gần nhau, nên chỉ cần đứa nào có tiền là chạy tọt sang réo đứa khác đến “điểm hẹn quen thuộc”. Contra thấy chủ tiệm chơi đơn giản vậy mà đến khi cầm tay bấm lên mới biết đời không là mơ. Hồi đầu không có chiêu chỉnh 30 mạng bằng Konami Code nên cả tiệm không có ai đủ sức “phá băng” Contra. Về sau chủ quán biết chỉnh thì lại giấu, sợ khách hàng của mình tót sang chơi tiệm khác mất. Tôi còn nhớ hồi đó bạn tôi chơi dở tới độ “tiêu” hết cả 30 mạng của mình, rồi chuyển sang “cướp” mạng của tôi.
Contra là game đi cảnh bắn súng tuyến tính. Người chơi điều khiển một trong hai nhân vật quần xanh hoặc quần đỏ, đi từ trái qua phải, bắn tất cả kẻ thù và các ụ súng. Dọc đường đi sẽ có biểu tượng con chim ưng tung cánh bay ngang, nếu bắn trúng sẽ rơi ra các loại súng “hạng nặng” tùy vào ký tự trên nó. Phần lớn người chơi thường canh bắn cho được biểu tượng có hình chữ S. Mọi người khi đó thường gọi là súng “quạt” vì nó bắn đạn ra 5 hay 6 tia đạn, tạo thành hình thù như chiếc quạt xếp. Cuối mỗi màn chơi sẽ đấu với con trùm khổng lồ hoặc có hình thù kỳ dị. Còn nội dung ư? Ô hay, hồi đó game hầu hết đều là tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, chơi làm gì biết nội dung. Và thời đó ngành giáo dục chưa có chương trình Tiếng Anh tăng cường cho học sinh cấp 1 như bây giờ.
Battle City
Là một game chơi với bạn bè khá hấp dẫn. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ đến nhất có lẽ là câu chuyện cặp vợ chồng trẻ hàng xóm ở đầu bài viết. Cứ tối tối sau giờ cơm, cặp đôi này lại ngồi chơi Battle City với nhau. Ngày nào cũng như ngày nào, gần như sau khung giờ nhất định lại thấy họ ngồi quay lưng với cửa và chơi duy nhất mỗi một game này. Nhiều năm liền sau đó họ vẫn duy trì thói quen thú vị này. Những năm gần đây tôi không còn thấy họ chơi nữa, có lẽ vì bôn ba với cuộc sống hay vì lý do gì đó. Vậy mà tối qua đi ngang lại thấy, tự dưng có chút bồi hồi.
Battle City có lối chơi không thể đơn giản hơn nhưng lại dễ gây nghiện cực kỳ. Mỗi màn chơi có các gạch đỏ và gạch trắng cùng với sông và rừng. Người chơi điều khiển xe tăng xoay quanh trong bản đồ nhỏ xíu đó, tiêu diệt các xe tăng của đối thủ và ngăn không cho chúng bắn vỡ thành trì của bạn. Gạch trắng và sông thì không thể bắn bể hay vượt qua được. Rừng thì có thể vượt qua và gạch đỏ có thể bắn vỡ. Điều thú vị là các vật phẩm “tăng lực” có hình thù đặc trưng xuất hiện lải rải trong màn chơi: xẻng bảo vệ thành trì bằng gạch trắng, lựu đạn cho nổ tất cả xe tăng địch hiện có trên màn chơi, xe tăng tăng mạng cho người chơi, mũ cối bảo vệ xe tăng của người chơi, đồng hồ đứng hình toàn bộ xe tăng địch. Tất cả đều có thời gian giới hạn. Nhưng thú vị nhất là power up ngôi sao tăng sức “ăn” đạn và sức bắn của đạn cho xe tăng của người chơi. Mức cao nhất có thể bắn vỡ cả gạch trắng.
Jackal
Hồi đó thường gọi là bắn xe jeep. Người chơi điều khiển chiếc xe jeep đi bắn phá kẻ thù trong mỗi màn chơi. Ngoài việc bắn lính địch và ụ súng, chúng ta còn phải đi đón lính phe ta và lính chớp sáng màu mà hồi đó thường gọi là sĩ quan hay tướng. Người chơi có hai loại vũ khí là ném đạn nổ như lưu đạn và đạn bình thường. Cứ mỗi khi rước được sĩ quan thì đạn nổ được thay bằng tên lửa. Rước 2 sĩ quan thì tên lửa khi bắn tách ra làm 2 hướng và 3 sĩ quan thì tách làm 4 hướng. Cuối mỗi màn chơi đều phải giết trùm. Còn lính thường thì phải di chuyển đến vị trí sân bay có máy bay trực thăng để thả lính. Nếu đủ số lính cũng được thưởng tương đương rước tướng.
Jackal khiến tôi nhớ đến những chủ nhật hàng tuần lúc tôi còn nhỏ, ba tôi vẫn chở đến thăm bà. Sau bữa cơm trưa cùng bà và gia đình chú họ, khi mọi người nghỉ trưa thì tôi và thằng em họ thường ngồi chơi bắn xe jeep với nhau đến chiều.
Double Dragon
Hồi đó thường gọi là Song Long. Double Dragon chỉ là dạng game chặt chém thuần túy. Bạn điều khiển nhân vật cơ bắp đi càn quét kẻ thù bằng nấm đấm và cú đá trong từng màn chơi và đánh trùm. Trên đường có thể cướp vũ khí của kẻ thù và dùng để nện ngược lại chúng. Nói chung chỉ là game chặt chém thông thường và hình ảnh cũng không đẹp. Nhưng các phần 2 và 3 thì hình ngày càng đẹp hơn.
Nhờ Double Dragon mà tôi quen được một thằng ngoài tiệm trò chơi điện tử gần nhà. Gọi là thằng chứ nó lớn hơn tôi một hay hai tuổi gì đó. Hai đứa khá hợp nhau về gu game nhưng lại không học chung trường. Một thời gian sau không hiểu sao nhà nó dọn đi đâu mất không kèn không trống rồi mất liên lạc luôn. Hic!
Konami Wai Wai World
Đây là trò chơi khiến tôi nhớ nhất vì hao công tốn sức nhiều nhất. Nhưng nhờ nó mà tôi quen được vài đứa bạn mới trong suốt thời gian chơi trò này, đến nay vẫn còn giữ liên lạc dù chúng nó không còn chơi game nữa. Konami Wai Wai World hồi đó thường gọi là thế giới Konami vì trò chơi có những nhân vật trong các dòng game của Konami.
Hồi xưa các nhân vật này được gọi là:
– Gõ mõ (Goemon trong dòng game Ganbare Geomon)
– Đập xích (Simon Belmont III trong dòng game Castlevania)
– Kiếm sĩ mù (Getsu Fuma trong Getsu Fuma Den)
– Tí hon (Mikey trong game và phim The Goonies)
– Đầu đá hay đập đá (Moai trong game Gradius và Moai Kun)
– Khỉ đột (Kong trong game King Kong 2: Ikari no Megaton Punch)
– Thằng con trai (Konami Man)
– Nhỏ con gái (Konami Lady).
Nhân vật chính trong Konami Wai Wai World là Konami Man. Còn nhân vật Konami Lady là một android được chế tạo để hỗ trợ chiến đấu cùng nhân vật chính. Ngoài ra còn có 2 phi thuyền không gian Vic Viper và TwinBee từ dòng game Gradius và TwinBee.
Konami Wai Wai World là một trong những game NES phức tạp nhất mà tôi từng chơi. Trò chơi chia làm tám màn chơi. Trong sáu màn chơi ban đầu, người chơi phải đi cứu các nhân vật phụ nói trên, bằng cách đi đánh trùm lấy chìa khóa và mở cửa ngục cứu nhân vật. Sau khi cứu xong, người chơi có toàn quyền chuyển sang sử dụng nhân vật mới. Chìa khóa có thể dùng để mở bất cứ cửa ngục nào. Nghĩa là nếu lấy chìa khóa ở màn chơi của Goemon, bạn vẫn có thể dùng nó để mở cửa ngục cứu Mikey ở màn chơi khác thay vì cứu Goemon và ngược lại.
Sau khi cứu hết sáu nhân vật, trò chơi mở khóa phi thuyền không gian để người chơi bước vào màn chơi thứ bảy. Hồi đó màn chơi này thường được chúng tôi gọi là bắn chuông. Cách chơi tương tự như game TwinBee, người chơi điều khiển phi thuyền bắn vào những cái chuông để kiếm power up và bắn kẻ thù xuất hiện trên đường bay. Nửa đầu màn chơi cuối khá giống màn thứ hai trong game LifeForce, thuộc dạng bắn phi thuyền không gian. Nửa sau lại quay trở về lối chơi đi cảnh quen thuộc như 6 màn chơi đầu và đánh trùm cuối.
Tối nay hẹn nhóm tôi sẽ mang những câu chuyện này ra chia sẻ với mọi người mới được. Lần trước ngồi tranh luận tới lui đến lúc quán đóng cửa đuổi cả đám về mà mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ, vì chẳng ai nhớ được game nào sau những bộn bề cuộc sống cả. Còn bạn có biết hết 5 trò NES này và “phá băng” được tất cả từ khi xưa ta còn bé chưa? Nếu tự tin trả lời có thì bạn quả là có tuổi thơ game thật dữ dội đó nha.
Theo Motgame