Một nhân vật hoạt hình thực sự đi vào lòng người là khi họ khiến chúng ta tin rằng họ thực sự tồn tại, chứ không đơn thuần là những nét chì hay một dãy số trên máy tính. Phần lớn các nhân vật hoạt hình được đề cập dưới đây đã trở thành tuổi thơ không phai của nhiều thế hệ người xem, đồng thời đóng góp không nhỏ trong việc hình thành nền văn hóa giải trí của cả thế giới.
1. Bạch Tuyết (Snow White and the Seven Dwarfs 1937)
Được biết đến như nàng công chúa đầu tiên của Disney và cũng là nhân vật chính trong phim hoạt hình dài đầu tiên trên thế giới, không khó để Bạch Tuyết nhận được sự yêu mến của hàng triệu khán giả. Nàng cũng trở thành hình mẫu cho rất nhiều các nàng công chúa của Disney nói riêng và hình tượng công chúa trong tâm thức của mọi người sau này. Đây cũng là lần đầu tiên, câu nói nổi tiếng trong mọi câu chuyện cổ tích “Và rồi họ sống hạnh phúc bên nhau, mãi mãi về sau” xuất hiện một cách đường hoàng trên màn ảnh rộng.
2. Winnie the Pooh (The Many Adventures of Winnie the Pooh 1977)
Winnie hay ở Việt Nam thường được gọi là gấu Pooh, đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người hằng thập kỷ qua. Gấu Pooh là một người bạn tốt, ấm áp, đáng yêu, với tính cách dễ gần. Giống như hai nhân vật hoạt hình nổi tiếng Hobbes và Bacon trong loạt phim cùng tên, những cuộc phiêu lưu của Gấu Pooh luôn đề cao giá trị tình bạn trong cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, Winnie the Pooh vẫn nằm trong top 10 những linh vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa giải trí của người Mỹ.
3. Totoro (My Neighbor Totoro – 1988)
Nhân vật Totoro thường hay được mệnh danh là “Winne the Pooh phiên bản Nhật” bởi sự đáng yêu mang tính biểu tượng. Sau khi ra mắt trong bộ phim My Neighbor Totoro, sinh vật to tròn đáng yêu lập tức trở thành biểu tượng của làng hoạt hình Nhật Bản. Trong bộ phim, Totoro không chỉ có tạo hình dễ thương mà còn là nhân vật để lũ trẻ con có thể gửi gắm niềm tin, ước mơ và hy vọng. Đó cũng là lý do khiến Totoro có sức sống mãnh liệt và chinh phục được nhiều thế hệ khán giả sau gần ba thập kỷ.
4. Jack Skellington (The Nightmare Before Christmas 1993)
Nhân vật chính của bộ phim stop-motion đầu tiên do đạo diễn Tim Burton cầm trịch. Mặc dù đã qua 23 năm kể từ khi Jack lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh, nhưng những hình ảnh về gã người xương thân thiện vẫn tràn ngập trên đường phố, áo thun, balo, cốc uống nước… mỗi khi Giáng Sinh về.
Với cơ thể dài ngoằng, tay chân khẳng khiu và một cái đầu sọ tròn, người xem dễ nhầm tưởng anh chàng với những quái vật độc ác bước ra từ các bộ phim kinh dị. Nhưng điều thực sự làm cho mọi người nhớ đến Jack qua 23 năm, đó là hình ảnh một quý ông tốt bụng cất lên các giai điệu vui tươi, trong trẻo, cũng như hành trình đầy dũng cảm nhằm cứu ông Noel khỏi tay Ông Ba Bị của anh.
5. Bé Boo (Monster’s Inc. – 2001)
Công ty Quái vật của Sully vốn sử dụng tiếng thét của trẻ em để chuyển hóa thành năng lượng điện cho cả thành phố. Boo chính là cô bé 2 tuổi đầu tiên không hề sợ hãi chàng quái vật, trái lại còn tỏ ra yêu thích và gọi Sully là “mèo con”. Tất cả quái vật của công ty đều được thông báo rằng bọn trẻ con rất đáng sợ, và thậm chí nếu để trẻ con chạm vào sẽ có thể bị chết; nhưng nhờ sự hồn nhiên của mình, Boo đã thay đổi hoàn toàn định kiến sai lầm ấy của họ. Tiếng cười mới mẻ của em rốt cuộc đã cung cấp năng lượng điện cho thành phố nhiều hơn là nỗi sợ hãi.
6. Chuột Remy (Ratatouille – 2007)
Chú chuột đầu bếp đã trở thành một biểu tượng cho thông điệp “cho dù bạn là ai, bạn vẫn có thể đạt thành quả xứng đáng với tài năng và đam mê của mình”. Chuyến phiêu lưu của Remy tới kinh đô Paris hoa lệ không chỉ hàm chứa bài học về gia đình, sự trung thực, cái tôi hay nỗ lực theo đuổi đam mê mà còn đưa khán giả vào thế giới ẩm thực tuyệt diệu. Bản thân tựa phim cũng là tên một món mì Pháp, giờ đây đã gắn liền với thương hiệu “chú chuột đầu bếp” khi được nhắc tới.
7. Toothless (How to Train Your Dragon – 2010)
Có tựa tiếng Việt “Bí kíp luyện rồng”, phim mang đến một góc nhìn rất khác, sinh động và đầy thiện cảm về thế giới loài rồng. Toothless – tức Răng Sún là một con rồng sở hữu sức mạnh và tốc độ kinh hoàng nhưng lại “siêu cấp đáng yêu” với đôi mắt to tròn biết nói. Được mệnh danh là Quỷ Đêm, chú rồng trẻ ban đầu là nỗi sợ hãi của những người Viking, nhưng khi đứng trước cậu bé Hiccup thì chú ta không khác gì một đứa trẻ nghịch ngợm, háu ăn và thích trêu đùa. Cùng nhau, họ trải qua những cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhưng cũng đầy thú vị, cùng những khoảnh khắc bồi hồi của tình bạn, tình gia đình cũng như tuổi trẻ rực cháy.
8. Woody (Toy Story 1, 2, and 3)
Chàng cao bồi Woody trong Câu chuyện đồ chơi khiến khán giả yêu mến bởi sự quyết tâm, đam mê, tận tụy với bạn bè và lòng trung thành với cậu chủ Andy. Trong những năm qua, Woody đã ba lần trở lại màn ảnh với các câu chuyện cảm động khác nhau. Woody thường được khán giả nhí nhớ đến qua vai trò người lãnh đạo nhóm đồ chơi tìm đường về nhà mỗi khi họ đi lạc; đồng thời cũng là món đồ chơi giàu cảm xúc nhất trong thời khắc cả bọn phải chia tay mãi mãi với cậu chủ Andy, Hiện tại, Toy Story 4 đang trong quá trình sản xuất và dự kiến ra rạp năm 2018. Khán giả sẽ lại gặp Woody trong nhiệm vụ mới, với giọng nói quen thuộc từ nam diễn viên gạo cội Tom Hanks.
9. Thần đèn (Aladdin 1992)
Vị thần màu xanh, to lớn và đầy hóm hỉnh sẽ thực hiện 3 điều ước của bạn nếu bạn tìm thấy chiếc đèn dầu chứa người trong đấy. Thần đèn đã trở thành một người bạn, một nhân vật làm cho trí tưởng tượng của chúng ta bay xa với câu hỏi “Nếu có 3 điều ước, thì mình sẽ ước gì?”
Thần đèn cũng là nhân vật gắn bó khăng khít với sự nghiệp của cố danh hài Robin Williams, kể từ khi ông còn là một diễn viên lồng tiếng không chuyên cho đến khi trở thành một trong những biểu tượng bất tử của làng điện ảnh Hollywood. Giờ đây dẫu Ngài Williams đã ra đi, hình ảnh của ông vẫn còn mãi trong nhân vật này, hớp hồn khán giả mê phim hoạt hình của mọi thế hệ.
10. Mickey Mouse
Cái bóng vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp hoạt hình trên thế giới. Chú là linh vật cho cả một tập đoàn phim, vô số các công viên chủ đề và các chương trình truyền hình khác. Mickey là nhân vật duy nhất trong bài tổng hợp này có thể được xem là một thương hiệu, khi chú ta giờ đây đã là logo chính thức cho hãng Walt Disney.
Từ lần đầu tiên xuất hiện, Mickey đã có nhiều sự thay đổi về ngoại hình, từ trắng đen đến màu, 2D đến 3D. Nhưng qua tất cả, thì sự chân thành, lòng tốt bụng của chú vẫn giữ nguyên. Cùng sống chung và giúp đỡ lẫn nhau trong thế giới của Disney, chú chuột tai to này đã ở quanh chúng ta gần 100 năm rồi, và sẽ không có gì ngạc nhiên khi chú vẫn ở quanh đây thêm 100 năm nữa.
Emily
Nguồn : Gamesao