Spider-Man khá tốt so với những gì được quảng cáo nhưng như thế liệu có đủ để biến tựa game Marvel’s này thành một siêu phẩm?
Bom tấn được kỳ vọng nhất trong tháng 9 này – Marvel’s Spider-Man (Spider-Man) cuối cùng cũng đã ra mắt, nhà phát hành đã tạo ra một cơn sốt toàn cầu đặc biệt là đối với fan của anh chàng nhện nhọ này. Hãy cùng xem những cảm nhận đầu tiên khi chơi tựa game này nhé.
Phong cách chiến đấu trong Spider-Man khá giống những tựa game hành động như Batman: Arkham Knight hay Middle-earth: Shadow of War, gần như game sẽ lock hành động của kẻ thù tự động và có cơ chế né đòn (Spider-Sense) để giúp đỡ người chơi. Nói nôm na thì Spider-Sense giống như một kiểu hỗ trợ phản đòn vậy, nó sẽ nhá sáng lên khi có thứ gì đó sắp khiến bạn mất máu để cảnh báo. Do Spider-Man thường xuyên phải một mình chống rất nhiều kẻ địch nên Spider-Sense là công cụ cực kỳ hữu ích, khi vận dụng nó một cách hợp lý thì coi như 100% là bất tử, vì không như đỡ đòn – né đòn là thứ chắc chắn sẽ khiến bạn không thể mất máu được.
Các combo trong game chia làm 2 dạng là combo tay không và dùng tơ nhện, combo tay không là các đòn đấm, đá, quăng quật, lên gối, đấm móc… thông thường, còn khi dùng tơ nhện thì Spider-Man sẽ phóng tới tiếp cận, dùng tơ trói kẻ địch hoặc hất chúng vào tường, bắt và ném các vật thể xung quanh gây sát thương lớn hơn. Một điểm hay là toàn bộ đòn tấn công đều được lock mục tiêu tự động, tức là bạn thậm chí còn không cần xoay tay cầm để chỉnh hướng mà chỉ cần nhất nút là Spider-Man sẽ lao thẳng tới con mồi luôn.
Spider-Man tất nhiên là phải có bay lượn và đu dây, về khoản này thì Insomniac Games đã làm tốt khi thiết kế cơ chế phóng tơ hợp lý, người chơi có thể bám tơ vào các tòa nhà để đu thật xa bằng R2 hoặc búng người tầm gần với X. Người Nhện cũng có thể chạy trên tường hoặc nhảy cực cao qua các chướng ngại vật, nhìn chung cảm giác này cực kỳ đã và sướng tay, chỉ phải cái là khúc đầu bạn phải làm quen với các nút bấm hơi lâu vì chúng sử dụng hệ thống “nhắm-thả” nhanh mỗi khi Người Nhện đu dây.
Ngoài các đòn đấm đá thông thường, Spider-Man cũng có các món đồ chơi riêng để hỗ trợ trong việc làm Siêu anh hùng. Sau vài tiếng trải nghiệm thì người viết mới biết có 2 thứ là Spider-Drone – dùng để định vị và Spider-Buster – một dạng súng phóng lưới cực mạnh có khả năng hất tung đối thủ ra xa. Các loại đồ chơi này sẽ mở khóa dần theo cốt truyện hoặc khi lên cấp, chúng cũng có các phần nâng cấp nhỏ riêng nhưng người viết chưa biết làm sao để mở khóa.
Bảng kỹ năng của Spider-Man nói thật là hơi bị thất vọng, vì nó không mở khóa thêm combo mà chủ yếu là tăng sức tấn công cũng như độ linh hoạt của người nhện là nhiều. Điểm đáng chán nhất ở đây là người viết có cảm giác như bản thân đang chơi lại một phiên bản Middle-earth: Shadow of War khác vậy (mở khóa khu vực bằng tháp, phong cách chiến đấu, counter, đòn dứt điểm khi thanh focus đầy…).
Thế giới mở của Spider-Man tái hiện lại tương đối tốt thành phố New York, sẽ có các nhiệm vụ nhỏ để thu thập Token (thứ dùng nâng cấp) nằm rải rác khắp nơi, bạn sẽ thấy chúng bằng cách hack vào các trạm phát sóng trên đỉnh các tòa nhà. Do thời lượng chơi ngắn nên người viết chưa khám phá được nhiều bí ẩn cho lắm, cũng như các cameo của Marvel ẩn trong game.
Insomniac Games giữ đúng lời hứa của mình là sẽ xoay quanh nhiều mặt cuộc sống trong Spider-Man, với một bên là người hùng của thành phố New York và anh chàng “vô danh tiểu tốt” Peter Parker. Theo đó tựa game Spider-Man này xoay quanh 2 loại nhiệm vụ chính, hầu hết thời gian bạn sẽ đóng vai Siêu anh hùng đu dây qua khắp các tòa nhà trong thành phố, làm nhiệm vụ chính hoặc đi kiếm các món đồ bí mật, lâu lâu thì đáp xuống “đánh đập” vài thằng du côn để giải tỏa gân cốt, nói chung là cảm giác cực kỳ tự do và thoải mái.
Ngược lại thì đời sống của phía sau màn ảnh của Peter Parker lại không được tốt đẹp cho lắm, cậu chàng sống một mình trong một căn hộ cho thuê bình thường, làm nghiên cứu sinh bục mặt. Thường xuyên bị vướng vào các vụ án trong vai trò Spider-Man dẫn đến… không có thời gian kiếm tiền, game đã tái hiện khá tốt hai mặt trái ngược này, khi Peter bị chủ nhà gọi điện thoại đòi tiền phòng quá hạn hoặc nhà cửa bừa bộn do không có ai lau dọn.
Phần âm thanh thì khá tốt, Nhện nhọ cực kỳ lắm mồm khi đánh nhau cũng như khi chạy bộ quanh thành phố. Người đảm nhận lồng tiếng cho Peter Parker là Yuri Lowenthal – một anh chàng siêu chuyên nghiệp và quen mặt với các fan RPG/Anime, cho nên chúng ta có thể an tâm về vụ này. Về việc ai phân vân nếu chưa xem về Spider-Man thì cũng không sao, vì cách dẫn truyện của game hoàn toàn nằm ngoài vũ trụ cũ từ comic hay phim, kể cả một người chưa từng biết tới cái tên “Người nhện” vẫn có thể chơi và hiểu tốt.
Bạn nghĩ tựa game riêng của Marvel này liệu có xứng đáng trở thành siêu phẩm năm 2018? hãy để lại bình luận của mình bên dưới nhé.