Thật ra đây không phải là lần đầu tiên, Pantech rao bán họ. Vào năm 2015, liên doanh Solid và Optis đã thâu tóm hãng này, do tình hình tài chính đi xuống cùng với sự hối thúc của các cổ đông và chủ nợ.
Tưởng chừng khi rơi vào tay liên doanh này, tương lai của Pantech sẽ tươi sáng hơn với các dự án Internet of Things (IoT) và mở rộng đến các thị trường Đông Nam Á. Nhưng 'đời lắm lúc đâu có ngờ', hãng smartphone Hàn Quốc này lại một lần nữa rao bán mình do sự thất bại của mẫu smartphone giá rẻ IM-100 ra mắt tháng 6/2016.
Pantech V950 nổi bật với khả năng chống nước được bán chính hãng tại Việt Nam vào năm 2016
Solid và Optis đã cố gắng hết sức, nhưng không thể cứu vãn được tình hình nên đành chuyển Pantech cho KNA Holdings, một công ty chuyên nghiệp được thành lập bởi các chuyên gia về sáng chế.
Đồng thời, KNA Holdings cũng sẽ đứng ra trả hết số nợ 110 tỷ won (khoảng 97 triệu USD) mà Pantech đang gánh. Như vậy, tính ra số tiền để sở hữu được Pantech cũng không hề nhỏ.
Solid cho biết việc bán lại thương hiệu Pantech sẽ giúp hãng tăng doanh thu từ hoạt động bán bằng sáng chế và cung cấp dịch vụ hậu mãi cho khách hàng.
Hồi đầu tháng này, Solid đã bán dịch vụ IoT của Pantech cho một nhà sản xuất Hàn Quốc. Còn cách nay vài tháng, nhiều bằng sáng chế của Pantech cũng được nhượng lại cho Golden Peak Innovations để đổi lấy một khoản tiền trả nợ và cân đối tài chính.
Được biết trước đây, thời hoàng kim của Pantech từng sánh ngang với Samsung và LG tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, với những mẫu điện thoại được nhiều người biết đến như Vega Iron, Vega Secret Up, SKY và hai model chính hãng ra mắt hồi tháng 3/2016 là V950 và V955.
Theo: ZDNet