Người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trên Internet. Ảnh minh họa: Internet
Theo đại diện Nielsen Việt Nam, tâm lý của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Năm 2009, tỷ lệ sử dụng Internet ở khu vực Đông Nam Á là 12,6%. Dự tính đến 2030, tỷ lệ sử dụng Internet ở Đông Nam Á lên đến 45% và đây cũng là khu vực nằm trong top 10 các quốc gia tiêu dùng tự tin nhất thế giới.
Đáng chú ý là người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ qua các nhu cầu chi tiêu cho hàng hóa cơ bản và bắt đầu chi tiêu cho các mặt hàng cao cấp hơn như xe hơi, điện thoại thông minh khi các mặt hàng này đều có mức tăng trưởng từ 2 con số trở lên. Ngoài ra, mức độ du lịch nội địa cũng tăng nhanh.
Xu hướng mới của người tiêu dùng là nhu cầu nâng tầm cuộc sống, tiêu dùng thông minh hơn, xu hướng mới nổi là tìm kiếm sự an khang và người tiêu dùng kết nối. Đáng chú ý, người Việt Nam cũng có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn khi có tới 82% nói rằng họ lên kế hoạch chi tiêu và tiếp cận nhanh với các xu hướng trên thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng có nhiều hơn các hoạt động trực tuyến, trên mạng xã hội về các chủ dề mang lại giá trị trong cuộc sống.
Ngoài các xu hướng chính của người dùng hiện nay, đại diện Nielsen chỉ ra rằng, một khái niệm mới được đề cập đến đó là người tiêu dùng kết nối. Nhóm người này được định nghĩa là những người có kết nối Internet và sẵn sàng chi tiêu. Họ sẵn sàng mua những thứ để làm hài lòng bản thân và chăm lo hơn cho bản thân mình. Theo đại diện này, lớp người tiêu dùng kết nối hiện nay nhiều hơn và gia tăng rất nhanh.
Tại Việt Nam, theo số liệu được chia sẻ, năm 2017 đã có 23 triệu người tiêu dùng với tổng chi tiêu 50 tỉ USD và đóng góp khoảng 37% doanh thu.
Dự tính đến 2025, con số này có thể tăng lên đến 40 triệu người, chi tiêu gấp đôi và mức đóng góp doanh thu có thể tăng 10%. Người tiêu dùng Việt Nam là người tiêu dùng siêu kết nối khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh lên đến 78% với thời gian sử dụng Internet ngày càng nhiều hơn. Năm 2014, trung bình 1 tuần người Việt sử dụng Internet khoảng 14,8 giờ. Sau 2 năm (tức là đến 2016), con số này lên đến 24 giờ.
Một điều đáng lưu ý là tỷ lệ người tiêu dùng ở nông thôn cũng có tỷ lệ kết nối cao và rất sát với tỷ lệ của thành phố. Số lượng người tiêu dùng sử dụng Facebook ở nông thôn xấp xỉ với tỷ lệ sử dụng Facebook ở thành phố trên hai công cụ chính đó là điện thoại thông minh và máy tính.
Ngoài những nội dung chia sẻ từ Nielsen Việt Nam, Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017 (Vietnam Online Marketing Forum - VOMF) sẽ có những đánh giá tổng quan về tiếp thị trực tuyến; Các xu hướng tiếp thị liên kết; ứng dụng hiệu quả tiếp thị tự động cho doanh nghiệp; các hình thức tiếp thị trên di động và hình thức tiếp thị khác.
Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017 là sự kiện tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc, đây là năm thứ 2 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam. VOMF quy tụ cộng đồng kinh doanh dịch vụ tiếp thị trực tuyến cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ này.
Chủ đề chính của Diễn đàn năm 2017 là “Những xu hướng tiếp thị nổi bật” nhằm trao đổi thông tin, định hướng các giải pháp và cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp thị trực tuyến.