Những chiếc flagship sẽ tạo ra dấu ấn mạnh nhất trong tâm trí của người tiêu dùng về hình ảnh của sản phẩm Nokia, sẽ cho họ biết thiết kế của máy như thế nào, có chức năng gì nổi bật và họ có thể kỳ vọng gì ở các dòng máy giá thấp hơn. Nói cách khác, dòng cao cấp sẽ là một tuyên ngôn của Nokia và là điều quan trọng để hãng quay trở lại cuộc đua smartphone.
Hãy nói trước về tiền, một trong những lý do chính để Nokia hay bất kì một công ty nào khác tiến hành kinh doanh và bán hàng. Khi bạn bán được những chiếc máy flagship, lợi nhuận của bạn sẽ cao hơn so với việc bán những điện thoại tầm trung hay giá rẻ.
Trong quý 2 năm 2016 và 2017, Samsung đã thu lãi lớn nhờ sự ra mắt của hai chiếc flagship quan trọng là Galaxy S7 và Galaxy S8, trong đó kết quả Q2/2017 tăng 20% so với cùng kì năm ngoái. Tương tự, LG cũng tăng lợi nhuận 10% so với cùng kì một năm về trước nhờ LG G6. Chưa hết, tháng 6 vừa rồi cũng là tháng HTC đạt doanh thu cao nhất kể từ 12/2016 với doanh thu tăng 52% so với tháng 5 và 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 225.2 triệu đô la Mỹ. Còn Apple thì thôi khỏi nói rồi, doanh thu và lợi nhuận của hãng từ iPhone, đặc biệt là iPhone 7 và 7 Plus, đã giúp công ty ghi nhận những món tiền cao kỉ lục và mặc dù trong quý gần nhất họ bán được ít thiết bị hơn nhưng tiền lời vẫn cao hơn.
Những thông tin trên là bằng chứng rất chặt chẽ để cho thấy rằng nếu muốn có lời ở thị trường smartphone, bạn hãy bán máy flagship, tất nhiên là máy của bạn cũng phải đủ tốt nếu không muốn bị người dùng quay lưng và chuyển sang mua sắm thiết bị đối thủ.
Một trong những lý do khiến điện thoại flagship sinh ra được nhiều tiền hơn các máy tầm trung và thấp là do biên độ lợi nhuận (profit margin) của máy flagship thường được ấn định cao hơn. Biên độ ở đây là phần chênh lệch giữa chi phí cần để làm ra sản phẩm so với giá bán ra thị trường. Ở máy flagship, các nhà sản xuất có thể ấn định biên độ này ở mức cao nhằm đem về nhiều tiền lời. Tất nhiên điều này cũng khiến giá bán sản phẩm tăng lên, nhưng ở phân khúc cao cấp người ta sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để có được cái người ta muốn nên đây không phải là vấn đề lớn. Ngoài ra, thị trường cao cấp cũng không có cạnh tranh quá gắt gao về giá bán.
Trong khi đó, ở phân khúc tầm trung và giá rẻ, việc ấn định biên độ lợi nhuận cao, đồng nghĩa với giá bán cũng phải cao theo. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của máy do thị trường này đang có một cuộc chiến về giá rất khốc liệt. Các hãng điện thoại Trung Quốc liên tục tung ra những chiếc máy cấu hình cao giá rẻ thiết kế đẹp, nếu máy của bạn bán giá cao hơn họ thì bạn sẽ mất khách nên buộc lòng nhà sản xuất phải bấm bụng giảm lợi nhuận và / hoặc giảm chi phí sản xuất. Mà việc giảm chi phí không phải là điều đơn giản do còn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng và linh kiện cũng như quá trình nghiên cứu, phát triển nên chọn đường cắt biên độ lợi nhuận sẽ dễ dàng hơn.
Quay trở lại với trường hợp của Nokia, chúng ta thấy rằng hãng đã có Nokia 3, 5, 6. Tất cả những chiếc máy này đều là tầm trung hoặc giá rẻ, và như phân tích ở trên, biên độ lợi nhuận của chúng không cao, thậm chí có khi còn lỗ không chừng. Chúng sẽ không phải là nguồn tiền dồi dào mà một hãng với quy mô cỡ HMD Global đang muốn nhắm tới, có thể lợi nhuận từ 3 máy này thậm chí còn không đủ nuôi công ty nữa, nên việc tung ra một chiếc flagship sẽ giúp HMD Global kiếm được nhiều tiền lời hơn. Có như vậy thì hãng mới có kinh phí để giữa lại nhân tài, có tiền để tiếp tục đầu tư phát triển trong thời gian tới, và có tiền để quảng bá mạnh hơn cho chiếc máy của mình.
Một lý do khác ngoài tiền nhưng cũng vô cùng quan trọng để Nokia ra mắt chiếc máy flagship của mình đó là về mặt hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng. Nếu Nokia chỉ làm những máy tầm thấp và tầm trung, hình ảnh đó sẽ in mãi trong đầu khách hàng mỗi khi họ suy nghĩ về Nokia. Họ không tin Nokia có thể làm được máy đủ tốt, điều này làm giảm động lực mua hàng. Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông thông tin, cái tên Nokia cũng sẽ ít được nhắc đến hơn nếu không có máy flagship. Khi người ta so với Galaxy S8, G6, U11 với nhau mà thiếu vắng Nokia thì Nokia đã vô tình để lỡ một cơ hội tăng mức độ nhận biết với người đang có nhu cầu sắm thiết bị mới.
Tiến một bước xa hơn, việc có một chiếc điện thoại flagship trong bộ sưu tập sản phẩm sẽ giúp Nokia khẳng định được vị thế của mình không chỉ với người dùng mà cả với đối thủ. Nokia 8 / 9 sẽ cho thị trường biết Nokia là ai, Nokia có thể làm được gì, Nokia có định hướng như thế nào, và người dùng có thể kỳ vọng gì ở một sản phẩm in logo của hãng Phần Lan này.
Và có thể bạn không để ý nhưng không hãng điện thoại nào trình diễn các công nghệ mới của mình trên máy tầm trung, thay vào đó họ đưa ra những thứ hay ho nhất cho chiếc flagship của mình, rồi sau đó mới áp dụng dần dần cho những dòng máy rẻ hơn. Ví dụ, LG G6 là chiếc flagship sử dụng màn hình viền mỏng rất sexy, sau đó LG mới đưa linh kiện này lên dòng LG Q6+ với giá thấp hơn và cấu hình được cắt giảm. Samsung cũng đã từng làm điều này: đem chức năng, thiết kế của máy dòng cao xuống máy giá rẻ. Chính Nokia cũng làm thế: Lumia 930 sử dụng viền kim loại, sau đó Lumia 830 giá rẻ hơn cũng được áp dụng cùng bộ khung. Lumia 920 có công nghệ PureView xuất sắc, sau đó mở rộng áp dụng cho cả Lumia 830 chẳng hạn.
Lý do mà các công ty thường đem công nghệ mới lên các máy flagship là vì:
- Máy flagship được chú ý nhiều hơn, công nghệ của họ sẽ được nhiều người biết tới hơn, một cách quảng bá rất thông minh
- Máy flagship được bán với giá, có thể bù lại chi phí nghiên cứu và tích hợp công nghệ
- Máy flagship được sử dụng như một mô hình để 'luyện tập' công nghệ mới và khi nhà sản xuất đã rành hay đã tìm được cách tối ưu quy trình sản xuất trên quy mô lớn thì họ sẽ dễ áp dụng cho các máy khác với chi phí thấp hơn (economy of scale)
Tóm lại, Nokia rất cần phải ra mắt một chiếc điện thoại cao cấp và bán nó để kiếm được tiền lời, để giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu, và làm nơi trình diễn khả năng, công nghệ của mình. Nếu không có chiếc máy cao cấp đó, Nokia dễ bị bỏ lại bởi các đối thủ khác và khách hàng sẽ không còn nhớ tới cái tên Nokia như cách mà người ta đã từng biết về thương hiệu này.
Và chiếc máy cao cấp đó được đồn là Nokia 8 hoặc 9, trong đó nhiều khả năng chiếc 8 sẽ ra mắt trước vào ngày 31/7 tới đây. Nokia 8 có thiết kế tương tự như Nokia 6, từ cảm biến vân tay, nút cứng, các góc bo xung quanh và mặt kính 2,5D. Điểm khác biệt nằm ở mặt sau: thay vì sử dụng camera đơn, Nokia 8 dùng camera kép với thiết kế tương đối nổi bật, và đây cũng là sản phẩm đầu tiên sử dụng thấu kính ZEISS trở lại sau một thời gian hai bên ngừng hợp tác. Thật 'tình cờ' đúng không khi Nokia 8 là dòng máy đầu tiên được trang bị camera kép của HMD Global, và cũng là sản phẩm đầu tiên đánh dấu việc ZEISS làm thấu kính cho máy Nokia chạy Android. Như mình đã nói ở trên, máy flagship là chỗ các hãng khoe công nghệ mà, vậy nên cái gì mới họ đều đưa vào cả.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nokia 8 chưa có ấn tượng gì đủ mạnh ngoại trừ camera kép và thương hiệu ZEISS. Để xem họ sẽ cạnh tranh với các đối thủ khác như thế nào nhé. Hẹn anh em vào ngày 31/7!