Tin xấu là TouchPal bắt đầu xuất hiện quảng cáo ngay phía trên bàn phím. Điều này không những gây ra sự khó chịu, làm người dùng dễ bấm nhầm vô quảng cáo mà còn tạo ra sự lo ngại về việc bảo mật thông tin của người dùng.
Máy Android gần đây nhất mình xài có TouchPal là HTC 10 evo, còn con OnePlus 5 đang xài thì không có (vì dùng Gboard của Google). Lần đầu nhìn thấy TouchPal mình đã cảm thấy không thích vì cái tên lạ. Sở dĩ mình không thích bàn phím lạ vì bàn phím là một thành phần khá nhạy cảm trong mỗi hệ điều hành. Tất cả những gì bạn gõ thông qua bàn phím đều có khả năng bị gửi đến một máy chủ riêng để lưu trữ hoặc xử lý. Từ đây sẽ phát sinh việc dữ liệu bạn gõ có khả năng bị lạm dụng để dùng vào mục đích xấu, ví dụ như mật khẩu, thông tin thẻ ngân hàng, dữ liệu cá nhân...
Một số người dùng trên mạng Reddit cho biết máy HTC 10 của họ bắt đầu hiện quảng cáo ngay khi họ vừa mở bàn phím để gõ gì đó. Muốn tắt quảng cáo thì họ phải trả tiền để mua gói Premium. 'Lỗi' này không hoàn toàn thuộc về HTC bởi vì TouchPal là một phần mềm third-party và có khả năng update thông qua Play Store. Cho nên HTC hay những hãng có sử dụng TouchPal sẽ không thể hiểm soát được hết các khả năng tiềm tàng của loại bàn phím này.
Có vài lý do tại sao HTC và những hãng điện thoại chọn TouchPal để cài sẵn trong điện thoại của họ. Bởi vì làm như thế hãng sẽ không tốn công tự làm bàn phím riêng, đồng thời còn được hãng đó trả tiền để tích hợp app/bàn phím của họ vào điện thoại. Chúng ta thường gọi những app cài sẵn này với tên gọi là 'bloatware'. Điều này cũng lý giải tại sao các hãng không chịu tích hợp Gboard, một bàn phím cực tốt cho Android do chính Google làm, bởi vì Google không trả tiền để các hãng tích hợp Gboard vào mỗi máy bán ra.
Điều quan trọng bây giờ là bạn nên cài một bàn phím khác vào máy để xài, ví dụ như Gboard của Google, vừa đa năng, vừa chạy nhanh lại vừa do chính Google làm nên sẽ cảm thấy yên tâm hơn.
Theo GSMArena, Reddit (1), (2)